Đừng chỉ nhìn vào bóng đá!

PHƯƠNG VY| 24/11/2011 04:43

Nhiều người đã có cảm giác hụt hẫng khi đội U23 Việt Nam bị loại ở vòng bán kết môn bóng đá nam. Nhưng thật ra, bóng đá cũng chỉ là 1 trong số 44 môn thể thao được tranh tài ở SEA Games 26. Và dù thế nào, thể thao Việt Nam cũng đã có một kỳ SEA Games hết sức thành công khi thể hiện sự tiến bộ vượt bậc ở những môn thể thao cơ bản của phong trào Olympic.

Đừng chỉ nhìn vào bóng đá!

Nhiều người đã có cảm giác hụt hẫng khi đội U23 Việt Nam bị loại ở vòng bán kết môn bóng đá nam. Nhưng thật ra, bóng đá cũng chỉ là 1 trong số 44 môn thể thao được tranh tài ở SEA Games 26. Và dù thế nào, thể thao Việt Nam cũng đã có một kỳ SEA Games hết sức thành công khi thể hiện sự tiến bộ vượt bậc ở những môn thể thao cơ bản của phong trào Olympic.

Hoàng Quý Phước là ứng cử viên sáng giá cho danh hiệu Vận động viên xuất sắc nhất của thể thao Việt Nam năm 2011

Thực tế, ngôi sao trong bất cứ đại hội thể thao nào chưa bao giờ là các cầu thủ bóng đá, mà thường là các vận động viên điền kinh hay bơi lội, hai môn thể thao được coi là “vua” và “nữ hoàng” của phong trào Olympic.

Đó không chỉ là những môn thể thao giúp vận động viên có thể sở hữu nhiều bộ huy chương nhất, mà còn thể hiện đúng tinh thần “nhanh hơn, cao hơn, xa hơn”.

Trong khi võ là môn thể thao vốn được coi là thế mạnh của chúng ta thì đôi khi còn phụ thuộc vào cách chấm điểm cảm tính của các trọng tài. Và ở SEA Games lần này, thể thao Việt Nam có đủ cả “vua” lẫn “nữ hoàng”.

Trên đường đua xanh, Hoàng Quý Phước trở thành tay bơi đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam giành được tới 2 huy chương vàng (HCV), trong đó có chiếc HCV cự ly 100m tự do, nội dung danh giá nhất ở môn bơi lội (chiếc HCV còn lại là ở nội dung 100m bướm).

Còn nhớ, kể từ sau khi kình ngư miền Nam Phan Kế Nhơn giành HCV ở SEA Games 1959 thì phải đến SEA Games 2001, tức 46 năm sau, Việt Nam mới có chiếc HCV bơi lội đầu tiên, với chiến thắng của Nguyễn Hữu Việt ở nội dung 100m ếch.

Ngoài Quý Phước, một vận động viên bơi lội Việt Nam khác là Châu Bá Anh Tư cũng đã thống trị các cự ly bơi đường dài khi giành HCV ở hai nội dung 5.000 và 10.000m.

Dĩ nhiên, bơi lội Việt Nam vẫn còn phải cố gắng nhiều hơn nữa mới đuổi kịp những cường quốc bơi lội hàng đầu khu vực, chẳng hạn như Singapore (17 HCV tại SEA Games lần này).

Nhưng chiến thắng của Quý Phước và Anh Tư đã khẳng định, chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh bình đẳng với các đối thủ trong khu vực nếu như được đầu tư đúng hướng. 10 chiếc huy chương từ các hồ bơi (trong đó có 4 HCV) đã nói lên điều đó.

Tương tự, điền kinh cũng thể hiện một bước tiến dài với 9 chiếc HCV, nhiều hơn 2 chiếc so với kỳ SEA Games 25. Điều đáng nói hơn cả là điền kinh Việt Nam đã giới thiệu được một lứa vận động viên trẻ tài năng, lấp kín chỗ trống mà các đàn anh, đàn chị để lại.

Thậm chí, ở nhiều nội dung, “tre” chưa kịp già thì “măng” đã mọc. Chẳng hạn ở cự ly chạy 800m nam, trong khi tất cả đổ dồn về Nguyễn Đình Cương thì người về nhất lại là chàng trai mới 19 tuổi Dương Văn Thái.

Ở nội dung nhảy cao nữ, kể từ sau Bùi Thị Nhung thể thao Việt Nam mới lại có một vận động viên nữa giành được HCV SEA Games, đó là Dương Thị Việt Anh, với mức xà 1m90.

Bên cạnh đó là những chiếc HCV ở các nội dung vốn được xem là “lạ” đối với điền kinh Việt Nam, như của Nguyễn Thị Thanh Phúc ở nội dung đi bộ 20km, của Đào Xuân Cường ở nội dung 400m vượt rào nam, của Trần Huệ Hoa ở nội dung nhảy 3 bước nữ, của Nguyễn Trường Giang ở nội dung ném lao.

Trong khi đó, các vận động viên đã thành danh là Trương Thanh Hằng, Vũ Văn Huyện tiếp tục thống trị ở những nội dung sở trường của mình.

Không chỉ bơi lội và điền kinh, tại SEA Games 26 thể thao Việt Nam còn khẳng định được sức mạnh ở các môn khác nằm trong hệ thống Olympic như: vật tự do (8 HCV), đấu kiếm (5 HCV), bắn súng (7 HCV) và đặc biệt là thể dục dụng cụ khi giành tới 11 trên tổng số 14 bộ huy chương của môn này.

Trong số 11 HCV thể dục dụng cụ có 3 chiếc là của riêng Phan Thị Hà Thanh, và cô gái trẻ người Hải Phòng cũng là vận động viên đầu tiên của Việt Nam giành suất dự Olympic London 2012 sau khi giành huy chương đồng ở giải vô địch thế giới tổ chức hồi tháng 9 vừa qua tại Nhật Bản.

Liệu chừng đó đã đủ để khỏa lấp nỗi buồn sau thất bại ở môn bóng đá? 

Silat không có tội!

Trận chung kết tai tiếng ở môn Pencak Silat (võ sĩ chủ nhà ở bên phải)

Báo chí khu vực những ngày qua thực sự dậy sóng trước sự kiện võ sĩ nước chủ nhà Dian Kristanto được trọng tài thiên vị lộ liễu trong trận chung kết môn Pencak Silat hạng 45 - 50kg. Cho dù đã dùng đòn “cẩu xực” rồi chạy vòng quanh núp sau lưng trọng tài, song Kristanto vẫn được xử thắng trước đối thủ người Thái Lan Anothai Choopeng.

Sau trận đấu gây phẫn nộ đó, chính báo chí Singapore lên tiếng chỉ trích ông trọng tài đồng hương Jasni Salam đã làm “nhục quốc thể”, đồng thời lý giải rằng ông này đã nhận được chỉ đạo từ Liên đoàn Pencak Silat quốc tế là bằng mọi giá phải giúp cho đoàn chủ nhà Indonesia đạt chỉ tiêu giành 9/18 huy chương vàng. Thế nên, sau khi các võ sĩ Việt Nam đoạt 6 chiếc huy chương vàng thì các trọng tài phải cố gắng “đền” cho nước chủ nhà, nhất là Silat vốn có xuất xứ từ Indonesia.

Từ sự cố ở môn Silat, dư luận tiếp tục dè bỉu tính chất “ao làng” của SEA Games, cho rằng việc có quá nhiều môn thể thao mang đậm tính khu biệt đã khiến ngày hội thể thao khu vực không còn là một sân chơi thể hiện đúng tinh thần Olympic. Do đó, cần phải loại những môn thể thao mang nặng “tính dân tộc” khỏi SEA Games, chỉ giữ lại những môn cơ bản. Bởi có làm thế thì thể thao khu vực mới có thể tiến kịp với mặt bằng thế giới. Bằng chứng là ngay cả ASIAN Games (Đại hội Thể thao châu Á) cũng đã bắt đầu đi theo hướng thu gọn lại (từ 2014 sẽ gồm 28 môn thể thao Olympic cố định và thêm tối đa 7 môn đại diện cho các khu vực của châu lục).

Tuy nhiên, như thế cũng sẽ có người đặt câu hỏi: Nếu làm vậy thì liệu đến bao giờ những môn thể thao như Vovinam của chúng ta mới có dịp được thi thố ở những đại hội thể thao quốc tế, bởi thực sự môn võ này cũng đang rất thịnh hành ở nhiều nước châu Âu? Do đó, vấn đề cốt lõi ở đây không phải là bản thân các môn thể thao, mà nằm ở cung cách điều hành đại hội thể thao. Nếu Silat hay Vovinam trở nên phổ biến thì không gì có thể ngăn trở nó xuất hiện ở các đại hội thể thao. Còn nếu muốn “gom vàng” bằng mọi giá thì người ta cũng hoàn toàn có thể làm điều đó ở các môn thể thao Olympic, chẳng hạn như thể dục dụng cụ (cũng là chấm điểm, dễ bị cảm tính chi phối).

Mà cũng không chỉ ở SEA Games, cả ở ASIAN Games hay thậm chí là Olympic cũng diễn ra tình trạng vận động viên nước chủ nhà được thiên vị, nhưng có điều là ít lộ liễu hơn thôi. Vấn đề là nếu tất cả các quốc gia trong khu vực đồng lòng làm trong sạch ngày hội thể thao khu vực thì có thể giảm thiểu được những tiêu cực. Bởi nếu vẫn còn tồn tại tâm lý đợi đến khi SEA Games tổ chức ở nước tôi thì tôi cũng sẽ “gom vàng” như anh đã làm thì cái “ao làng” sẽ vẫn mãi là cái “ao làng” mà thôi.

Phương Chi

Sự hồi sinh của “búp bê”

Tấm hình này không chỉ đẹp về động tác kỹ thuật (bởi nó đã giúp Ngân Thương giành huy chương vàng nội dung cầu thăng bằng), mà còn biểu trưng cho tinh thần vượt khó của vận động viên có biệt danh “búp bê”. Những tưởng sau vụ “tai nạn” dính doping ở Olympic Bắc Kinh năm 2008, sự nghiệp của Ngân Thương sẽ lụi tàn, nhưng tại SEA Games lần này, cô bé người Hà Nội đã hồi sinh ngoạn mục với 2 tấm huy chương vàng, hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn. Một màn chia tay đẹp của Ngân Thương với đấu trường SEA Games trước khi chuyển sang công tác huấn luyện.

Thùy Vy


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đừng chỉ nhìn vào bóng đá!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO