TGĐ Tôn Đông Á: Không làm hạt cát, không có sa mạc

LỮ Ý NHI thực hiện| 26/05/2016 06:56

18 năm lặng lẽ kiên trì, Tôn Đông Á đã có tốc độ phát triển đáng nể. Năm 2015, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Trung vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

TGĐ Tôn Đông Á: Không làm hạt cát, không có sa mạc

 Thế nhưng, 18 năm lặng lẽ kiên trì, Tôn Đông Á đã có tốc độ phát triển đáng nể. Năm 2015, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Trung vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba.  

Đọc E-paper

Chập chững bước vào lĩnh vực sản xuất tôn thép với xuất phát điểm không mấy thuận lợi: vốn mỏng, nhân lực non trẻ, công nghệ lạc hậu, bản thân giám đốc cũng là người tay ngang, chưa nhiều kinh nghiệm và chưa có tầm nhìn xa, Tôn Đông Á trở thành tâm điểm xì xào của nhiều người, có đồng nghiệp còn quả quyết "giỏi lắm chỉ tồn tại dăm năm".

* Ông từng chia sẻ "chuyện sống còn của một nhà sản xuất là nắm bắt sự thay đổi của thị trường, chứ không chỉ cắm cúi làm ra sản phẩm". Phải chăng đây chính là bí quyết thành công của Tôn Đông Á?

- Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TP.HCM năm 1982, tôi vào làm việc trong công ty nhà nước, sau đó bắt đầu kinh doanh riêng và làm đại lý phân phối tôn cho Hãng Posvina. Bén duyên với chuyện kinh doanh, tôi nhận ra mình có thể làm nhiều hơn công việc của một đại lý nên năm 1998, thành lập Công ty Tôn Đông Á.

Lúc đầu mở công ty, tôi chỉ có suy nghĩ đơn giản: Đất nước còn nghèo và còn thiếu nhiều sản phẩm thiết yếu, làm thế nào tạo ra sản phẩm thiết thực cho mọi người là tốt rồi. Năm 1999, mặc dù sản phẩm tôn đầu tiên ra thị trường còn rất đơn giản, dây chuyền sản xuất còn cách biệt với công nghệ của thế giới đến vài thập niên, nhưng do nhu cầu thị trường không quá cao nên sản phẩm của Đông Á tiêu thụ tốt và Công ty tiếp tục tồn tại, phát triển.

Tuy nhiên, có dịp tiếp xúc với các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước và tìm hiểu nguyên vật liệu nước ngoài mới thấy sản phẩm của mình còn thấp về công nghệ, giá trị và còn nhiều khoảng cách khác biệt với các sản phẩm của nước ngoài. Đơn cử, cùng một tấm tôn nhưng khi sử dụng ở mỗi lĩnh vực, vùng miền, thời tiết khác nhau sẽ có những tính năng khác.

Bên cạnh đó, tôn thép còn được ứng dụng rất rộng trong nhiều lĩnh vực, nhất là các sản phẩm gia dụng. Nếu cứ tiếp tục với công nghệ lạc hậu, đơn sơ, cắm cúi làm ra các sản phẩm đơn giản chỉ để đáp ứng cho một phân khúc dễ tính mà không nắm bắt sự thay đổi của thị trường thì trước mắt có thể đạt lợi nhuận ổn định nhưng đường dài thì không ổn.

Từ nhận thức đó, tôi trăn trở: Làm thế nào để tồn tại? Và lời giải cho câu hỏi này là chọn hướng sản xuất sản phẩm chất lượng cao và "nuôi" ước mơ làm ra sản phẩm 100% Việt Nam nhưng chất lượng phải tương đồng với sản phẩm xuất xứ từ các nước khu vực Đông Nam Á, Úc, châu Âu, châu Mỹ... Đây cũng là lý do tôi chọn đặt tên cho sản phẩm của mình là Tôn Đông Á.

* Tâm lý người Việt Nam vẫn tin tưởng sản phẩm nước ngoài, sao ông lại chọn con đường... làm khó mình?

- Trước khi đặt thương hiệu cho sản phẩm, tôi tìm hiểu thị trường và biết người tiêu dùng vẫn thích mua sản phẩm có gắn thương hiệu với nước ngoài như Việt Úc, Việt Nhật, Việt Hàn, Việt Mỹ... Tôi nghĩ người Việt mình vẫn mơ ước trở thành rồng châu Á nhưng lại không có nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam và không tự hào với sản phẩm mình làm ra.

Nếu cứ bị tác động bởi tâm lý chuộng ngoại thì bao giờ Việt Nam mới có sản phẩm ngang tầm thế giới? Nhớ lại những lần đi tham quan các nhà máy ở nước ngoài, thấy nhà máy của họ lớn quá, quy mô hiện đại quá, trong khi nhà máy của mình chỉ bằng một góc nhỏ của họ, lúc đó tôi cũng lo: Không biết mình có đủ sức để làm được như họ.

Khi bắt tay vào thực hiện, thấy xung quanh bạn bè đầu tư vào bất động sản, dịch vụ, chứng khoán... kiếm tiền "khỏe re", nhanh có lợi nhuận mà không quá cực, trong khi mình vất vả quá, phải vun vén, chắt chiu từng đồng lời, rồi đối mặt với đủ thứ khó khăn, có lúc nghĩ: Mình chỉ là hạt cát, làm sao "kham" nổi giấc mơ lớn? Vì vậy, đôi lúc cũng bị lung lay, dao động.

Nhưng sau đó lại nghĩ tích cực: Nếu mình không làm hạt cát trong sa mạc thì sẽ không có sa mạc. Cứ làm tốt, xây dựng DN chuẩn mực thì điều tốt sẽ lan tỏa, sẽ có nhiều hạt cát để cùng nhau biến ước mơ trở thành rồng châu Á thành hiện thực. Và khi thương hiệu của mình đã có chỗ đứng và tạo được uy tín thì cực kỳ lợi thế. Hiện nay, khi đưa sản phẩm Tôn Đông Á ra nước ngoài, tôi luôn tự hào công bố: Đây là sản phẩm 100% xuất xứ từ Việt Nam, do người Việt Nam sản xuất.

* Nhưng giữa ý tưởng và thực tế là khoảng cách không dễ lấp đầy?

- Đúng vậy. Để chọn con đường mới, đồng nghĩa với phải có tầm nhìn xa, chấp nhận đầu tư dài hơi trong 10, 20 năm và chặng đường đó sẽ có không ít rủi ro, vất vả, mất nhiều thời gian, công sức và xây dựng bộ máy rất tốn kém.

Đơn cử, để xây dựng một dây chuyền tầm trung thì chỉ mất vài trăm triệu đồng, nhưng dây chuyền chất lượng cao chi phí đầu tư sẽ gấp ba, bốn lần, thời gian chuẩn bị cũng dài hơn, ít nhất 10 năm và phải đối mặt với nhiều khó khăn về con người, tổ chức, tài chính, nhất là thị trường...

Bởi, một sản phẩm dù tốt đến mấy nhưng không thể mới ra thị trường là được khách hàng công nhận và mua ngay như sản phẩm phổ thông, giá thấp. Chưa kể, trong hình tháp của thị trường, phân khúc sản phẩm cao chỉ nằm trên đỉnh nhỏ, muốn chen chân vào đỉnh tháp này thì phải chấp nhận cạnh tranh với nhiều thương hiệu lớn đã thống lĩnh thị trường và phải biết tận dụng lợi thế của người đến sau.

* Cụ thể, lợi thế của người đến sau là gì, thưa ông?

- Những DN đi trước, dù có lợi thế về bề dày thương hiệu và thị trường nhưng lại đang sử dụng công nghệ cũ. Muốn thay đổi, họ cần có thời gian, trong khi đó mình là người đi sau, được áp dụng ngay những công nghệ mới nhất, hiện đại nhất nên chi phí sản xuất thấp hơn, chất lượng cao hơn.

Ví dụ, để làm ra sản phẩm đạt chất lượng loại 1, người đi trước chỉ làm được 95%, còn mình đi sau, công nghệ cải tiến hơn nên sản phẩm đạt chất lượng tới 98%. Bên cạnh đó, mình lại có lợi thế nhân công rẻ hơn các nước nên giá thành cạnh tranh hơn. Một lợi thế nữa là do mình đi sau nên luôn có động lực phấn đấu để vượt qua người dẫn đầu, trong khi người dẫn đầu thường dễ chủ quan, ngủ quên trên chiến thắng.

* Nếu chỉ có lợi thế về giá nhân công và công nghệ, xem ra không khó để nhiều DN khác cũng có lợi thế này và như vậy, thành công của Đông Á chỉ là may mắn?

- Ngoài những "công thức" chung, mỗi DN muốn thành công đều phải có cách đi riêng và chiến lược riêng. Thành công của Tôn Đông Á là tầm nhìn về quản trị. Cụ thể, tôi đã kiên trì ứng dụng các công cụ quản trị hiện đại như ERP và nó đã giúp cho nội tại DN tốt hơn, mang lại thành công bền vững. Sở dĩ tôi dùng chữ "kiên trì” vì áp dụng ERP cực kỳ khó, đặc biệt ứng dụng trong chuỗi sản xuất dài và phức tạp như ngành thép lá mạ.

Trước khi áp dụng hệ thống ERP, tôi nghe nhiều người khẳng định, DN Việt Nam không thể làm được ERP. Bởi chưa kể chi phí đầu tư, chỉ tính thời gian thực hiện, tổ chức hệ thống và xây dựng bộ máy vận hành cũng đã vướng rất nhiều trở ngại, khiến nhiều DN phải bỏ cuộc. Đơn cử, để xây dựng hệ thống, chúng tôi đã phải chuẩn bị từ năm 2008 đến năm 2011 mới ký hợp đồng và năm 2013 mới bắt đầu vận hành.

Lúc mới làm ERP, hệ thống chưa trôi chảy, nhiều bộ phận phải làm đến 12 giờ đêm, không ít khách hàng khó chịu, phàn nàn, họ nói: "Nghe nói Công ty phải đầu tư cả triệu đô la vào ERP, sao không để tiền đó chia trên sản phẩm, khuyến mãi cho chúng tôi bán hàng còn hiệu quả hơn nhiều. Trước đây, khi chưa làm ERP, xe chúng tôi vào kho chưa đầy nửa tiếng là lấy được hàng, còn bây giờ phải chờ từ sáng đến tối. Cứ tiếp tục kiểu này, tụi tui bỏ Công ty luôn".

Nói vậy để thấy thành công của Tôn Đông Á không hề do may mắn mà phải trải qua từng bước đi kiên trì và bền bỉ. Trong đó, áp lực nhất là xây dựng hệ thống, con người.

Từ thành công của mình, tôi đúc kết: Muốn có sản phẩm được thế giới công nhận thì mình phải xây dựng công tác quản trị công ty hoạt động có chuẩn mực. Hơn nữa, tất cả công ty sản xuất lớn, tiên tiến trên thế giới đều áp dụng ERP để điều hành và quản trị DN, từ đó mới tạo được hiệu quả kinh doanh và phòng chống rủi ro trong hoạt động.

* Nhiều DN cho rằng, ngành tôn thép là một trong những ngành có sức cạnh tranh rất khốc liệt, bởi thép nhập khẩu từ một số nước vào Việt Nam đã được giảm thuế, bên cạnh đó là các hiệp định thương mại song phương, đa phương. Ngoài ra, việc hàng loạt dây chuyền sản xuất thép trong nước ra đời cũng góp phần tăng cung, tạo áp lực cạnh tranh, ông có thấy lo cho hướng đi của Tôn Đông Á sắp tới?

- Cạnh tranh là quy luật và cạnh tranh khiến DN phải lo lắng hơn, mất ngủ hơn. Song, lo lắng để mình tích cực hơn, nỗ lực và làm tốt hơn chứ không bi quan. Trên đường đua, nếu không có đối thủ thì sẽ không biết sức mình đến đâu. Vì vậy, quan trọng nhất là đừng để mình hụt hơi. Gần đây, DN thường nói đến hội nhập với nhiều quan tâm, trăn trở.

Riêng tôi, quan tâm nhất vẫn là môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Tôi còn nhớ câu nói của Bác Hồ: "Chúng ta không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng". Khi các DN, kể cả DN trong nước và FDI, được cạnh tranh công bằng thì nội lực ai mạnh, người nào làm tốt sẽ được thị trường tin dùng. Đó cũng chính là động lực để DN trong nước chọn hướng đi đúng và mạnh dạn đầu tư.

Hiện nay, cánh cửa hội nhập cũng đang mở ra nhiều cơ hội tốt cho DN. Tuy nhiên, hội nhập sẽ luôn đi đôi với cạnh tranh khốc liệt, nhiều DN cũng mong muốn được Nhà nước bảo hộ bằng các hàng rào kỹ thuật. Song, theo tôi, DN phải có ý thức tự bảo vệ mình trước, phải hiểu luật và sử dụng công cụ cho phép để bảo vệ mình.

Muốn vậy, sản phẩm phải tốt, dịch vụ phải hoàn thiện và phải có chiến lược đầu tư dài hơi. Ví dụ, năm 2017, sau khi nhà máy thứ hai của Tôn Đông Á hoàn thành, chúng tôi sẽ tiếp tục xây nhà máy thứ ba để chuẩn bị cho tầm nhìn hoạt động trong 20, 30 năm sau. Bên cạnh đó là chiến lược phát triển chất lượng song hành với mở rộng quy mô sản phẩm.

* Hiện nay,vấn đề xã hội đang quan tâm là môi trường, trong khi ngành thép là ngành gây tác hại không nhỏ đến môi trường. Theo ông, một DN làm ra sản phẩm chất lượng có được xem là DN chuẩn mực chưa?

- Một sản phẩm chất lượng không chỉ tốt về chất mà còn phải có ích. Có ích ở đây phải được hiểu là vừa mang lại công năng cho người dùng, vừa mang lại lợi ích cho cộng đồng. Vì vậy, một sản phẩm chất lượng nhưng tác hại của nó gây ra cho môi trường lớn hơn công dụng nó mang lại thì chưa phải là sản phẩm có ích, DN chuẩn mực và càng không thể xem là DN phát triển bền vững.

* Nhiều người nhận xét, thương hiệu Tôn Đông Á phát triển khá lặng lẽ và bước đi cũng khá chậm, ông có "tự ái" không?

- Đó là quan điểm chiến lược của Tôn Đông Á. Như đã nói, chọn con đường làm ra sản phẩm chất lượng cao đồng nghĩa với bước đi phải bền bỉ, từ từ từng bước một, nhất là phải có thời gian để thị trường thẩm thấu, cảm nhận sản phẩm.

Và trên chặng đường đó, việc xây dựng chuẩn mực cho DN là khó nhất, lâu nhất, bởi nó phải là hiệu ứng từ chính thay đổi nhận thức của từng thành viên trong công ty. Khi nhân viên đã có nhận thức và DN xây dựng được văn hóa riêng thì những bước đi về sau sẽ bền vững và đó chính là lợi thế, dù bước đi ban đầu có chậm hơn DN khác.

* Trong rất nhiều cái khó của ngành tôn thép, nếu được Nhà nước ưu tiên giải quyết, ông sẽ đề đạt gì?

- Trong ngành sản xuất tôn thép thì lĩnh vực thép lá mạ còn rất rộng để ứng dụng và nhu cầu cung ứng cũng rất cao, nhưng DN sản xuất thép lá mạ còn rất nhỏ so với thế giới, nhất là Trung Quốc và sản phẩm cũng chưa đủ cung ứng cho ngành xây dựng chứ chưa nói đến các ngành khác, đặc biệt là tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho LG và Samsung - hai tập đoàn có nhu cầu nguồn cung ứng nguyên liệu cao nhất để sản xuất các thiết bị gia dụng.

Vì vậy, chúng tôi rất cần chính sách hỗ trợ, quan tâm phát triển của Nhà nước. Hiện nay, cái khó nhất của các DN sản xuất thép lá mạ là mặt bằng sản xuất, nếu muốn phát triển nhà xưởng thì phải vào khu công nghiệp, chọn vị trí gần cảng nhưng giá thuê đất lại quá cao, cơ sở hạ tầng cũng chưa hoàn chỉnh nên chi phí vận chuyển phải tính vào giá thành khiến năng lực cạnh tranh mất ưu thế.

* Gắn nhiều hoạt động với các trường đại học, ông suy nghĩ thế nào về lớp tri thức trẻ hiện nay và tinh thần khởi nghiệp của họ?

- Trong nhiều vấn đề của xã hội, tôi đặc biệt quan tâm đến giáo dục, bởi không có nền giáo dục tốt, xã hội sẽ không có nền tảng tốt để phát triển. Trong giáo dục, ngoài đào tạo tri thức thì giáo dục nhận thức cho giới trẻ là yếu tố vô cùng quan trọng. Có nhận thức đúng thì mới có hành động đúng.

Theo tôi, giới trẻ bây giờ được mở mang tầm nhìn và có cơ hội tiếp cận nhiều kiến thức quốc tế, hiện đại nhưng nhận thức chưa chuẩn, sự tự hào về đất nước cũng như ý thức tự tôn dân tộc chưa cao. Hiện nay, tinh thần khởi nghiệp đang trở thành trào lưu phát triển, rất đáng khuyến khích nhưng tinh thần đó vẫn mang tính thực dụng, kiếm tiền cho bản thân chứ chưa có tinh thần khởi nghiệp vì thương hiệu quốc gia.

* Cảm ơn ông về buổi trò chuyện chân tình!

>Khởi nghiệp và duy trì - Câu hỏi cho mọi doanh nhân

>Ông Ngô Văn Vị - Tổng giám đốc VTB: Cứ đi, sẽ có đường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TGĐ Tôn Đông Á: Không làm hạt cát, không có sa mạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO