Văn hóa nghệ thuật

Sân khấu kịch Thành phố lại sáng đèn

Đinh Hương 11/11/2023 21:02

Nhờ sự chuyển biến và thay đổi tích cực, sân khấu kịch ở TP.HCM đã sáng đèn ổn định, vé bán ra có dấu hiệu khả quan ngay cả khi kinh tế đang khó khăn như hiện nay.

canh-trong-vo-tra-lai-thia-lia.jpg

Thành phố hiện đang có chục đơn vị sân khấu kịch đang hoạt động ổn định như Nhà hát kịch 5B, Hoàng Thái Thanh, Trương Hùng Minh, Quốc Thảo, Thế Giới Trẻ, Nhà hát Thanh niên... và một số nhóm kịch cà phê như Đời, Xóm Kịch... Ngoài ra còn có Nhà hát Thế giới Trẻ, Sân khấu Kịch Hồng Hạc với những suất diễn phục vụ học đường; hay những dự án kịch thể nghiệm của nghệ sĩ Hồng Ánh, đạo diễn - biên kịch Trà Nguyễn...

Gần đây, sân khấu kịch Thành phố lại chào đón sự ra đời của sân khấu Thiên Đăng, Nhà văn hóa Sinh viên (thuộc Sân khấu kịch Hồng Vân) và sự mở rộng về hoạt động của Nhà hát kịch Idecaf.

Sân khấu kịch phục hồi, sáng đèn với các suất diễn từ thứ Tư đến Chủ nhật nên dàn nghệ sĩ sân khấu được bổ sung từ nhiều nguồn, trong đó có nhiều nghệ sĩ kỳ cựu hoặc đang chín về tài năng cũng quay trở lại diễn xuất, nhưng với sự linh hoạt hơn, khi không hẳn “đầu quân” diễn thường trực ở một sân khấu như trước kia.

canh-trong-vo-kich-giang-huong.jpg

Để dung hòa được hai đối tượng khách chính là khán giả yêu thích nghệ thuật kịch nói từ xưa và người trẻ muốn xem giải trí, các sân khấu chủ trương phải dàn dựng vở vừa mang tính nghệ thuật, vừa đậm nét giải trí. Khi dời sang điểm diễn mới là Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM, NSND Hồng Vân cho biết, sân khấu này hướng về lớp khán giả trẻ, đặc biệt là sinh viên, học sinh, nên kịch sử, nhạc kịch, hoặc những vở về gia đình ngọt ngào sẽ tạo ấn tượng đẹp và chuẩn mực cho các em.

Sân khấu kịch 5B năm nay có sự chuyển biến ngoạn mục khi NSƯT Mỹ Uyên quyết tâm quay lại với kịch thể nghiệm, kịch tâm lý xã hội - là “sở trường” và từng tạo nên vị thế của kịch 5B trước kia. Mới đây, hai vở mới là Ái tình ngoài hôn nhân, Bến lửa lòng ra đời mang màu sắc khác hẳn về dàn dựng, diễn xuất và đã chinh phục được người xem qua nhiều suất diễn cháy vé. Nhà hát kịch Idecaf phục hồi hàng loạt vở cũ vừa hoạt náo, sinh động, vừa ý nghĩa tâm lý, xã hội.

Tuy mới ra đời nhưng sân khấu Thiên Đăng nhanh chóng tạo được sức hút, với thể loại nhạc kịch nghiêm túc, công phu. Sân khấu kịch Trương Hùng Minh tập trung đầu tư nhiều kịch bản mới, mời đạo diễn giỏi về làm cố vấn, chấp nhận mọi khoản thuê ekip hậu đài, phục trang… cốt làm sao có vở diễn tốt nhất.

Một sự thay đổi tuy nhỏ nhưng rất đáng chú ý là gần đây, các sân khấu kịch Thành phố đã thay đổi về thời điểm mờ màn suất diễn. Nếu trước đây các sân khấu Thành phố thường mở màn suất diễn tối vào lúc 20g30, thì hiện nay hàng loạt sân khấu đã điều chỉnh giờ mở màn sớm hơn, dao động từ 18g đến 19g30. Như vậy, khán giả không phải về nhà quá khuya, khi nhiều vở diễn kéo dài ba giờ và kết thúc rất muộn. Bên cạnh sự chủ động chăm chút về thể loại, kịch bản, diễn xuất, dàn dựng song hành với bản sắc của một dự án mới, sân khấu Thành phố cũng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tiếp thị đa dạng để quảng bá, đưa vở diễn tiếp cận khán giả trên nhiều phương tiện, như phát hành vé điện tử, thanh toán online, lập fanpage quảng cáo vở diễn mới, tung bích chương giới thiệu vở mới, tổ chức sneak-show (diễn sớm) vở diễn mới, kết hợp chặt chẽ với nhà trường theo hình thức “sân khấu học đường”, hay nhận các suất diễn hợp đồng cho các doanh nghiệp, cơ quan... Đặc biệt, các nghệ sĩ tên tuổi hay lớp diễn viên trẻ đào tạo tại sân khấu cũng là những KOL, tiktoker, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội góp phần thu hút khán giả đến sân khấu trải nghiệm.

canh-trong-vo-bong-canh-co.jpg

Mới đây, UBND TP. HCM vừa có quyết định phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030, tập trung thực hiện chỉ tiêu chủ yếu của 8 ngành mũi nhọn, trong đó có Ngành nghệ thuật biểu diễn (gồm: múa, nhạc, kịch, Opera, Nhạc kịch, kịch câm, múa rối, xiếc...). Vấn đề xã hội hóa trong phát triển văn hóa cũng được Đề án đề cập. Theo đó, Thành phố sẽ có cơ chế đặc thù để định hướng ủng hộ, tạo điều kiện, hỗ trợ các đơn vị xã hội hóa trong phát triển các ngành mũi nhọn của công nghiệp văn hóa.

Sân khấu kịch Hồng Vân đã diễn vở đầu tiên: Bông cánh cò, Thương thì thương thế thôi, Hoa dại. Sắp tới NSND Hồng Vân sẽ tái dựng vở Nỏ thần.
Nhà hát kịch Idecaf cũng ra mắt một số vở diễn mới như Phép lạ, Bích Hoa cô là ai?
Sân khấu kịch Thiên Đăng đang diễn vở Giáng Hương, Lộ hàng và đang ra mắt vở mới Ngôi nhà trong mây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sân khấu kịch Thành phố lại sáng đèn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO