Tennis chuyên nghiệp - Giấc mơ đắt giá

THÁI VY| 25/10/2016 04:30

Để đào tạo một vận động viên chuyên nghiệp, tốn tối thiểu 306.400USD, (gần 6,5 tỷ đồng). Nhưng một nửa trong số các tay vợt chuyên nghiệp chẳng giành được danh hiệu nào khi tham gia giải.

Tennis chuyên nghiệp - Giấc mơ đắt giá

Để đào tạo một vận động viên chuyên nghiệp, tốn tối thiểu 306.400USD, (gần 6,5 tỷ đồng). Nhưng một nửa trong số các tay vợt chuyên nghiệp chẳng giành được danh hiệu nào khi tham gia giải.

Đọc E-paper

Những tay vợt trẻ luôn phấn đấu để mong trở thành Roger Federer hoặc Simona Halep - cô gái 25 tuổi đã kiếm được 12 triệu USD và xếp thứ hai trong hệ thống quần vợt nữ thế giới WTA.

Thế nhưng, thành công của Simona Halep không thể không nhắc tới Corneliu Idu, một nhà tài phiệt trong lĩnh vực đóng tàu ở Romania. Người đàn ông đồng hương này là một trong những người giàu nhất ở Costanta, nơi Halep sinh sống, và là chủ của Câu lạc bộ Quần vợt Tennis Club Idu. Như chính Halep thừa nhận với CNN trong giải quần vợt Dongfeng Motor Wuhan Open tại Trung Quốc, cô đã nhờ rất nhiều vào tài chính từ Idu từ tuổi 14 tới nay để trở thành tay vợt chuyên nghiệp.

Trong các giải quần vợt thế giới, các nước tổ chức giải Grand Slam gồm Mỹ, Anh, Pháp, Úc đều có chương trình tài trợ cho các tay vợt thông qua các liên đoàn quần vợt những nước này. Tuy nhiên, điều này không xuất hiện ở nhiều quốc gia khác, đơn cử như Romania của Halep.

Theo Forbes, năm nay, Novak Djokovic trở thành tay vợt nam đầu tiên trên thế giới có số tiền thưởng trong sự nghiệp vượt mốc 100 triệu USD, trong khi Serena Williams trở thành nữ vận động viên có thu nhập cao nhất thế giới, mỗi năm gần 29 triệu USD. Rõ ràng, tennis là môn thể thao đầy lợi nhuận. Thế nhưng, ai cũng hiểu trên thế giới chỉ có vài Djokovic và vài Williams mà thôi.

Theo tính toán của British Lawn Tennis Association, việc phát triển một tay vợt ở độ tuổi từ 5 - 18 tiêu tốn khoảng 306.400 USD (gần 6,5 tỷ đồng). Số tiền này là sự hợp lực từ phụ huynh, nhà tài trợ, nhà đầu tư và liên đoàn quần vợt quốc gia.

Tennis phân chia đẳng cấp rõ ràng và yếu tố kinh nghiệm luôn quan trọng. Điều này đồng nghĩa qua được tuổi 18, các tay vợt chuyên nghiệp sẽ tiếp tục mất thêm vài năm đánh đỉnh cao nữa mới mong giành được những đồng tiền đầu tiên song hành cùng danh hiệu.

Nói đến các tay vợt chuyên nghiệp, hẳn nhiều người hâm mộ bộ môn này luôn nhớ tới Federer, Djokovic, Nadal, Murray và Wawrinka. Họa hoằn lắm, Gael Monfils hay Juan Martin Del Potro còn trong ký ức. Một sự thật là có khoảng 14.000 tay vợt (nam và nữ) đang chơi tennis chuyên nghiệp, và một nửa trong số ấy không hề giành được xu nào từ tiền thưởng danh hiệu - theo một khảo sát của International Tennis Federation (ITF) năm 2013.

Trong bảng xếp hạng thu nhập, tennis và các môn như boxing, golf thường có đại diện đứng cao hơn môn bóng đá. Thế nhưng nếu các đồng nghiệp bóng đá lãnh lương cứng theo tuần, hợp đồng, ví dụ Wayne Rooney giờ đây không cần đá cũng ẵm 300.000 bảng Anh/tuần, thì các vận động viên quần vợt sẽ chẳng có gì cả ngoài hợp đồng tự do, thậm chí còn tự móc tiền trả cho huấn luyện viên, tự trang trải chi phí đi lại, ăn uống, chỗ ở...

ITF ước tính trung bình mỗi năm một vận động viên quần vợt chuyên nghiệp nam phải chi 38.800USD và nữ là 40.180 USD, chưa kể tiền trả cho huấn luyện viên.

Trong bối cảnh ấy, những nhà tài trợ cỡ như Nike hay adidas trở thành cứu tinh, giống như Madison Keys, cô gái vừa lọt vào top 10 năm nay, thừa nhận rằng, mọi thứ đã dễ dàng hơn sau khi ký hợp đồng với Nike, và số tiền ấy đa phần đầu tư vào sự nghiệp.

Hiện nay, có những tay vợt tiếng tăm đóng góp một phần vào nỗ lực ươm mầm cho các tay vợt trẻ. Chẳng hạn Rafael Nadal vừa khai trương Học viện The Rafa Nadal Academy tại Mallorca, Tây Ban Nha.

Học viên sẽ đóng 56.000 euro (62.000USD) mỗi năm, gồm 26.500 euro phí đào tạo, 19.000 euro tiền ăn ở và phí 10.500 euro để vào Trường American International School. Đó vẫn là một mức phí "trên trời" đối với rất nhiều người, nhưng bù lại nó tương đối tốt với môi trường học tập song song với tập luyện, thi đấu quần vợt.

Tennis vẫn đúng nghĩa không phải môn thể thao của con nhà nghèo.

>Kei Nishikori - Giấc mơ dang dở của quần vợt châu Á

>Quần vợt Việt Nam: Bài học về sự đoàn kết

> Davis Cup 2016: Quần vợt Úc và những tiếng thở dài

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tennis chuyên nghiệp - Giấc mơ đắt giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO