Quốc tế

Thế giới bước vào thời kỳ bùng nổ xây dựng thành phố

Bảo Quân 14/03/2024 - 14:20

Ở khắp các châu lục, kế hoạch xây dựng và đầu tư cho hàng loạt thành phố mới đang được ráo riết triển khai.

Ở châu Phi, tọa lạc xung quanh Iconic Tower - tòa nhà cao nhất Lục địa Đen, là thủ đô hành chính mới của Ai Cập, nơi được kỳ vọng trở thành chỗ ở cho 6,5 triệu người dân trong tương lai. Có thể nói, nơi này chỉ là một phần nhỏ của "cơn sốt" gấp rút xây dựng thành phố tại khắp nơi trên thế giới.

Cơn sốt tư nhân xây thành phố mới

Chưa khi nào các doanh nghiệp và chính phủ lại lên kế hoạch phát triển nhiều thành phố như hiện nay, với nhiều trong số đó đã và đang được xây dựng.

2.jpg
Thủ đô hành chính mới của Ai Cập nằm xung quanh Iconic Tower - tòa nhà cao nhất châu Phi

Ngoài thủ đô hành chính mới, Ai Cập đang xây 5 thành phố khác và có kế hoạch xây thêm hàng chục thành phố nữa. Trong khi đó, Ấn Độ đang xem xét 8 đô thị kết nối, còn Iraq vừa động thổ khu đô thị đầu tiên trong kế hoạch xây 5 thành phố mới bên ngoài Baghdad.

Không chỉ các nền kinh tế mới nổi, giới đầu tư ở Mỹ nhiều năm qua cũng âm thầm mua đất để chuẩn bị cho thành phố mới. Ví dụ có thể kể đến là các khu đất thuộc bang Arizona và Nevada được tỷ phú Bill Gates và Marc Lore mua lại. Ngay cả cựu Tổng thống Donald Trump cũng đã đề xuất xây dựng 10 "thành phố tự do" trong nỗ lực tái cử.

Theo nhà kinh tế học Edward Glaeser của Đại học Harvard, sự tập trung của dòng tiền và chất xám thông qua các thành phố sẽ làm cho xã hội trở nên giàu có, thông minh và thân thiện với môi trường hơn. Khi doanh nghiệp chuyển đến gần khách hàng hơn và cơ hội việc làm cho cư dân tăng lên, một thành phố phát triển sẽ kéo theo tăng trưởng kinh tế. Các nhà kinh tế cho rằng việc tăng gấp đôi dân số của thành phố sẽ giúp tăng năng suất từ ​​2-5%.

Trong bối cảnh cần thiết sự ra đời nhanh chóng của các thành phố mới và rào cản tăng trưởng tại các đô thị hiện hữu ngày một lớn, việc xây mới từ đầu đôi khi lại là một quyết định sáng suốt.

1.png
Các thành phố mới và được quy hoạch để xây dựng giai đoạn 1945-2021 trên thế giới, với chính sách quản lý đặc biệt và dân số trên 100.000

Trên thực tế, ở phần lớn nước nghèo, tranh chấp đất đai, các khu ổ chuột và cơ sở hạ tầng nghèo nàn là yếu tố "bóp nghẹt" phát triển kinh tế. Vấn đề này sẽ trở nên tồi tệ hơn khi dân số thành thị tăng thêm 2,5 tỷ vào năm 2050 tại chính các thành phố vốn đã chịu áp lực cực độ, theo dự báo từ Liên Hiệp Quốc. Do đó, các thành phố mới được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt áp lực.

Ở Nairobi, Kenya - nơi hầu hết người dân đều phải mất hơn 1 tiếng di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng để đến nơi làm việc, Stephen Jennings - cựu Chủ tịch một quỹ đầu tư tư nhân, đang xây dựng một thành phố mới với tên gọi Tatu. Hoạt động thi công đang tiến triển tốt và khoảng 5.000 cư dân đã đến sống và làm việc ở đây. Bên cạnh đó, Jennings cũng đang xây dựng 7 thành phố khác ở 5 nước trong khu vực.

Khác với Nairobi, nhu cầu xây dựng tại San Francisco lại đến từ "tình trạng thiếu nhà ở nghiêm trọng" ở bờ Tây nước Mỹ. Jan Sramek - người đứng đầu một nhóm nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon cho biết họ đang nỗ lực thúc đẩy kế hoạch mang tên California Forever để có thể xây dựng một thành phố mới bên ngoài San Francisco.

Nhóm này, gồm Laurene Powell Jobs - vợ của cố tỷ phú Steve Jobs, Reid Hoffman - nhà đồng sáng lập LinkedIn và Michael Moritz - một nhà đầu tư mạo hiểm, dự kiến giới thiệu kế hoạch về "nhà ở, việc làm và năng lượng sạch" ra công chúng để kêu gọi phiếu ủng hộ vào tháng 11 tới. Nếu được chấp thuận, thành phố mới sẽ có đến 400.000 cư dân trên 60.000 mẫu đất hiện là đất nông nghiệp. Theo Sramek, xây dựng thành phố mới từ đầu là một phần thiết yếu nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, khi chi phí để cải tạo cơ sở hạ tầng hiện có là quá cao.

Theo The Economist, California Forever nằm trong số đô thị được quy hoạch nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống ở thành thị. Trong đó, các khu dân cư sẽ có mật độ cao và người dân có thể đến trường học, nơi làm việc hay cửa hàng mà không cần ô tô. Đồng nghĩa, với California Forever, trọng tâm thu hút sẽ nằm ở khả năng đi bộ - yếu tố đôi khi còn được gọi là "thành phố 15 phút", tức có thể đi tới các điểm quan trọng chỉ trong 15 phút đi bộ.

Trong khi đó, một số thành phố khác như Dholera ở Ấn Độ hay Belmont của Bill Gates ở Arizona, lại đánh vào sự thông minh - nơi sử dụng cảm biến để hướng dẫn cư dân tránh khỏi kẹt xe hoặc cho họ biết thời điểm tắm nào trong ngày là thân thiện với môi trường nhất.

Một số kế hoạch khác lại mang tính chất thử nghiệm xã hội. Ví dụ, thành phố Telosa của tỷ phú Marc Lore sẽ loại bỏ quyền sở hữu tư nhân về đất đai mà thay vào đó đất sẽ được quản lý thông qua một quỹ tín thác chung và số tiền thu được từ việc cho thuê đất sẽ dùng chi cho dịch vụ công.

Còn tại Địa Trung Hải, thành phố Praxis - nơi đã huy động được 19 triệu USD, lại thu hút các cư dân tiềm năng bằng triển vọng "tạo ra một tương lai quan trọng hơn cho nhân loại".

Tại Honduras, một doanh nghiệp tư nhân đang xây dựng Próspera - một đặc khu kinh tế tự do và chấp nhận cả tiền điện tử, với sứ mệnh "tối đa hóa sự thịnh vượng của con người". Praxis và Próspera được tài trợ một phần bởi Pronomos - một quỹ đầu tư mạo hiểm thành lập năm 2019 để đầu tư cho các thành phố mới, với sự ủng hộ từ hai tỷ phú là Marc Andreessen và Peter Thiel.

3.jpg
California Forever nằm trong số đô thị được quy hoạch nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống ở thành thị và sẽ là "thành phố 15 phút".

Chính phủ cũng không đứng ngoài cuộc

Không chỉ khối tư nhân, cả chính phủ các nước cũng muốn tham gia xây dựng thành phố mới. Cần biết rằng nguồn vốn dồi dào và lãi suất thấp những năm 2010 đã tạo tiền đề cho các chính trị gia thoải mái đi vay. Dù lãi suất hiện đã cao hơn, tâm lý sao chép và chạy theo nhau giữa các nước vẫn khiến cơn sốt này duy trì nhiệt độ.

Hơn nữa, các nhà lãnh đạo quan tâm đến việc sử dụng nguồn tài chính nhà nước để định hình lại nền kinh tế trong nước cũng tin rằng các thành phố mới sẽ giúp ích cho điều này. Ví dụ, Thái tử của Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman tin rằng một số thành phố mới sẽ thu hút các ngành công nghiệp mà nước ông còn thiếu, như dịch vụ tài chính, sản xuất và du lịch.

Còn với thủ đô hành chính mới của Ai Cập, chính phủ mong nó sẽ làm giảm tắc nghẽn ở Cairo lẫn bộ máy quan liêu của nhà nước. Hơn nữa, thủ đô hành chính mới còn hứa hẹn mang đến nhiều việc làm cũng như cơ hội tái cử. Điều này cũng tương tự với thủ đô mới Nusantara ở Indonesia và chính quyền của ông Joko Widodo.

Số khác, như El Salvador lại có tham vọng khác biệt hơn, khi đang lên kế hoạch bán trái phiếu thanh toán bằng bitcoin để tài trợ cho một thành phố tiền điện tử. Tại Bhutan, vương quốc này cho biết hồi cuối năm ngoái rằng họ sẽ xây một thành phố chánh niệm, với các khu dân cư được thiết kế theo hình mandala.

Ở giai đoạn đầu, nhiều trong số các kế hoạch nói trên nhiều khả năng sẽ bị chế nhạo, và lịch sử cũng cho thấy nhiều người sẽ thất bại, nhưng số lượng cùng sự đa dạng của các khu đô thị đang được xây dựng cho thấy một số sẽ thành công.

Cần biết rằng, một số cơ sở hạ tầng, như điện, internet và đường sá, phải được hoàn thiện trước khi cư dân đến, đồng nghĩa chi phí trả trước có thể vô cùng lớn. Hiện, công ty của Sramek đã bỏ 1 tỷ USD mua đất cho California Forever và sẽ cần thêm 1-2 tỷ USD nữa cho giai đoạn xây dựng đầu tiên. Tỷ phú Lore cũng kỳ vọng sẽ huy động được 25 tỷ USD vốn đầu tư ban đầu cho thành phố trên sa mạc của mình. Trong khi đó, Thái tử Muhammed sẽ dựa vào nguồn dầu mỏ dồi dào của đất nước để chi trả cho thành phố mới NEOM với chi phí ban đầu 319 tỷ USD.

4.jpg
Thành phố NEOM của Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman sẽ được tạo thành từ một tòa nhà dài 170 km trên sa mạc

Tuy nhiên, nhiệt huyết và tiền bạc có thể cạn kiệt bởi các rủi ro kinh tế, qua đó đẩy các kế hoạch xây thành phố đầy tham vọng vào tình trạng "bỏ không được mà chi phí để tiếp tục lại quá cao". Thực tế, kế hoạch xây dựng thủ đô mới trị giá 60 tỷ USD của Ai Cập đã bị buộc phải chậm lại khi nền kinh tế nước này suy thoái. Còn ở Malaysia, nhà phát triển Trung Quốc đằng sau Forest City lại lâm vào cảnh vỡ nợ năm 2023 trước khi người dân đầu tiên kịp chuyển đến.

Trong lịch sử, các kế hoạch xây thành phố mới thành công đều có bóng dáng dẫn dắt của chính phủ, mà điển hình là Brasília (ở Brazil) và Chandigarh (ở Ấn Độ). Dù cả hai đều có vấn đề nhưng tự bản thân các con số liên quan đến hai thành phố này đã phần nào thể hiện thành công của chúng. Dân số Brasília đang tăng trưởng ở mức 1,2% mỗi năm, hơn gấp đôi mức trung bình toàn quốc, trong khi Chandigarh - thủ phủ của bang, hiện là khu vực giàu thứ tư của Ấn Độ tính theo đầu người.

Đương nhiên, tầm nhìn phát triển tại các thành phố không dựa vào tiền thuế là ít chắc chắn hơn. Song, triển vọng của California Forever và Tatu là khá tốt. Theo Jennings, điều quan trọng là phải tập trung xử lý triệt để các yếu tố gây phiền hà cho cư dân như đường sá và hệ thống thoát nước, qua đó tạo ra một thành phố xanh và có thể đi bộ được. Thêm vào đó, cả California Forever lẫn Tatu còn sở hữu một lợi thế khác: ở gần nền kinh tế lân cận.

"Chúng tôi chỉ cách các thành phố ở cả hai bên có 5 dặm. Và, sức mạnh của nhu cầu sẽ tạo ra sự khác biệt lớn về tốc độ phát triển", Sramek nói. Hai ví dụ thực tế cho điều này là thành phố Milton Keynes ở Anh thành lập vào những năm 1960, chỉ cách London chưa đầy một giờ đi tàu và đang phát triển mạnh. Reston - thành phố được quy hoạch ở ngoại ô Washington, D.C. là một thành công khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thế giới bước vào thời kỳ bùng nổ xây dựng thành phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO