TCAF phê duyệt khoản tài trợ 33,3 triệu USD để chi trả tín chỉ carbon lúa
Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) vừa phê duyệt tổng kinh phí 33,3 triệu USD, có thể tăng lên đến 40 triệu USD (tương đương 811-974 tỷ đồng) để hỗ trợ Việt Nam thực hiện Đề án phát triển 1 triệu ha lúa.
Đây là thông tin do Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố tại cuộc họp thống nhất cách thức chuẩn bị triển khai thí điểm chi trả giảm phát thải khí nhà kính từ Quỹ TCAF hỗ trợ Đề án “Phát triển 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Theo đó, Ban quản lý TCAF đã phê duyệt khoản chi 33,3 triệu USD và có thể tăng lên đến 40 triệu USD (tương đương 811-974 tỷ đồng), để hỗ trợ Việt Nam thực hiện Đề án phát triển 1 triệu ha lúa.
Khoản tiền này sẽ được dành để chi trả tiền tín chỉ carbon cho nông dân trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long thuộc Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Đề án này được hỗ trợ bởi Quỹ TCAF và Ngân hàng Thế giới (WB).
Để chuẩn bị các bước triển khai hợp tác tiếp theo, WB đề xuất tổ chức một đoàn công tác đến làm việc với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ ngành liên quan từ ngày 23/9 đến 2/10. Đồng thời, cam kết tài trợ khoản kinh phí của Quỹ TCAF sẽ có hiệu lực trong 12 tháng và cuối giai đoạn này, WB dự kiến phê duyệt tài trợ bằng việc ký Thoả thuận chi trả giảm phát thải (ERPA).
Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ chi trả 15 triệu USD (có thể tăng lên đến 18 triệu USD). Thời gian đàm phán về ERPA với Quỹ TCAF dự kiến vào tháng 5/2025.
Giai đoạn 2, số tiền chi trả là 18,3 triệu USD, có thể tăng lên đến 22 triệu USD.
Bên cạnh đó, Quỹ TCAF sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trị giá 2 triệu USD (do WB trực tiếp quản lý) để thực hiện các hoạt động tăng cường năng lực giúp thực hiện Điều 6 Thỏa thuận Paris, hệ thống MRV (hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng phát thải khí nhà kính) và các đề nghị khác.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nộng thôn, các mô hình thí điểm trên diện tích 300ha ở 5 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã cho kết quả khả quan khi chi phí giảm, giá lúa tăng và thu nhập nông dân cải thiện. Doanh nghiệp cam kết thu mua lúa với giá cao hơn thị trường. Đến năm 2025, diện tích lúa giảm phát thải sẽ mở rộng lên 200.000ha, giúp nâng cao giá trị gạo Việt Nam và bảo vệ môi trường.
Hiện, Bộ đang phối hợp với WB và các cơ quan để đo đạc, xác nhận tín chỉ carbon từ sản xuất lúa, hướng tới bán tín chỉ cho các tổ chức quốc tế. WB và TCAF cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Tín chỉ carbon là chứng nhận phát thải khí carbon dioxide (CO2) hoặc khí nhà kính khác được quy đổi tương đương sang CO2 (CO2tđ). Một tấn CO2tđ được xem là 1 tín chỉ carbon. CO2tđ là đơn vị mua bán trên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.
Tín chỉ carbon lúa thu được từ canh tác lúa giảm phát thải bằng cách không đốt rơm, sử dụng phân bón sinh học, giảm khí metan. Các nông dân phải tuân thủ quy trình báo cáo đánh giá tín chỉ carbon để tham gia thị trường này, giúp họ giảm chi phí và tăng thu nhập.
Hiện có 36 quốc gia tham gia thị trường tín chỉ carbon. Việt Nam đã bán 10,3 triệu tấn CO2 cho WB, thu về gần 1.250 tỷ đồng. Với 1 triệu ha lúa, giá trị tín chỉ carbon có thể đạt 100 triệu USD mỗi năm nếu bán được với giá 10 USD mỗi tín chỉ.