Ông Trần Tuấn Long - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thiết Thạch Group |
Nhắc lại câu chuyện thất bại đầu tiên, Long rút ra: Khởi nghiệp là con đường để mình bắt đầu chứ không phải kết thúc. Vậy nên, lỡ có thất bại, đừng bỏ cuộc mà hãy nhìn lại xem mình sai ở đâu, ngã chỗ nào để đứng lên ở đó. Năm 2004, khi bắt đầu cùng hai người bạn thành lập Thiết Thạch, mỗi thành viên chỉ có 15 triệu đồng góp vốn, một văn phòng nhỏ cũng là xưởng thiết kế và 6 nhân viên. Những tưởng mô hình nhỏ, quy mô nhỏ nhưng có nhiều "cái đầu" sáng tạo, được học hành bài bản, chăm chỉ lấy công làm lời sẽ nuôi được ý tưởng lớn và dần dần lớn lên.
Thế nhưng, chỉ 6 tháng sau công ty đóng cửa và kết quả là tôi phải bán cả điện thoại di động để trả tiền lương cho nhân viên và các chi phí sinh hoạt khác. Lý do là cả ba chúng tôi chỉ có mỗi kiến thức chuyên môn, không biết quản trị kinh doanh, không học marketing, không biết cách bán hàng nên khi đi tiếp thị dịch vụ, chúng tôi đến từng căn hộ, nhét tờ rơi vào khe cửa, trong khi những người có nhu cầu xây sửa nhà thì hầu hết là dân có tiền, họ cần cách thức quảng cáo phù hợp, cách tiếp cận cũng phải "lịch sự", chuyên nghiệp. Và bài học đầu tiên tôi rút ra: "Muốn khởi nghiệp thành công thì phải thật chuyên tâm và học thêm nhiều thứ khác, đặc biệt là các kỹ năng mềm".
* Nói vậy, ông chưa thật sự "chuyên tâm" khi khởi nghiệp lần đầu?
- Khi thành lập Thiết Thạch, tôi đang là sinh viên năm cuối Khoa Kiến trúc dân dụng, vừa đi làm thêm bán thời gian, tôi vừa mở công ty, một phần cũng để "thử" sức mình và cũng muốn... chứng tỏ bản thân. Vì vậy, tôi không có mục tiêu rõ ràng, thậm chí không có khái niệm kinh doanh mà chỉ nghĩ đơn giản: Có kiến thức chuyên môn thì cùng nhau làm. Chính vì không có mục tiêu, lại chưa chuyên tâm việc kinh doanh nên chúng tôi đã nhanh chóng thất bại.
* Có một câu nói rằng, chỉ cần có ý tưởng, bạn sẽ có thể khởi nghiệp, thậm chí có ý tưởng là có tiền, ông có đồng tình với câu nói này?
- Với kinh nghiệm của mình, tôi thấy câu nói này chưa chính xác. Xin trích một câu nói mà tôi rất tâm đắc: "Một ý tưởng tuyệt vời tất nhiên rất quan trọng, song có rất nhiều người với những ý tưởng sáng tạo đã thất bại trong kinh doanh.Ý tưởng chỉ đóng góp khoảng 1% vào thành công của doanh nghiệp trong khi 99% phụ thuộc vào những việc phải làm trong giai đoạn khởi đầu để thực hiện những ý tưởng đó. Hãy lường trước việc công ty sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức và thất bại. Và chỉ với ý tưởng độc đáo thôi sẽ không đủ để đưa doanh nghiệp vượt qua tất cả khó khăn đó".
* Động lực nào để ông vẫn tự tin đi tiếp trong khi hai người bạn đã bỏ cuộc?
- Như đã nói, khi thất bại hãy nhìn cái sai để đứng dậy và tôi đã nhìn thấy điểm yếu của mình. Để "sửa sai" tôi sẽ không bỏ cuộc mà bắt đầu đi tìm hướng đi mới.
Trong lúc loay hoay, tôi tình cờ gặp một ông thầu xây dựng có kinh nghiệm lâu năm, trong một lần trò chuyện "trà dư tửu hậu", ông tiết lộ: "Cứ 10 khách hàng gặp tôi thì có 9 người ký hợp đồng". Nghe khá tò mò nên tôi đã đi theo ông lên Đà Lạt và thiết kế xây dựng một quán cà phê cho khách hàng với yêu cầu phải lớn nhất, đẹp nhất, độc đáo nhất và theo phong cách hiện đại. Sau dự án đó được khách hàng hài lòng, tôi thấy vui và xác định hướng đi cho mình.
Thời gian đi làm với ông chủ thầu, nhận thấy cứ 10 người đến gặp ông thì đủ 10 người ký hợp đồng và "bí quyết" của ông không có gì đặc biệt ngoài những kỹ năng mềm, cộng thêm nhiều năng khiếu riêng như hát rất hay, biết nhiều thứ tiếng, ông đã dễ dàng tạo được sự thiện cảm, gần gũi của khách hàng, nhất là cách chăm sóc khách hàng rất... nghệ thuật và tinh tế. Nhận ra, những gì mình học trên trường chỉ là kiến thức nền, chuyên môn, còn các kỹ năng mềm thì gần như bị bỏ rơi trong khi các kỹ năng này cũng là yếu tố không thể thiếu để kinh doanh thành công.
Cũng thời gian này, tôi được ông chủ thầu dạy rất nhiều thứ, kể cả việc dẫn tôi đến các nhà hàng, quán bar cũng là để học. Ông nói: "Muốn làm kiến trúc sư giỏi phải đi thực tế để xem họ làm thế nào, cái nào đẹp, cái nào xấu để tránh. Giống như một đầu bếp giỏi thì phải đi chợ mới biết món ăn nào ngon, món nào dở". Cứ thế, tôi tích góp kinh nghiệm và bắt đầu con đường khởi nghiệp lần hai.
* Và nghe nói, ông lại thất bại?
- Năm 2006, tôi bắt đầu trở lại con đường kinh doanh bằng một cú liều. Với một thương hiệu mới, để khách hàng biết đến mình theo kiểu "hữu xạ tự nhiên hương" là rất khó. Lúc đó, thấy hội chợ triển lãm Vietbuild tổ chức, tôi dốc hết tiền để làm nhà tài trợ, chỉ dành hai triệu đồng để in tờ rơi quảng cáo. Ai cũng nói tôi liều nhưng tôi nghĩ, nếu không được gì thì xem như tiền học phí trải nghiệm và cũng thử một lần xem quyết đoán của mình đến đâu.
Nhờ tài trợ nên tôi được thiết kế một gian hàng độc đáo và đã có gần 20 khách hàng đặt thiết kế ngay tại hội chợ, trong đó có một dự án trọn gói thiết kế, xây dựng rất lớn. Nhờ dự án này, tôi có thêm nguồn tài chính lớn. Tuy nhiên, do không có chuyên môn xây dựng nên tôi phải giao dự án cho một đơn vị thầu và bị lừa nên khách hàng cắt hợp đồng.
Sau thất bại này, tôi lại trở về số 0 nhưng điều buồn nhất không phải vì mất tiền, mất hợp đồng mà là mất uy tín. Nhưng tôi không bỏ cuộc mà lại tiếp tục đi theo một ông thầu xây dựng để học nghề và kinh nghiệm. Ngoài kỹ thuật xây dựng, tôi cũng học được nhiều bí quyết như cách mua vật liệu như thế nào để tránh rủi ro, cách xử lý phát sinh khách hàng...
Cũng từ môi trường xây dựng, tôi nhận thấy mô hình phổ biến nhất của các công ty xây dựng là người chủ thầu đứng ra nhận dự án, sau đó giao lại cho nhiều bên thi công nên chỉ một đơn vị làm không tốt thì khách hàng là người chịu thiệt. Chính vì vậy, tôi đã tìm cách làm mới hơn trong cái đã cũ, đó là xây dựng quy trình minh bạch từ bảng giá đấu thầu, báo giá chi tiết cho khách hàng, xây dựng website đăng tải tất cả thông tin, kể cả đánh giá vật liệu minh bạch, rõ ràng và số liệu chính xác, công khai cả số điện thoại để tạo sự minh bạch cho khách hàng.
* Làm một cái mới trong một thị trường với cách làm cũ, ông có gặp khó khăn?
- Dĩ nhiên, cái gì mới thì ban đầu cũng khó. Hiện nay, nếu nói đúng nghĩa thì xây dựng tại Việt Nam mới chỉ là một dịch vụ chứ không phải là ngành xây dựng vì các công ty xây dựng đều có các nhà cung ứng làm hết, đặc biệt là các công trình lớn nên tôi tự xây dựng một mô hình kinh doanh kết nối vệ tinh. Cụ thể, tôi sẽ là đơn vị kết nối đứng ở giữa và xung quanh tôi là các dịch vụ thiết kế, nghiệm thu, an toàn lao động, cung ứng vật tư, bảo hành bảo trì. Trong đó, điểm mạnh nhất của tôi là cung ứng vật tư trong khi rất ít ông ty làm điều này. Bởi thông thường, phần vật tư chiếm đến 50% giá trị xây dựng nên nếu làm thuận lợi thì rất lợi thế .
* Vì sao rất ít công ty xây dựng mô hình showroom vật liệu xây dựng trong khi đây là lợi thế?
- Để có một showroom vật liệu xây dựng rất khó, trừ xi măng, dây điện, nhựa và các vật liệu xây dựng được sản xuất từ các công ty thì dễ hơn nhưng đá, cát thì phải được khai thác từ mỏ và thuộc quyền của các địa phương nên nặng tính xin cho, bôi trơn, thậm chí phải năn nỉ, thiếu sự công bằng, khách quan vì không có nguồn khác để nhập. Ví dụ, muốn mua cáp phải có quan hệ với đầu nậu, chưa kể không có tính ổn định khi nhu cầu tăng. Chính vì vậy, chưa chắc mình bán vật liệu mà giá thành xây dựng lại rẻ, thậm chí có khi mua ở ngoài còn rẻ hơn vì chi phí tổ chức kiểm soát, nhân công nhưng tôi vẫn làm vì một công trình, nếu mất đi một ít lợi nhuận nhưng có dữ liệu khách hàng để từ đó "đẻ" thêm khách hàng thì đó mới là lợi nhuận lớn nhất.
* Tham gia nhiều khóa học về quản trị kinh doanh, ông áp dụng được điều gì trong quản trị và điều này mang lại hiệu quả cho công ty ra sao, thưa ông?
- Năm 2012, tôi quyết định đi học quản trị kinh doanh ở trường Pace. Sau khóa học, tôi quyết định đưa hết vốn vào công ty, tôi cũng không làm chủ nữa mà làm công và kêu gọi mọi người cùng đóng góp cổ phần. Để thay đổi được tư duy này rất quan trọng vì trước đây, nhiều doanh nghiệp có vốn góp thường quan niệm, có bao nhiêu lợi nhuận là chia hết, chính tư duy đó đã giết chết nhiều công ty khởi nghiệp. Bởi thực chất, việc góp vốn cũng chính là sự trao quyền vì có trao quyền mới tạo động lực để mọi người tự nguyện làm việc hết sức mình. Mô hình Thiết Thạch Group được tổ chức theo hình chóp, cao nhất là ban lãnh đạo, sau đó chia thành 14 phòng ban và các chi nhánh, trong đó các phòng ban chính là công cụ để người lãnh đạo có thể kiểm soát hệ thống và tôi tương tác trực tiếp với các phòng ban này, còn các chi nhánh chỉ là thừa hành và kinh doanh.
* Một triết lý ông tâm đắc trong quản trị nhân sự?
- Để một con cá bơi khỏe mạnh thì cần có hồ bơi sạch, vậy muốn công ty khỏe thì môi trường làm việc cũng phải sạch. Vì vậy, chúng tôi có một đội ngũ nhân sự cũng rất khỏe mạnh về tất cả mọi mặt. Đây cũng là một khác biệt của Thiết Thạch nên chúng tôi luôn tự tin với khẩu hiệu: Chỉ khoe người mà không khoe nhà.
Một kinh nghiệm tâm đắc: Muốn kiểm soát hệ thống đông người thì phải quản trị được con người và các phòng ban sẽ giúp mình quản trị tốt.
* Được xem là khá thành công trong công việc nhưng ông luôn phải... loay hoay đi tìm sự cân bằng trong cuộc sống, tại sao vậy thưa ông?
- Nhiều người quanh tôi có thể không giàu nhưng họ có hạnh phúc, cân bằng, còn tôi có thể có nhiều thứ hơn nhưng tôi lại chưa cân bằng được cuộc sống. Tôi chưa có sức khỏe, chưa có nhiều thời gian cho bản thân và gia đình. Vì vậy, tôi luôn đi tìm kiếm sự cân bằng và tôi nghĩ, cũng có rất nhiều người cũng loay hoay đi tìm sự cân bằng như tôi, ví dụ người có tiền thì không có sức khỏe, có sức khỏe thì không có tiền, không có hạnh phúc. Và tôi rút ra, năm yếu tố phải cân bằng trong cuộc sống đó là: Tình yêu, vật chất, sức khỏe, thời gian và sự tự do.
* Ông nói ghét sự bôi trơn?
- Đúng. Tôi đang đưa công ty đi theo mô hình dịch vụ văn minh nên không muốn bôi trơn, tôi muốn đội ngũ của mình ký được hợp đồng một cách văn minh, chuyên nghiệp chứ không cần lắt léo, không cần những phong bì đi đêm hay các cuộc ký kết trên bàn nhậu.
* Ông có điều gì trăn trở trong lĩnh vực kinh doanh của mình?
- Đó là thực trạng quy hoạch Việt Nam quá kém. Hiện nay, ở các nước văn minh không có chuyện phân lô bán nền, nhà ở riêng lẻ, nhà phố nhiều lại không có quy hoạch vỉa hè. Quy hoạch sai sẽ đẻ ra lãng phí nguồn nhân lực quản lý, kéo theo nhiều cái sai. Ví dụ, khi phân lô bán nền, chia đô thị manh mún, riêng lẻ sẽ đẻ ra nhiều phương tiện cá nhân vì họ không thể bỏ xe máy để đi phương tiện công cộng khi khu quy hoạch nằm quá xa giao thông công cộng. Đó là một bất cập.
* Điều gì quan trọng nhất với ông khi điều hành công ty?
- Đó là văn hóa doanh nghiệp, đây cũng là vấn đề quan trọng nhất nên chúng tôi có trung tâm đào tạo và chỉ đào tạo văn hóa doanh nghiệp. Khi đã xác định con người là quan trọng thì phải ứng xử văn hóa, làm việc tận tâm, trách nhiệm tận cùng. Một công ty văn hóa phải có thái độ, đạo đức, tác phong, ứng xử văn hóa.
Mỗi doanh nghiệp văn hóa cũng khác nhau và hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi người dẫn đầu. Đơn cử doanh nhân sẽ khác người làm kinh doanh, trọc phú khác triệu phú... Và sự khác biệt đó là do văn hóa công ty tạo ra cho mỗi con người.
* Ông từng tự hào có rất nhiều niềm vui, kể cả ngày sinh nhật của mình đi tặng quà cho nhân viên cũng thấy vui, nghe có vẻ lạ...
- Tôi chưa làm được điều gì lớn lao trong công việc của mình nhưng tôi vui vì những điều rất nhỏ đã làm được, đó là mang lại hạnh phúc cho nhiều người khi họ có một ngôi nhà đẹp, hài lòng và hạnh phúc trong ngôi nhà của mình.
Một niềm vui nữa là mỗi ngày nhìn thấy nhân viên của mình được sung túc, hạnh phúc, họ mua được nhà cửa, xe hơi hay như sinh nhật của tôi, tôi được tặng quà cho nhân viên thì đó cũng là vui. Với tôi, điều gì mình vui thì làm và sau mỗi dự án được khách hàng đánh giá tốt, giới chuyên môn khen ngợi, xã hội công nhận thì lại tiếp tục để có niềm vui.
* Ông thường đến thăm những nơi nuôi trẻ mồ côi và nói "Cám ơn nơi này", xin tò mò hỏi có "bí mật" gì về cuộc sống riêng của ông ở đây?
- Tôi hay đi làm thiện nguyện ở Bình Phước, đến chỗ nuôi các trẻ em mồ côi và tôi luôn thầm cám ơn nơi này. Bởi có thời điểm tôi bị nhà thầu nợ tiền không trả, thua lỗ, tôi thất vọng, thậm chí muốn buông xuôi vì quá mệt mỏi.Thế nhưng, khi đến chỗ nuôi trẻ em mồ côi, thấy những đứa trẻ bị não úng thủy, nằm xem ti vi vẫn cười, thấy trẻ em bị bỏ rơi vẫn vô tư. Bước ra khỏi trung tâm, tôi vứt bỏ hết nỗi buồn, tự đặt câu hỏi: "Tại sao mình có đủ tay chân mà phải buồn, trong khi nhiều người khổ hơn mình vẫn có niềm vui, nhiều trẻ con không may mắn như mình vẫn cười trong trẻo. Và tôi đã lạc quan nhìn cuộc đời đẹp hơn từ đó, niềm tin cũng từ đó giúp tôi đứng dậy. Hiện chúng tôi có hai chương trình đang thực hiện hằng năm là "Tiếp sức đến trường" dành cho trẻ em vùng sâu, vùng xa và "Tiếp ấm mưu sinh" dành cho người lao động nghèo, vô gia cư.
* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ cởi mở.