Thành phố không khí thải: Sức mạnh của “chim ruồi”
Khi nói về khát khao một thành phố không khí thải, điều đầu tiên bật lên trong đầu tôi là khái niệm “một thế hệ sống khát khao” - thế hệ những người trẻ lẫn không còn trẻ mỗi ngày nguyện làm “con chim ruồi” mang từng giọt nước lành - như chính chú chim biểu tượng phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.
Sức mạnh của chim ruồi
Humming bird – chim ruồi là loài chim được chọn là biểu tượng phát triển bền vững của Liên hiệp quốc. Câu chuyện truyền cảm hứng này rất giản đơn: Khi một khu rừng bị cháy, thì tất cả loài vật đều bỏ chạy khỏi rừng, chỉ có chú chim bé nhỏ này lặng lẽ ra suối gắp từng giọt nước đi chữa cháy. Ai cũng khuyên chạy đi chạy đi, chim ruồi chỉ gắp được vài giọt nước thì chẳng có tác dụng gì. Chim ruồi khẽ nói: Nhưng nếu ai cũng góp một phần nhỏ bé của mình thì chắc chắc rừng sẽ được cứu…
Và tôi may mắn được nhìn thấy rất rõ những “con chim ruồi” như thế, gần như mỗi ngày. Tôi đã mất rất nhiều thời gian để hiểu ra vì sao chị Yến Nguyễn của Traqué Studio cương quyết chỉ in các bao bì, ấn phẩm cho khách hàng nào chấp nhận giấy có chứng chỉ FSC - chứng chỉ cây rừng khai thác đúng cách. Sau mới biết Yến là nhóm người Việt đầu tiên có chứng nhận “chim ruồi” - Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP). Và Yến cũng mất rất nhiều năm, bỏ qua nhiều cơ hội kinh doanh để lan tỏa được thông điệp này đến với những người liên quan. Mà trong đó, một chàng trai được truyền cảm hứng từ Yến là Minh Tiến của Mật dừa nước VietNipa lại có cơ hội thực hành nhiều hơn: Nếu Tiến có khả năng chứng minh hiệu quả kinh doanh của sản phẩm mật, đường làm từ dừa nước, thì thảm xanh này ở Cần Giờ sẽ được người dân chăm sóc và mở rộng hơn thay vì bỏ bê như trước đây. Mà cứ mỗi ha dừa nước Cần Giờ được bảo vệ, thì lá phổi xanh của thành phố sẽ lớn hơn, thanh lọc được nhiều hơn lượng khí thải nhà kính mà thành phố tạo ra… Tiến mới bắt đầu quan tâm chuyện trung hòa carbon, như một bước tiến tiếp theo của hành trình mang đường ăn kiêng từ cây dừa nước của bạn chinh phục thế giới.
“Phát triển bền vững, trong đó trọng tâm vẫn là phải phát triển, chứ không phải vì chúng tôi cứ nói về giảm phát thải nhà kính, trung hòa carbon này nọ mà trở thành những người “quay về quá khứ”, không tập trung cho phát triển. Chỉ là đã đến lúc mình phải chọn nói không với những thói quen kinh doanh không phù hợp và tối ưu hóa lại chuỗi giá trị sao cho tiết kiệm CO2 nhất. Đây là một khoản đầu tư cho tương lai mà theo tôi là khôn ngoan”, Yến giải thích.
Và thực sự, mô hình kinh doanh “sản phẩm từ tài nguyên bản địa” mà các bạn cùng nhau khởi xướng đang dần trở thành nhóm sản phẩm lấy lại thị trường từ sản phẩm nhập khẩu, vốn tiêu tốn rất nhiều… carbon để chở từ nơi xa lắc nào về tới tay người tiêu dùng. Sản phẩm nấm linh chi của Đất Thép, phân bón tan chậm tiết kiệm khí thải metan của Rynan, mô hình kinh tế tuần hoàn cho cây lúa của Cỏ May, nông nghiệp chính xác để kiểm soát lượng thức ăn và xử lý chất thải của Mimosatek không chỉ tiết kiệm CO2 mà là tiết kiệm nước, tiết kiệm phân bón và công lao động… Tất cả những chú chim ruồi này, dù lúc đầu có chút khó khăn để tạo ra sự thay đổi của cộng đồng về mô hình kinh doanh của mình, nhưng giờ đều trên đà phát triển.
Chọn một cách sống
Tôi đã từng dạy học cho toàn bộ 800 học sinh lớp 10 Trường chuyên Lê Hồng Phong. Nội dung môn học Entrepreneurship - Tinh thần khởi sự doanh nghiệp mà tôi chịu trách nhiệm là một hợp phần của chương trình đào tạo nguyên năm học mang tên “Phổ cập kiến thức và kỹ năng về trí tuệ nhân tạo” theo đề án chung của thành phố. Ở mỗi lớp học, tôi yêu cầu tất cả, xin nhấn mạnh là tất cả, học sinh đều phải làm bài tập nhóm và trình bày một sáng kiến khởi nghiệp liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Và điều bất ngờ là từ cái bài tập này.
Một nhóm đứng dậy và trình bày những hạn chế của thùng rác thông minh mà nhãn hàng Aquafina đang làm với 4 đề xuất cải tiến, trong đó có ứng dụng thị giác máy tính để phân loại chai nhựa, vỏ bao bì thành các nhóm rác khác nhau, như vậy sẽ tiết kiệm thời gian và công sức để tái chế hơn. Một nhóm khác trình bày về một thùng rác tự phân loại các loại rác hữu cơ, vô cơ và tái chế hoàn toàn tự động. Nhóm khác nữa làm hệ thống nắp đậy thùng rác thông minh, để chỉ khi đưa đúng loại rác thì mới chịu mở. Còn lại là giải pháp mở ứng dụng điện thoại ra quét rác thải để nâng cao năng lực phân loại, khi đó sẽ thu thập điểm thưởng lẫn dữ liệu người dùng. Lại còn có giải pháp bản đồ thùng rác khắp thành phố, đơn giản vì “Sài Gòn mình hơi ít thùng rác, đặc biệt là thùng rác có thể phân loại, tụi con toàn bị gọi là một thế hệ mang rác về nhà vì không muốn xả rác, nên việc có thông tin trên bản đồ của thùng rác gần nhất là một nhu cầu có thật…”.
Kết thúc một tuần đào tạo ở Trường chuyên Lê Hồng Phong, tôi cứ nghĩ hoài về các bài tập đầy tâm huyết của các bạn trẻ lớp 10 này. Rõ ràng, ở môn học về trí tuệ nhân tạo không có nói chuyện phát thải nhà kính hay phát triển bền vững gì đâu, nhưng chính cách sống, cách nghĩ của các bạn đã tạo nên những sản phẩm này. Nó cũng giống như chuyện Quân Võ của Công ty Marketing IMP cứ rủ rê bạn bè tham gia chạy bộ gây quỹ trồng cây của mình và nhóm bạn trong Friends of Ireland. Nó cũng giống như Phạm Đăng An ở Vũ Phong Group ngồi tính toán việc sử dụng nhà thầu địa phương thì vừa tạo công ăn việc làm tại chỗ vừa không phát sinh khí thải từ quá trình di chuyển. Hay như chuyện Trung Phạm vốn là dân tài chính mà giờ tính… tín chỉ carbon (carbon credit) siêu nhanh, kể cả việc bán sỉ hệ thống tín chỉ carbon mà trong tương lai sản phẩm xe mô tô điện Datbike của các bạn có thể tạo ra. Như chuyện rất nhiều doanh nhân trẻ tham dự lễ công bố “Ngày trồng cây Việt Nam 3/3” vì tin rằng có cây là có rừng, có bộ lọc cho thành phố và có một tương lai tốt hơn.
“Thành phố không khí thải” có thể được hình thành từ các hiệp định toàn cầu, từ các chính sách, dự án xuyên quốc gia và mang tầm chính phủ, nhưng cũng cần từ chính cách sống và sự phát triển của một thế hệ sống khát khao, khát khao phát triển bền vững.
(*) Đồng sáng lập AI Education