Đạo dức thể thao: Xa xỉ phẩm?

PHƯƠNG VY| 27/11/2009 00:13

Sự kiện Thierry Henry dùng tay chơi bóng, tạo điều kiện đưa đội tuyển Pháp tới vòng chung kết World Cup 2010 cho thấy dường như đạo đức cầu thủ đang ngày càng xuống cấp.

Đạo dức thể thao: Xa xỉ phẩm?

Sự kiện ngôi sao người Pháp Thierry Henry dùng tay chơi bóng, tạo điều kiện cho đồng đội ghi bàn thắng quyết định vào lưới Ireland, đưa đội tuyển Pháp tới vòng chung kết World Cup 2010 sẽ không chỉ làm dấy lên cuộc tranh cãi có nên áp dụng công nghệ cao vào bóng đá (nhằm giúp các trọng tài xác định những tình huống gây tranh cãi) mà còn cho thấy, dường như đạo đức cầu thủ đang ngày càng xuống cấp.

Thiery Henry đã xin lỗi người dân Ireland về hành vi chơi bóng bằng tay đáng lên án của mình

Làn sóng phản đối không chỉ xuất phát từ Ireland, “nạn nhân” trực tiếp từ hành động gian lận của Henry, mà còn từ chính trong lòng nước Pháp. Trong khi tờ L’Equipe gọi đó là “Bàn tay của Chúa” thì tờ Le Monde lại gọi là “Bàn tay của quỷ”. Người Pháp vốn nổi tiếng về sự hào hoa, lịch lãm, luôn tự hào về tinh thần hiệp sĩ như trong những trang sách của Alexandre Dumas. Phong trào Olympic hiện đại, giải vô địch bóng đá thế giới, giải vô địch bóng đá châu Âu đều do người Pháp khởi xướng.

Thế nên, nhiều người Pháp cảm thấy hổ thẹn khi một hậu duệ của những nhà quý tộc đã đi vào lịch sử, như bá tước Pierre de Coubertin (khai sinh Olympic), Jules Rimet (World Cup), Henry Delaunay (EURO), lại có hành động mà báo chí Ireland đặt cho cái tên mỹ miều là “Le Cheat” (sự lừa dối, nhại tiếng Pháp, cũng là nhại theo nhan đề vở kịch kinh điển Le Cid của soạn giả Pháp lừng danh Corneille).

Điều đó giải thích tại sao chính Hiệp hội Các giáo viên thể thao Pháp đã đề nghị Liên đoàn Bóng đá nước này có biện pháp trừng phạt Henry. Với pha gian lận đó, Henry đã đi vào lịch sử với tư cách là cầu thủ Pháp đầu tiên tham dự bốn kỳ World Cup. Nhưng các giáo viên thể thao lại không thể lấy nhân vật lịch sử đó làm gương cho học trò trong các bài giảng, bởi nếu làm thế họ sẽ phạm phải một trong những quy tắc đạo đức cơ bản nhất trong giáo dục.

Hành động của Henry gây ầm ĩ đến vậy bởi nó diễn ra ở một trận đấu quá quan trọng. Chứ thực tế, rất nhiều cầu thủ khác trên thế giới cũng đã có hành động tương tự, ở mọi giải đấu, với cấp độ khác nhau. Thậm chí là diễn ra hằng tuần, như một thứ bệnh dịch lây lan nhanh chóng với tốc độ của cúm A, cho dù ở các giải quốc tế, FIFA luôn kêu gọi chơi đẹp (fair play).

Nhiều người đổ lỗi cho trọng tài người Thụy Điển Martin Hansson khi ông không phát hiện ra trò gian lận của Henry. Đúng là Hansson đã mắc lỗi lớn, nhưng dù sao trọng tài cũng chỉ là con người. Và nếu như các cầu thủ chủ định chơi xấu, thì việc các trọng tài bỏ sót những pha tiểu xảo tinh vi như thế là điều không thể tránh khỏi.

Tại Europa League, Liên đoàn Bóng đá Châu Âu (UEFA) đã phải sử dụng tới năm trọng tài trong một trận đấu (thêm hai người đứng sau gôn), đơn giản là vì các cầu thủ ngày nay có quá nhiều tiểu xảo. Trước khi xảy ra vụ “bàn tay bẩn” của Henry, làng bóng đá thế giới cũng đã bội thực với những trò ăn vạ, với hàng loạt “kịch sĩ” như Eduardo, Ngog...

Nhiều người kêu gọi áp dụng công nghệ cao vào bóng đá nhằm giúp đỡ các trọng tài phát hiện ra trò gian lận, hay xác định những tình huống không rõ ràng (chẳng hạn như bóng đã qua vạch vôi hay chưa). Thế nhưng, bóng đá không giống tennis, bởi nếu vậy trận đấu 90 phút sẽ liên tục bị gián đoạn, thay vì chỉ có 15 phút nghỉ giữa hai hiệp như hiện nay.

Tóm lại, vấn đề đạo đức trong bóng đá có lẽ đã đến mức đáng báo động thật sự. Nhưng làm sao có thể giảm thiểu (chưa tính đến chuyện ngăn chặn) hành vi gian lận, bởi chính cơ quan quyền lực nhất như FIFA cũng tỏ ra xấu chơi khi đặt ra cái gọi là “hạt giống vòng play-off” một năm sau khi vòng loại khu vực châu Âu đã bắt đầu, nhằm bảo vệ các đội bóng lớn?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đạo dức thể thao: Xa xỉ phẩm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO