Văn hóa nghệ thuật

Kịch sử Việt: Điểm sáng của sân khấu TP.HCM

Phúc Gia Khanh 03/03/2024 - 12:59

Sự xuất hiện những vở diễn tại các sân khấu về đề tài lịch sử Việt Nam là rất đáng mừng. Đầu tư kịch lịch sử tốn kém, nhưng các sân khấu đang nỗ lực hết mình cho từng vở diễn.

Vào những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 hàng loạt vở kịch về đề tài lịch sử được công diễn như: Khúc tráng ca thành Gia Định, vở múa rối nước Trước ngọn sóng, Xuân về trên đất Thăng Long, Tình sử Thăng Long, Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt, Trần Thủ Độ - Anh hùng và gian hùng… cho thấy vở kịch sử Việt đã trở thành điểm sáng của sân khấu TP.HCM.

Tiếp tục, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM cũng đã phúc khảo xong vở Lê Đại Hành hoàng đế, Anh hùng (viết về anh hùng Nguyễn Trung Trực). Vở Lá cờ thêu 6 chữ vàng về anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản, đang được NSƯT - đạo diễn Lê Nguyên Đạt và ê kíp gấp rút hoàn thành để công diễn vào tháng 5 này. Còn một số vở diễn khác đang được các sân khấu chuẩn bị để công diễn trong thời gian tới.

Lâu nay, khi chọn dựng kịch đề tài lịch sử, các sân khấu đều gặp khó đầu tiên là kinh phí đầu tư cao (kịch bản, trang phục, âm nhạc, thiết kế) so với kịch hiện đại. NSND Hồng Vân bày tỏ: “Thứ nhất là kinh phí quá cao. Thứ hai phải làm sao vừa đảm bảo tính đúng đắn về mặt sự kiện lịch sử, vừa phải đảm bảo độ hấp dẫn trong kịch bản. Với Tình sử Thăng Long, vì mê quá nên tôi và anh Kim Tử Long xác định dàn dựng vở kịch này là vì tình yêu sử Việt không phải vì lợi nhuận. Nếu may mắn huề vốn đầu tư đã là hạnh phúc”.

khuc-trang-ca-thanh-gia-dinh.jpg
Cảnh trong vở Khúc tráng ca thành Gia Định

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc Nhà Hát Kịch IDECAF, kịch sử Việt phải dàn dựng thật hấp dẫn về mặt nội dung lẫn hình ảnh để tránh mặc định lịch sử khô khan. Ngoài câu chuyện được chăm chút thì trang phục, cảnh trí phải đầu tư kỹ lưỡng. Khi quyết định đầu tư cho ba vở sử Việt, ông Huỳnh Anh Tuấn đã đến các tỉnh miền Trung tìm nghệ nhân đặt may và mua cho được những bộ trang phục đúng với niên đại của sử Việt. “Tâm huyết của tôi dành cho kịch sử Việt chính là làm cho đúng với những gì thuộc về lịch sử. Lâu nay có thể do khâu thiết kế chưa chú trọng đúng như yêu cầu vở diễn nên các vở về lịch sử trang phục cứ na ná nhau, thậm chí mặc trang phục sai. Vì vậy, trong kế hoạch biểu diễn của Nhà hát, tôi đầu tư trang phục theo đúng với những gì kịch bản qui định, tôn trọng đúng niên đại, đúng phẩm phục, chức sắc của từng nhân vật” - ông Tuấn chia sẻ.

Tâm huyết và sự đầu tư chỉn chu của các sân khấu kịch còn bởi họ xác định đối tượng khán giả mà những vở đề tài lịch sử phải chinh phục, phải lôi cuốn và hấp dẫn được số đông là giới trẻ.Vở Nữ đại đế Mê Linh, theo kế hoạch sẽ được Nhà Hát Kịch IDECAF đầu tư cả hai bản kịch nói và cải lương. Mỗi vở sẽ biểu diễn phục vụ công chúng rộng rãi 10 suất, sau đó tập trung biểu diễn phục vụ học đường. “Vì biểu diễn phục vụ học sinh nên chúng tôi tập trung chủ yếu vào không gian lịch sử, bớt nặng nề về lý luận, quan điểm để các em dễ xem” - ông Tuấn cho biết.

Với vở Lá cờ thêu 6 chữ vàng, đạo diễn Lê Nguyên Đạt chia sẻ: “Vở dài chừng 90 phút. Để người trẻ hào hứng xem, tôi chú trọng tạo không khí sinh động, tiết tấu nhanh, chủ đề rõ ràng. Đặc biệt, đây là vở nhạc kịch lấy chất liệu dân ca Nam bộ kết hợp ca vũ nhạc kịch, phục vụ khán giả là học sinh tiểu học, trung học cơ sở”.

Thực tế chứng minh một số vở kịch đề tài lịch sử như: Yêu là thoát tội (về vụ án Lệ Chi Viên liên quan đến Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi), Ai tư vãn - Uẩn khúc Ngọc Hân đã thành công khi đưa các buổi biểu diễn trở thành giờ học ngoại khóa về văn - sử cho học sinh, sinh viên.

yeu-la-thoat-toi.jpg

Cảnh trong vở Yêu là thoát tội

Hay như vở Tình sử Thăng Long - phóng tác từ kịch bản Công chúa Ngọc Hân của cố tác giả Lưu Quang Vũ - được đầu tư nhiều tâm sức trong kịch bản và tài chính trong bài trí sân khấu, với ba màn hình LED cỡ lớn giúp cảnh trí thêm sinh động, bắt mắt, phục trang được thương hiệu Việt phục Hoa Niên may vừa bám sát lịch sử, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ sân khấu. Dù ê kíp thực hiện không tiết lộ con số đầu tư nhưng khán giả vẫn nhẩm tính được tiền tỷ cho vở diễn này.

Với những khó khăn và tâm huyết cho việc làm kịch lịch sử, thiết nghĩ, rất cần có cơ chế đặc thù giúp các sân khấu được giảm giá thuê sàn diễn, hỗ trợ giá vé... để các vở kịch sử Việt phục vụ được đông đảo khán giả, nhất là giới học sinh, sinh viên, công nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kịch sử Việt: Điểm sáng của sân khấu TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO