Tăng mạnh lãi suất, FED "đau đầu" với lạm phát

Khả Hân| 25/06/2022 02:00

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất cơ bản lên mức cao nhất từ năm 1994, và dự báo sẽ còn nâng nữa, là dấu hiệu cho thấy cơ quan này đang đau đầu khi lạm phát đã vượt ngoài dự kiến.

Nếu cách đây 2 năm, để chống chọi với Covid-19, ngân hàng trung ương (NHTƯ) nhiều nước đã nới lỏng chính sách tiền tệ và liên tiếp giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế, thì giờ chính các tổ chức này lại đua nhau nâng lãi suất và mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự báo, trong bối cảnh lạm phát khắp toàn cầu tăng mạnh.

Cuộc đua của các NHTƯ

Giữa tháng 6/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm cơ bản, cao nhất kể từ năm 1994, lên mức 1,5-1,75%. Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết, lãi suất có thể tiếp tục tăng thêm 50 điểm hoặc 75 điểm cơ bản trong các kỳ họp tới. 

Còn theo dự báo của các thành viên Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), lãi suất chuẩn của FED trong năm 2022 ở mức 3,4%, tức tăng 1,5 điểm phần trăm so với ước tính tháng 3/2022. Ủy ban này kỳ vọng nâng lãi suất lên 3,8% trong năm 2023, cao hơn 1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 3/2022.

Diễn biến trên cho thấy, FED đang đau đầu khi lạm phát đã vượt ngoài dự kiến. Cụ thể, FED dự báo lạm phát - được tính theo chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - sẽ tăng 5,2% trong năm 2022, cao hơn dự báo trước đó là 4,3% và hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 ở mức 1,7%, giảm so với dự báo 2,8% hồi tháng 3.

Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết sẽ còn thêm nhiều đợt nâng lãi suất nữa

Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết sẽ còn thêm nhiều đợt nâng lãi suất nữa

Ngay sau động thái của FED, NHTƯ Anh (BoE), đã tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, lên 1,25% - là mức lãi suất chủ chốt cao nhất của Anh kể từ tháng 1/2009. Như vậy, tính từ tháng 12/2021, BoE đã tăng lãi suất 5 lần và trở thành NHTƯ lớn đầu tiên thắt chặt chính sách tiền tệ từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát.

Nhưng chính Thụy Sĩ mới thu hút sự chú ý nhiều nhất khi công bố mức tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, ghi dấu lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2007. Có thể kể đến một loạt NHTƯ khác đã tăng lãi suất gần đây như Hungary, Úc đã tăng lãi suất nhiều hơn dự kiến vào đầu tháng 6 trong khi Brazil tuần trước đã nâng lãi suất chuẩn lần thứ 11 liên tiếp. Thống kê cho thấy, tính từ đầu năm đến nay, ít nhất 45 quốc gia đã nâng lãi suất và dự kiến sẽ tiếp diễn trong tương lai gần.

Tác dụng phụ không mong muốn

Dữ liệu cho thấy, lạm phát của nhóm các nước giàu thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) gần đây đã lên tới 9,2%, cao nhất kể từ năm 1988. Anh đang là nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 9% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng cao nhất kể từ năm 1982.

Chính vì vậy, để kiềm chế lạm phát, giải pháp được các nhà điều hành kinh tế lựa chọn là tăng lãi suất nhanh nhất có thể. Vì lãi suất tăng sẽ khiến việc vay tiền trở nên đắt đỏ hơn, đồng thời khuyến khích tiết kiệm. Khi việc vay nợ tốn kém hơn, nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàng hóa và dịch vụ sẽ bị hãm lại. Điều tương tự cũng xảy ra đối với kế hoạch đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Qua đó, lạm phát sẽ "dịu đi" khi nhu cầu bị nguồn cung vượt lên.

Link bài viết

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, môi trường lạm phát hiện nay xuất phát từ chi phí đẩy, thiếu hụt cung chứ không phải do cầu kéo hay yếu tố tiền tệ. Với chuỗi cung ứng bị đứt gãy do xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine hay chính sách Zero Covid của Trung Quốc, nhiều loại hàng hóa cơ bản, nguyên vật liệu trở nên khan hiếm. Vì vậy, chính sách thắt chặt tiền tệ có thể không mang lại hiệu quả chống lạm phát như kỳ vọng.

Trong khi đó, việc kìm nén nhu cầu tiêu dùng lại đặt ra nguy cơ bóp nghẹt tăng trưởng kinh tế. Với chi phí sinh hoạt tăng vọt đe dọa suy giảm tiêu dùng, nỗ lực tăng lãi suất để "hạ nhiệt" lạm phát đẩy rủi ro suy thoái lên một nấc cao hơn. Giới phân tích tài chính chỉ ra tình huống nguy cơ xảy ra suy thoái đang ngày càng tăng khi các NHTƯ chạy đua để tăng lãi suất trước khi lạm phát tăng ngoài tầm kiểm soát.

Công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics, có trụ sở tại London cho rằng, FED đang cố tình điều chỉnh nhu cầu để giảm sức ép lạm phát và đường hướng này có nguy cơ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Một vấn đề khác là các nền kinh tế mới nổi có thể trở thành "nạn nhân" của các đợt tăng lãi suất khi việc FED tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD lên giá.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây cho rằng Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái. Theo Janet Yellen, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng rất nhanh khi "chúng ta hồi phục và đạt mức toàn dụng nhân công (full employment). Việc kỳ vọng kinh tế sẽ chuyển sang giai đoạn tăng trưởng chậm và bền vững là điều tự nhiên. Tuy nhiên, tôi không nghĩ suy thoái là không thể tránh được". Nhưng bà cũng nói thêm rằng: "Rõ ràng lạm phát đang cao đến mức không thể chấp nhận được".

Tại Mỹ, các yếu tố như tỷ lệ thất nghiệp ở gần mức thấp nhất trong 50 năm và chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ (bất chấp tỷ lệ lạm phát cao lịch sử) đang là những yếu tố duy trì "sự sống" cho nền kinh tế. Dù vậy, trong những tuần gần đây, nhiều doanh nghiệp Mỹ công bố sa thải không ít người lao động đã làm tăng thêm lo ngại của các nhà đầu tư, rằng "bánh xe tăng trưởng" có thể sắp đi chệch hướng và do đó khả năng suy thoái là có thật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng mạnh lãi suất, FED "đau đầu" với lạm phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO