Net Zero

Thị trường tín chỉ carbon

Phạm Đăng An (*) 06/02/2024 09:00

Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển thị trường tín chỉ carbon, nhất là khi quá trình chuyển dịch xanh, giảm phát thải để ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, để tận dụng cơ hội từ sự phát triển của thị trường tín chỉ carbon, doanh nghiệp sẽ phải vượt qua một số thách thức, trước hết là phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế…

tin-chi-cac-bon.jpg
Cam kết của các Chính phủ về Net Zero tại Hội nghị COP26 được xem là một động lực cho thị trường tín chỉ carbon (Ảnh minh họa)

Phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam

Theo đánh giá của các chuyên gia trong nước và quốc tế, Việt Nam có nhiều tiềm năng với các dự án tín chỉ carbon, có thể đến từ nhiều lĩnh vực như lâm nghiệp, nông nghiệp, nước sạch… Không chỉ có tiềm năng lớn, thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam cũng đang có cơ hội thuận lợi để phát triển. Cơ hội này đến từ xu hướng giảm phát thải, chuyển dịch xanh đang diễn ra rất mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu - được thúc đẩy bởi các Chính phủ. Trong xu hướng chuyển dịch xanh, nhiều doanh nghiệp đã cam kết và đưa ra lộ trình cắt giảm phát thải, hướng tới trung hòa carbon. Nhu cầu tín chỉ carbon lớn là điều kiện rất thuận lợi để phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Doanh nghiệp tham gia thị trường tín chỉ carbon còn thách thức

Trong bối cảnh hàng loạt quốc gia, trong đó có Việt Nam, cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải, đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ XXI, đồng thời tích cực đưa ra kế hoạch và triển khai nhiều giải pháp hướng tới mục tiêu đó, tín chỉ carbon ngày càng được quan tâm.

Bởi vì không chỉ là hệ thống đo lường, với các tổ chức, doanh nghiệp, tín chỉ carbon chính là một giải pháp giúp đáp ứng các tiêu chuẩn về lượng phát thải và góp phần thực hiện các cam kết về môi trường. Cũng chính vì thế, thị trường carbon trên thế giới đang khá sôi động với sự tham gia của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 và theo sát các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Trong xu hướng chuyển dịch xanh, số lượng doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm lượng phát thải ở cả phạm vi 1, 2 và 3 sẽ ngày càng tăng. Đây chính là nhóm khách hàng tiềm năng mua tín chỉ carbon và chứng chỉ năng lượng tái tạo (RECs) tại Việt Nam. Bên cạnh đó, sẽ có các đơn vị, tổ chức quốc tế như ngân hàng, quỹ đầu tư, quỹ hợp tác toàn cầu… tham gia như một phần của thị trường.

Tổ chức The Taskforce on Scaling Voluntary Carbon Markets (TSVCM) ước tính nhu cầu về tín dụng carbon có thể tăng gấp hơn 15 lần vào năm 2030 và lên tới 100 lần vào năm 2050. Đến năm 2030, thị trường tín dụng carbon có thể trị giá hơn 50 tỷ USD. Đây chính là cơ hội đối với thị trường tín chỉ carbon Việt Nam cũng như các doanh nghiệp tham gia thị trường.

Hiện trên thế giới có khoảng 300 phương pháp luận với 27 tiêu chuẩn carbon, trong đó nổi tiếng nhất có thể kể đến UNFCCC (Công ước khung Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu), Tiêu chuẩn Chứng nhận Carbon (Verified Carbon Standard - VCS) do tổ chức VERRA phê duyệt, và Gold Standard - Tiêu chuẩn Vàng. Sự đa dạng này là thuận lợi nhưng đồng thời cũng có nhiều thách thức cho doanh nghiệp, đạc biệt doanh nghiệp mới tham gia thị trường. Bởi vì doanh nghiệp phải tìm hiểu chi tiết các tiêu chuẩn, phương pháp luận phù hợp để đăng ký dự án và cách thức triển khai đáp ứng tốt nhất theo phương pháp luận đó. Chẳng hạn như khi đăng ký dự án với UNFCCC, doanh nghiệp cần quan tâm đến 4 tiêu chí ban hành gồm tính thực tế và đo lường được; lâu dài và không bị đảo ngược; tính bổ sung và được thẩm định, thẩm tra độc lập. Đặc biệt là tính bổ sung, với hàm ý tín chỉ carbon là một cơ chế tài chính giúp thúc đẩy giảm phát thải mà nếu thiếu cơ chế tín chỉ carbon thì hoạt động giảm phát thải sẽ không thể diễn ra do rào cản về mặt tài chính.

cac-bon-2.jpg
Phạm vi phát thải của mỗi tổ chức, doanh nghiệp

Chỉ khi đáp ứng tốt tiêu chuẩn theo các phương pháp luận phù hợp thì dự án mới có thể được cấp chứng chỉ thành công và có mức định giá tốt. Việc hiểu rõ cách thức triển khai dự án đồng thời cũng giúp doanh nghiệp chủ động trong việc đăng ký, từ đó tối ưu chi phí trong quá trình đăng ký phát hành chứng chỉ. Như vậy, điều quan trọng và rất cần thiết trong giai đoạn này là nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tín chỉ carbon và thị trường tín chỉ carbon, cách thức đăng ký và triển khai dự án theo các phương pháp luận để có thể phát hành chứng chỉ thành công với mức định giá tốt từ các tiêu chuẩn quốc tế.

Việc có chính sách, định chế tài chính thúc đẩy tín dụng xanh, tài chính xanh cũng rất cần thiết. Tiếp cận được nguồn tài chính xanh sẽ giúp dự án vận hành hiệu quả. Nó sẽ giúp giải quyết thách thức về tài chính đồng thời giúp Việt Nam thu hút thêm nguồn vốn từ quốc tế.

(*) Phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường tín chỉ carbon
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO