Cảnh trong vở kịch Bí mật giếng làng Khủm |
Ra mắt nhiều vở diễn mới
Dịp lễ 30/4 và 1/5 đã mở màn cho mùa diễn mới của sân khấu TP.HCM sau mùa diễn Tết Quý Mão thu nhiều kết quả khả quan. Đang diễn hai vở Tía ơi, chồng con đâu? và Trời trao của lạ, cùng hai vở kịch thiếu nhi là Vương quốc những người xấu xí và Đại náo long cung, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B đã lên sàn tập vở Đường chân trời (tác giả Lê Thu Hạnh) - một câu chuyện về tình yêu và thù hận, những giằng xé và đối đầu trong gia đình hiện đại, sẽ ra mắt vào tháng 6.
Sân khấu Idecaf vẫn giữ được sức hút của dàn diễn viên danh tiếng, giỏi nghề và kịch bản đậm chất giải trí. Sau các vở Alo Lộ hàng! Em em chị chị, Ai là hung thủ? Bất ngờ chưa bà già trình diễn tại Sân khấu Idecaf và Nhà hát Thanh Niên, Idecaf vừa ra mắt Bí mật giếng làng Khủm mang màu sắc dân gian với sự trở lại của nghệ sĩ Trung Dân và Thanh Thủy; Thanh xà - Bạch xà: Ngàn năm tỉnh mộng (đạo diễn Ngọc Hùng) mang màu sắc huyền bí. Bên cạnh đó, Ngày xửa ngày xưa 34 - Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai đang chuẩn bị cho 20 suất diễn, kể từ ngày 25/5 ở Nhà hát Bến Thành.
Bên cạnh các vở đang diễn như Loạn thế chi vương, Sơ hở là yêu và Mẹ hát rong, Sân khấu Trương Hùng Minh chuẩn bị ra mắt Bí mật tre trăm đốt - vở đầu tiên trong seri kịch thiếu nhi Truyện thần tiên, với diễn xuất của Việt Hương, Hoàng Mập, Đại Nghĩa... Sân khấu này còn dành suất diễn cho vở cải lương Ngũ biến báo phu cừu - kịch bản kinh điển của soạn giả Bạch Mai, nay được khoác “áo mới” nhằm phù hợp với khán giả trẻ. Sự hợp tác này nằm trong chủ trương đa dạng kịch mục của Sân khấu Trương Hùng Minh và góp phần mở rộng đối tượng khán giả cho Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long.
Sân khấu Thế Giới Trẻ vừa ra mắt Ngày hội cái bang (đạo diễn NSƯT Hữu Châu) với các diễn viên đang được yêu thích như Hoàng Phi, Puka, Anh Đức, Tiểu Bảo Quốc, Minh Dự, Phương Lan. Đây là vở hài kịch dân gian đầu tiên tại sân khấu này. Có thể nói, Thế Giới Trẻ vẫn giữ phong độ và đang có sự trở lại của các diễn viên như Thu Trang, Diệu Nhi và Tiến Luật.
Đón mùa diễn Hè, Sân khấu kịch Hồng Vân giới thiệu vở kịch Bỉ vỏ tại Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận. Bản dựng mới được NSND Hồng Vân trau chuốt gọn ghẽ và “dành đất” cho các diễn viên trẻ. NSND Hồng Vân cũng tập trung dựng vở mới cho UEH Theatre - sân khấu hợp tác với Trường Đại học Kinh tế TP.HCM.
Việc phục dựng các tác phẩm kinh điển nằm trong kế hoạch dài hạn của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang nhằm giới thiệu tinh hoa sân khấu cải lương cho khán giả trẻ. Sau Lụy tình vương nữ, Ngai vàng và tội ác vừa công diễn, nhà hát đang lựa chọn kịch bản để dàn dựng, chuẩn bị cho Liên hoan Sân khấu TP.HCM sắp tới.
Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam vừa ra mắt vở kịch xiếc Cha Rồng mẹ Tiên tại Rạp xiếc Công viên Gia Định. Thông qua ngôn ngữ xiếc, múa và tạo hình nhân vật mang màu sắc thần thoại, vở diễn giải thích, suy tôn nguồn gốc giống nòi, thể hiện thông điệp về sự đoàn kết, thống nhất của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Cảnh trong vở kịch Mẹ hát rong |
Nỗ lực để “chuyển mình”
Thế mạnh của kịch TP.HCM là mỗi sân khấu có phong cách riêng và nhờ vậy bán được nhiều vé. Idecaf thu hút bởi những vở diễn có chiều sâu do các ngôi sao diễn xuất. 5B là sân khấu chính kịch, thử nghiệm. Hoàng Thái Thanh nổi bật với dòng kịch tâm lý tình. Hồng Vân gầy dựng thương hiệu kịch chuyển từ sách văn học. Với điểm diễn mới - Nhà hát Thanh Niên, Idecaf đẩy mạnh đầu tư, dàn dựng mô hình nhạc kịch, sân khấu học đường, sân khấu cải lương để thu hút lớp khán giả mới.
Sau thời gian dài “hụt hơi”, 5B đã khởi sắc với nỗ lực “trẻ hóa” phong cách đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả nhiều lứa tuổi. Việc cho ra đời chương trình sân khấu thiếu nhi vào cuối tuần và chùm hài kịch vào giữa tuần đã tạo bước ngoặt giúp 5B có thêm lượng khán giả mới. Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh chuyển sang hình thức “mùa diễn” để tập trung được nguồn lực ổn định, dàn dựng tác phẩm có chất lượng cao nên thu hút được khán giả. Vừa kết thúc mùa diễn đầu tiên của năm với vở Trái tim oan khuất, hiện Hoàng Thái Thanh đang chuẩn bị vở mới cho mùa diễn tiếp theo, nhất là ở các trường học trong chương trình ngoại khóa.
Mùa diễn mới cho thấy nỗ lực “chuyển mình” của các sân khấu xã hội hóa và công lập của TP.HCM. Sắp tới, Hội Sân khấu TP.HCM sẽ tổ chức Liên hoan Sân khấu TP.HCM lần thứ nhất với đa dạng loại hình sân khấu như kịch nói, cải lương, hát bội, xiếc. Dự kiến, liên hoan diễn ra vào quý III/2023. Hội Sân khấu TP.HCM kêu gọi các đơn vị sân khấu chuẩn bị kịch mục tốt nhất tham gia liên hoan, góp phần tạo sinh khí mới cho sân khấu thành phố.
Từ lâu, khó khăn lớn nhất với sân khấu TP.HCM vẫn là địa điểm diễn. Chiều 13/4 vừa qua, tại cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TP.HCM, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, hiện chỉ có hai nhà hát có thể hoạt động là Nhà hát Thành phố và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, các địa điểm còn lại hầu hết không đạt chuẩn, thậm chí phải ngưng hoạt động. Sở Văn hóa và Thể thao đã đề xuất nâng cấp, sửa chữa lớn và xây dựng các công trình văn hóa bằng cách kêu gọi xã hội hóa theo hình thức đối tác công tư (PPP) và kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài khi nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được Quốc hội thông qua.