Net Zero

“Giá trị thông minh”, không thể thiếu

TS. Nguyễn Thị Hậu 20/02/2024 11:30

Để xây dựng và phát triển thành phố thông minh mang đặc thù TP.HCM, đồng thời tăng cường hội nhập kinh tế thế giới, Thành phố cần phát huy các “giá trị thông minh”.

1. Những năm gần đây, do tiến bộ vượt bậc của khoa học - công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin, kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data), thế giới đã xuất hiện khái niệm “đô thị thông minh” - Smart City. Tuy chưa có sự thống nhất về nội hàm của khái niệm này, nhưng qua những diễn giải và một số thuật ngữ liên quan, có thể hiểu, về cơ bản đô thị thông minh là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn sống của người dân, cải thiện chất lượng phục vụ cộng đồng của chính quyền, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.

thumnail_do-thi-thong-minh-2.jpg

Có thể thấy, cả mục tiêu và nguyên tắc của Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh đều xoay quanh hai yếu tố kinh tế và con người. Trong đó, Thành phố lấy kinh tế tri thức, kinh tế số làm “đòn bẩy”, con người Thành phố vừa là chủ thể tổ chức hoạt động kinh tế vừa là đối tượng phục vụ và hưởng thụ nền kinh tế ấy. Thành phố thông minh được xây dựng là một đô thị hài hòa, ổn định, kinh tế phát triển lành mạnh, an toàn, thân thiện với môi trường và đáng sống.

2. Trải qua 5 năm thực hiện Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, khái niệm “thành phố thông minh” ngày càng đi vào thực tiễn, có tác động tích cực đến sự phát triển của của Thành phố thông qua 4 phương diện: quản lý, phát triển các ngành chiến lược, đổi mới công nghệ, cung cấp phương tiện hiện đại để dân cư cuộc sống tốt hơn. Đặc trưng “thành phố thông minh” là “thông minh + kết nối + cộng tác” trên nền tảng tích hợp ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến.

Từ góc độ văn hóa - xã hội, thành phố thông minh được xây dựng và phát triển dựa trên cơ sở cân bằng giữa các yếu tố: Bảo đảm phát triển đồng đều về kinh tế và văn hóa, bảo đảm cân bằng lợi ích của cá nhân và cộng đồng, bảo đảm lợi ích của con người và bảo vệ môi trường.

Để xây dựng và phát triển thành phố thông minh mang đặc thù TP.HCM, đồng thời tăng cường hội nhập kinh tế thế giới, Thành phố cần phát huy các “giá trị thông minh” từ truyền thống và tính chất đặc trưng của kinh tế và con người Sài Gòn. Đó là:

Phát huy truyền thống đa dạng của văn hóa Sài Gòn, trên cơ sở đó con người Thành phố chọn lọc, tiếp thu những điểm ưu việt và chối từ những điều không phù hợp của của các nền văn hóa khác. Sự đa dạng văn hóa TP.HCM đến từ nguồn gốc cư dân nhiều vùng miền trong nước, đến từ nước ngoài thông qua giao lưu kinh tế - văn hóa, không chỉ làm giàu cho đời sống vật chất, tinh thần mà còn tạo ra sự thân thiện trong những mối quan hệ, trở thành động lực giúp các cộng đồng an cư lạc nghiệp và coi Thành phố là quê hương thứ hai.

thumnail_do-thi-thong-minh.jpg

Do kinh tế thị trường và dịch vụ hình thành sớm nhất trong cả nước, người làm kinh tế của Thành phố luôn năng động, sáng tạo, nhạy bén, hướng đến hiệu quả thực tiễn, đặc biệt giúp Thành phố hội nhập nhanh với thế giới khi biết chấp nhận và tuân thủ những nguyên tắc chung của kinh tế thời đại toàn cầu hóa.

Phát huy sự nhạy bén, tiếp thu nhanh và áp dụng thành công những thành tựu khoa học - công nghệ của thế giới vào thực tiễn, TP.HCM không chỉ sản xuất, kinh doanh tốt mà còn quản lý xã hội, quản lý đô thị, xây dựng thành phố đáng sống, góp phần quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hóa đất nước.

Là thành phố luôn cần có thêm nguồn nhân lực, biện pháp thu hút nhân tài của TP.HCM là tạo môi trường làm việc phù hợp và đãi ngộ tương xứng, chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần của người nhập cư, ứng xử nghĩa tình với tất cả những người đến đây sinh sống và làm việc.

Tất cả bắt đầu từ phương thức quản lý và chế độ chính sách đặc thù của TP.HCM. Do đó, chính quyền đô thị là giải pháp quan trọng nhất. Từ mô hình chính quyền đô thị, bốn nhân tố gồm: chính quyền - người dân - doanh nghiệp - tổ chức xã hội là chủ thể của Thành phố, có nghĩa vụ và vai trò khác nhau nhưng bình đẳng về trách nhiệm và giá trị đóng góp trong tiến trình phát triển.

3. Với hơn 300 năm hình thành và phát triển, Sài Gòn - TP.HCM đã tích lũy được nhiều truyền thống tốt đẹp. Xây dựng thành phố thông minh nhất thiết phải tiếp cận và tiếp nhận những thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại của thế giới, đồng thời cũng cần đúc kết những giá trị thông minh mà ông cha để lại, từ đó chọn lọc và kế thừa, duy trì và vận dụng để xây dựng TP.HCM hiện đại, thông minh và giàu bản sắc văn hóa.

thumnail_do-thi-thong-minh-1.jpg

Không thể phủ nhận vai trò trung tâm kinh tế của đô thị Sài Gòn từ khi hình thành, vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước của TP.HCM là quan trọng và xuyên suốt từ sau 1975 tới nay. Để giữ vững vị thế ấy, chính quyền và người dân Thành phố luôn phải vượt qua nhiều khó khăn, có giai đoạn phải “vượt rào”, “xé rào”, có trường hợp phải chấp nhận “đánh đổi” một phần di sản văn hóa để phát triển kinh tế.

“Lịch sử của TP.HCM tự nó đã giới thiệu quá trình luôn chọn cái mới, luôn đổi mới. Lịch sử của Thành phố đồng thời tự nó đã giới thiệu con người Thành phố là tập thể cách mạng không mệt mỏi, không khoan nhượng trước trì trệ. Tư tưởng giáo điều, gia trưởng phải nhường chỗ cho sự năng động, sáng tạo trên vùng đất có truyền thống cách mạng, dân chủ”(*).

Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã trao cho Thành phố những cơ chế vượt trội trong sắp xếp lại bộ máy hành chính, huy động nguồn lực và phát huy truyền thống sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người dân, doanh nghiệp, từ đó tạo không gian phát triển mới cho Thành phố như mục tiêu và định hướng phát triển. Vì vậy, những bài học, kinh nghiệm được chắt lọc từ lịch sử, từ thực tiễn sẽ góp phần đưa TP.HCM phát triển đồng đều các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội một cách bền vững.

(*) “Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh”, tập 1. NXB Tổng hợp, 1998.

(*) Nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển TP.HCM.

Bài học từ Hàn Quốc

Hàn Quốc có lịch sử phát triển đô thị hơn 70 năm, và có nhiều kinh nghiệm được rút ra từ những dự án đã làm. Theo đó, Hàn Quốc đã đưa ra nhiều chính sách trong quá trình xây dựng thành phố thông minh.
Cụ thể, năm 2008, Hàn Quốc đã thông qua đạo luật U-City, hướng đến dịch vụ sử dụng công nghệ. Đến năm 2017, ban hành đạo luật thành phố thông minh. Năm 2019, Hàn Quốc có một quy hoạch tổng thể lần 3 cho thành phố thông minh.
Về chiến lược phát triển thành phố thông minh, Hàn Quốc tập trung vào 4 yếu tố. Đó là, xây dựng thành phố mới kết hợp với thành phố cũ; xây dựng cơ sở hạ tầng cho thành phố thông minh; xây dựng hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo (áp dụng cơ chế sandbox); thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Chẳng hạn, mô hình thành phố Incheon được xây dựng trở thành đô thị thông minh dựa trên đạo luật U-City. Ngay trong việc xây dựng sân bay ở Incheon cũng được thiết kế theo mô hình mới từ lúc hoang sơ. Ở đô thị thông minh, những vấn đề phải được xử lý hiện đại như: dịch vụ công, giao thông hay vấn đề ngăn chặn tội phạm đường phố, môi trường… rất được quan tâm. Ngoài ra, đô thị thông minh cũng có nghĩa là phải xây dựng được những hệ thống giáo dục thông minh, ngôi nhà thông minh… Những vấn đề này sẽ được cung cấp bởi các công ty tư nhân.

(Byungmoog Lee - Phó Tổng giám đốc
Cơ quan Xúc tiếnCông nghiệp, Công nghệ Thông tin Hàn Quốc (NIPA) -
nguồn: VNEconomy)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Giá trị thông minh”, không thể thiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO