Ảnh: Cliff Owen/AP |
Đầu tháng qua, Thái tử Arab Saudi - Mohammed bin Salman - đã lớn tiếng khẳng định sẵn sàng vượt mặt Nga trên thị trường dầu mỏ.
Cuộc đua khốc liệt
Sau lời đe dọa trừng phạt của Mỹ mới đây, nhiều chuyên gia lo ngại chính vị thế của Arab Saudi sẽ là nguyên nhân đẩy cả Arab Saudi và thị trường dầu mỏ thế giới vào thế khó.
Tháng 8 vừa qua, sản lượng dầu mỏ của Nga đạt 11,21 triệu thùng/ngày, ngay trước khi ký kết thỏa thuận kiểm soát sản lượng dầu với OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và một số nước không phải thành viên). Sản lượng trên giúp Nga trở thành nước sản xuất dầu đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ.
Thái tử bin Salman tuy vậy khẳng định Nga sẽ không còn là người khổng lồ trong giới dầu mỏ lâu nữa, đồng thời dự đoán xuất khẩu dầu của quốc gia này sẽ “sụt giảm nghiêm trọng, nếu không muốn nói là mất hoàn toàn” trong vòng 19 năm nữa.
Vị thái tử này rất kín miệng khi được tờ Bloomberg hỏi liệu có hay không việc Nga và Arab Saudi ngầm thỏa thuận tăng sản lượng khai thác dầu.Người đàn ông của những sự cải cách này nói quốc gia của mình đã sẵn sàng để “đáp ứng mọi nhu cầu và bù đắp cho sự thiếu hụt từ Iran”.
Ông khẳng định Arab Saudi sẽ có nhiều "đất diễn" hơn khi Nga biến mất khỏi cuộc chơi. Thế nhưng, thái tử không đưa ra lập luận hay giải thích nào cho kết luận trên.
Chỉ trong năm 2018, Mỹ đã nỗ lực vươn lên vị trí dẫn đầu các quốc gia sản xuất dầu của thế giới, vượt qua Nga và Arab Saudi.
Thỏa thuận kiểm soát sản lượng của Nga và Arab Saudi (trong vai trò dẫn đầu OPEC) không hề gây trở ngại nào đối với sự trỗi dậy của Mỹ. Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga đã ngừng việc hạn chế sản lượng sản xuất của mình, tuy vẫn không chắc rằng liệu một trong 2 cường quốc dầu mỏ nêu trên có lấy lại vị trí số một hay không.
Trong khi cánh thương nhân đoán già đoán non về sản lượng dầu mà Arab Saudi có thể bổ sung cho phần thiếu hụt của Iran (vướng lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ), một vài diễn biến khác có vẻ đang lấy đi sự tập trung của chính quyền Arab Saudi.
“Quả bom” Khashoggi
Vụ mất tích của Khashoggi - cây bút gạo cội của tờ báo Mỹ Washington Post và là một nhà hoạt động chỉ trích chính quyền Saudi Arabia - chính là diễn biến nóng nhất liên quan tới Arab Saudi.
Ngày càng có nhiều chứng cứ cho mối liên hệ giữa Riyadh và sự biến mất của Khashoggi - người được cho có quan điểm đối lập với thái tử bin Salman. Mỹ ngay lập tức đe dọa trừng phạt Arab Saudi nếu có bằng chứng cho thấy giới chức tại quốc gia Trung Đông này ra lệnh giết Khashoggi. Đáp lại, Arab Saudi đã bác bỏ mọi cáo buộc trên và nhấn mạnh “vị trí trọng yếu trong nền kinh tế toàn cầu” của mình.
Tuy cường quốc dầu mỏ này vẫn đứng khá vững trước áp lực lên thị trường năng lượng từ phía phương Tây, nhiều nhà phân tích vẫn không đoán trước được bước đi kế tiếp của Riyadh sẽ ra sao.
Arab Saudi lâu nay có tiếng là nước xuất khẩu dầu mỏ đáng tin cậy và ổn định. Các chuyên gia cho rằng giới lãnh đạo tại đây sẽ miễn cưỡng dùng lựa chọn lấy dầu mỏ làm vũ khí, khi danh tiếng của họ bị lung lay.
Thực tế vai trò của quốc gia này đang ngày càng quan trọng đối với nguồn cung dầu mỏ của thế giới. Đáp lại yêu cầu của Washington, Riyadh đồng ý tăng sản lượng xuất khẩu trong năm tới.
Dù chưa chắc chắn rằng chính quyền của thái tử bin Salman sẽ làm gì, việc sử dụng phương án cấm vận dầu mỏ để trả đũa không phải là chưa có tiền lệ. Trong những năm 1970, một nhóm liên minh dẫn đầu là Arab Saudi đã ngừng xuất khẩu dầu cho Mỹ, phản đối việc chính quyền nước này ủng hộ Israel trong cuộc chiến Yom Kippur.
Đứng trước quan ngại về tình hình sẽ diễn biến xấu đi, nhiều nhà quan sát cho rằng giá dầu sẽ còn tiếp tục tăng trong thời điểm nhạy cảm này.