Nghề đại diện thể thao tiếp tục hốt bạc

THÁI DUY| 04/10/2018 09:59

Ngành công nghiệp thể thao đang tiếp đà phát triển và sự chuyên nghiệp này ngày càng đem lại nguồn lợi to lớn cho các công ty và cá nhân làm trung gian.

Nghề đại diện thể thao tiếp tục hốt bạc

Ngôi sao bóng chày Stephen Strasburg, một trong những hợp đồng giá trịnhất thể thao Mỹ năm qua. Ảnh: Sporting News

Để tính toán doanh thu của các công ty thể thao, tạp chí Forbes lấy tổng giá trị hợp đồng được ký nhân với phần trăm hoa hồng tối đa mà công ty ấy ký với các đội bóng thuộc nhóm 5 môn thể thao đồng đội phổ biến nhất tại Mỹ: bóng rổ, bóng bầu dục, bóng chày, hockey và bóng đá.

Bùng nổ thời quảng cáo, bản quyền

Các công ty đại diện thể thao trong danh sách xếp hạng của tạp chí Forbes năm 2018, theo cách tính trên, tạo ra 45,7 tỷ USD và từ đó thu về hơn 2,35 tỷ USD tiền hoa hồng, tăng gần 10% so với số liệu năm ngoái. Ngành kinh doanh đại diện thể thao hiện nay được cho đang bùng nổ nhờ vào sự gia tăng chóng mặt của giá trị bản quyền. Dẫn đầu trong 6 năm liên tiếp ở danh sách này là công ty đại diện Creative Artists Agency (CAA - trụ sở ở Los Angeles, Mỹ), với việc đang quản lý giá trị hợp đồng trị giá 9,3 tỷ USD, gấp đôi so với công ty xếp sau là Wasserman (3,7 tỷ USD).

Với 900 triệu USD giá trị hợp đồng vọt lên trong năm ngoái, CAA hiện thu tới 348 triệu USD tiền hoa hồng từ khách hàng, tăng 30 triệu USD so với năm 2017. Các khách hàng cá nhân của CAA cũng rất ấn tượng, với 11 người xếp trong danh sách Các đại diện thể thao quyền lực nhất thế giới của Forbes, tính theo giá trị hợp đồng ký với đội chủ quản. Đáng chú ý là hợp đồng 240 triệu USD của Robinson Cano với đội Seattle Mariners ở môn bóng bầu dục.

Trong khi đó Wasserman thu về hoa hồng 175 triệu USD từ tổng giá trị 3,7 tỷ USD tham gia thương thảo, tăng 1,04 tỷ USD so với năm trước. Hiện Wasserman đại diện cho hơn 750 vận động viên thuộc 5 môn kể trên cũng như golf. Danh sách 41 công ty đại diện theo bình chọn của Forbes đang là những người trung gian hợp đồng, quản lý hình ảnh cho hơn 3.600 khách hàng, tương đương 60% toàn bộ vận động viên chuyên nghiệp tại Mỹ ở bốn giải đấu lớn NFL (bóng bầu dục), MLB (bóng chày), NHL (hockey) và NBA (bóng rổ).

Các "siêu cò” cũng thu đậm

Không chỉ các công ty, giới đại diện cầu thủ cá nhân cũng tiếp tục có một năm thu bộn tiền từ các hợp đồng cho khách hàng. Danh sách Đại diện thể thao quyền lực nhất thế giới của Forbes cũng chứng kiến các tay "cò” thể thao tạo ra 33,4 tỷ USD hợp đồng, từ đó thu về 1,6 tỷ USD tiền hoa hồng. Nhóm này hoạt động độc lập, chủ yếu làm giàu nhờ sự nhanh nhạy và khả năng đàm phán siêu hạng.

Scott Boras là cái tên đứng đầu danh sách này năm thứ 6 liên tiếp. Người đại diện này đã thương thảo thành công các hợp đồng trị giá tổng cộng 1,88 tỷ USD, qua đó thu được tới 105 triệu USD tiền hoa hồng. Trong năm qua, Boras đã phá kỷ lục của bản thân với 8 hợp đồng trị giá hơn 100 triệu USD đang quản lý, bao gồm hợp đồng của những ngôi sao bóng chày như Max Scherzer (210 triệu USD) và Stephen Strasburg (175 triệu) với đội Washington Nationals, chưa kể 161 triệu USD của Chris Davis với Baltimore Orioles.

Mặc dù hợp đồng 250 triệu USD mà Boras phụ trách với khách hàng Alex Rodriguez hiện không còn, tay cò này vẫn có khả năng tạo ra thước đo mới với Bryce Harper. Một số ước tính cho thấy nếu thành công, hợp đồng của Harper sẽ vượt mốc... 400 triệu USD.

Đứng thứ hai trong danh sách "siêu cò” là cái tên quen thuộc hơn với người hâm mộ bóng đá: Jorge Mendes. Với hơn 1 tỷ USD giá trị các hợp đồng tham gia đàm phán, Mendes đã thu 100 triệu USD tiền hoa hồng. Trong mùa hè qua, chính Mendes đã giúp khách hàng thân thiết và cực kỳ nổi tiếng Cristiano Ronaldo chuyển từ Real Madrid đến Juventus với giá khoảng 117 triệu USD. Hiện trong tay Mendes còn rất nhiều hợp đồng có giá trị, đơn cử là tiền vệ James Rodriguez (Bayern Munich), Angel Di Maria (Paris Saint-Germain) và Bernardo Silva (Manchester City). 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghề đại diện thể thao tiếp tục hốt bạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO