Ấn tượng với vở nhạc kịch “Dế mèn phiêu lưu ký”
Công chúng yêu nghệ thuật tại TP.HCM vừa có một đêm thưởng thức nghệ thuật thăng hoa với nhạc kịch “Dế mèn phiêu lưu ký”, diễn ra hôm 10/9/2023.
Tác phẩm được dàn dựng theo phong cách nhạc kịch broadway - một loại hình sân khấu hấp dẫn nhất hiện nay trên thế giới bởi sự kết hợp của âm nhạc hấp dẫn như pop, rock, jazz với nhiều nghệ thuật thị giác của sân khấu, vũ đạo lộng lẫy và diễn xuất diễn viên sinh động, hài hước.
Năm 2019, vở nhạc kịch này đã từng được công diễn bản concert viết theo phong cách âm nhạc broadway. Lần đó, tuy chỉ mới ra mắt phiên bản hòa nhạc nhưng tác phẩm đã tạo nên tiếng vang lớn và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ phía khán giả bởi những ca khúc và âm nhạc của nhạc sĩ Vũ Việt Anh.
Lần này, vở nhạc kịch được công diễn phiên bản sân khấu đầy đủ với công nghệ sân khấu hiện đại, trang phục thiết kế ấn tượng, vũ đạo mới lạ, đã mang đến cho khán giả những trải nghiệm âm nhạc thú vị.
Phần âm nhạc của vở diễn này vừa tưng bừng vừa hấp dẫn và cũng đầy sâu lắng bởi phong cách âm nhạc của nhạc sĩ Vũ Việt Anh vốn đã nổi tiếng về trữ tình. Anh được người yêu nhạc biết đến qua các ca khúc Dòng sông lơ đãng, Không còn mùa Thu, Hoa có vàng nơi ấy, Đêm nằm mơ phố, Mưa phi trường, Màu của lãng quên, Người đi xa mãi...
Nhạc sĩ còn nổi bật với các thành công trong lĩnh vực âm nhạc cho múa, nhạc kịch và giao hưởng thính phòng, như ballet Kiều (Giải xuất sắc nhất Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc lần 2), kịch múa hoàng hôn, vũ kịch những bông hoa thành phố, giao hưởng vàng son…
Ở vở diễn Dế mèn phiêu lưu ký lần này, nhạc sĩ Vũ Việt Anh đã thể hiện được nhiệt huyết muốn sáng tạo loại hình nhạc kịch hiện đại mang yếu tố âm nhạc đại chúng, kết hợp âm nhạc học thuật của nhạc kịch và các hiệu ứng của công nghệ sân khấu hiện đại. Khán giả có mặt trong khán phòng hết sức thích thú khi những giai điệu quen thuộc của ca trù, hay ngôn từ quen thuộc của ca dao, dân ca Việt Nam như “Cái cò, cái vạc, cái nông…” được vang lên bằng thứ ngôn ngữ âm nhạc vừa sang trọng, vừa tươi mới.
Sự hòa quyện giữa văn hóa truyền thống bản địa mà đặc thù là âm hưởng của các làn điệu cổ truyền với âm nhạc hiện đại đã nâng tầm văn hóa Việt, mở ra cánh cửa giao lưu với thế giới.
Vở nhạc kịch được biên kịch chi tiết, kết cấu quy mô với sự tham gia của biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh - tác giả kịch bản, kiêm tổng đạo diễn. Nhiều kịch tính và nhiều yếu tố văn hóa Việt Nam được sử dụng một cách thú vị trong vở diễn lần này.
Trên sân khấu lộng lẫy tập hợp những nghệ sĩ soloist tài năng của Đoàn nhạc kịch HBSO, như nghệ sĩ Đào Mác (trong vai Dế mèn), Phan Hữu Trung Kiệt (Dế trũi), Phạm Khánh Ngọc (chị Cốc), Trần Thanh Nam (Xiến tóc), Trần Thị Kim Anh (Nhà trò), Vũ Minh Trí (Thầy đồ Cóc), Hồ Hoàng Ngọc, Lý Hoàng Kim, Nguyễn Phan Mạnh Duy, Bùi Danh Hùng, Nguyễn Tuấn Dương, Khánh Thy, Trương Thành Nhân, Thế Phương... Vở diễn còn có sự tham gia đông đảo của dàn hợp xướng, đoàn vũ kịch, dàn nhạc giao hưởng, dàn hợp ca thiếu nhi và một ban nhạc nhẹ.
Trong đó, Đào Mác luôn thu hút khán giả ngay khi bước ra sân khấu nhờ sở hữu chất giọng baritone quý giá. Trong đêm diễn, anh kém may mắn từ những màn đầu tiên, bị ngã mạnh. Cú ngã khiến anh bị chấn thương, bong gân một bên chân. Tuy nhiên, anh đã nén đau để trình diễn toàn bộ vở diễn với nhiều màn thể hiện khả năng diễn xuất cực kỳ thú vị.
Dàn dựng hợp xướng và chỉ huy đêm diễn là nhạc trưởng tài năng Trần Nhật Minh, huấn luyện thanh nhạc là nghệ sĩ Phạm Trang, biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng và Nguyễn Thị Tuyết Minh, NSƯT Trần Hoàng Yến, đạo diễn ánh sáng Nguyễn Phúc Hải, thiết kế phục trang Pulee, thiết kế sân khấu Khánh Toàn. Chỉ đạo nghệ thuật cho toàn bộ dự án là nhạc trưởng Lê Ha My - Giám đốc Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM.
Đáng nói, toàn bộ kinh phí sáng tác và dàn dựng biểu diễn vở nhạc kịch hoàn chỉnh Dế mèn phiêu lưu ký do TP.HCM và Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đầu tư.
Đây là định hướng quan trọng được thực hiện trong nhiều năm qua để hỗ trợ HBSO phát triển những tác phẩm nghệ thuật Việt Nam có chất lượng cao; đã có rất nhiều tác phẩm giao hưởng thính phòng và múa có giá trị đã ra đời từ sự đầu tư này. Vở diễn đang được kỳ vọng trở thành một trong những công trình tài trợ xứng tầm khi đội ngũ nghệ sĩ của nhà hát đã cống hiến hết mình, mang lại cho khán thính giả đêm nghệ thuật tuyệt vời.
Theo nhạc trưởng Lê Ha My - Giám đốc Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM, việc ra đời một đơn vị nghệ thuật chuyên biểu diễn loại hình nghệ thuật hàn lâm để phục vụ công chúng là một nhiệm vụ cấp thiết. Nhà hát với tên gọi ban đầu là “Nhà hát giao hưởng và thính phòng” được thành lập theo Quyết định số 955/QĐ-UB ngày 21/6/1993 của UBND TP.HCM. Từ đó đến nay đã 30 năm. Đó là chặng đường dài của sự phấn đấu, nỗ lực vượt khó thuật của nhiều nghệ sĩ.
Xuất phát từ cảm hứng với tác phẩm văn học Dế mèn phiêu lưu ký của cố nhà văn Tô Hoài, lắng đọng, đong đầy tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm gia đình, tình bạn, tình người, tình bằng hữu, cùng những chiêm nghiệm sau nhiều chặng đường của cuộc đời, nhạc sĩ Vũ Việt Anh đã hoàn thành tâm nguyện hòa trộn văn hóa Việt với thế giới.
Dế mèn phiêu lưu ký trong tương lai rất có thể sẽ là chiếc cầu nối văn hóa để lan tỏa nét bản sắc Việt Nam ra thế giới, cũng như hoàn toàn có thể nghĩ đến việc sắp xếp lịch công diễn định kỳ thường xuyên tại Nhà hát TP.HCM để khách du lịch mỗi khi tới Việt Nam có được sợi dây kết nối tốt nhất, cảm nhận văn hóa Việt qua trải nghiệm nghệ thuật.