Rộng cửa, vẫn ngại

BÌNH AN| 20/05/2009 09:14

Nhiều NH đang đẩy lãi suất huy động lên trên 8%/năm nhưng nếu chỉ cho DN vay với lãi suất không quá 10,5%/năm thì “thu không đủ chi”. Trước tình hình ấy, cho vay tiêu dùng và mua nhà đất với lãi suất trên 12,5%/năm đang là “lời giải” tốt nhất cho nhiều NH.

Rộng cửa, vẫn ngại

Nhiều NH đang đẩy lãi suất huy động lên trên 8%/năm nhưng nếu chỉ cho DN vay với lãi suất không quá 10,5%/năm thì “thu không đủ chi”. Trước tình hình ấy, cho vay tiêu dùng và mua nhà đất với lãi suất trên 12,5%/năm đang là “lời giải” tốt nhất cho nhiều NH.

Giao dịch tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam

Theo bà Nguyễn Thị Xuyến, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á (DongA Bank), dư nợ tín dụng tiêu dùng của NH là hơn 1.300 tỷ đồng và NH này dự kiến tăng tín dụng tiêu dùng khoảng 15% trong năm nay. Ngân hàng ACB hiện giải quyết khoảng 30 hồ sơ và giải ngân khoảng 20 hồ sơ/ngày cho khách vay mua nhà đất. Ngân hàng An Bình đã nâng mức cho vay lên 90% tổng giá trị bất động sản cần mua, ngang với thời kỳ nhà, đất “sốt” cao. Nhiều NH khác như Techcombank, Sacombank, Nabibank, ANZ, Liên Việt, Tiên Phong... cũng đã dành hạn mức khá lớn cho tín dụng tiêu dùng, mua nhà đất. Ông Nguyễn Đức Hưởng, Tổng giám đốc NH Liên Việt, thừa nhận khách hàng cá nhân vay tiêu dùng là một trong những mục tiêu chính của nhiều NH trong thời điểm đầu ra khó, lãi suất thấp hiện nay.

Tuy đã “mở rộng cửa”, nhưng theo ông Bùi Tấn Tài, Phó tổng giám đốc ACB, nhiều khách hàng sau khi tìm hiểu thủ tục, lãi suất, cách trả..., đã rút lại ý định vay. Lãi suất phổ biến trên 12,5% hiện đã hạ khá nhiều so với một năm trước nhưng lại quá cao so với tình hình kinh tế, thu nhập hiện tại. Bà Vũ Thị Minh Hằng (Quỹ đầu tư A) cho biết, muốn vay 500 triệu đồng để mua căn hộ trả trong 5 năm, nhưng con số hơn 15 triệu đồng cả lãi lẫn gốc hằng tháng phải trả đã khiến bà “chùn tay”. Nhiều người tính, nếu vay 500 triệu đồng mua nhà sau 5 năm số tiền cả gốc lẫn lãi lên đến hơn 750 triệu đồng, không phải là “dễ chịu” ngay cả với người có thu nhập cao.

Chưa kể muốn vay phải chứng minh thu nhập ổn định, công khai trên 10 triệu đồng/tháng, nhà đã xây xong hay chủ đầu tư bảo lãnh, liên kết thì mới dễ vay. Nan giải nhất là người vay phải có cả chục loại giấy tờ, như xác nhận thu nhập, bảo lãnh của công ty, hợp đồng lao động... cùng khá nhiều loại giấy tờ khác. Hiện nay, các NH thường chỉ giải ngân cho chủ đầu tư hay người bán để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo đúng mục đích. Ông Đàm Thế Thái, Giám đốc khối khách hàng cá nhân NH An Bình, nhận định khách vay mua nhà hiện nay chủ yếu để ở vì lãi suất cao không hấp dẫn dân đầu cơ. Tuy nhiên, giá nhà vẫn cao buộc họ phải vay nhiều dẫn đến trả lãi, gốc cao nên khách chưa dám mạnh tay vay. Lãnh đạo nhiều NH đặt vấn đề “thay vì bỏ tiền ra xây nhà xã hội, Nhà nước nên chăng hỗ trợ lãi suất có kiểm soát cho những trường hợp mua nhà giá trung bình, giá thấp để ở vì hiện nay chỉ có người thu nhập cao vay mua nhà”.

Tổng giám đốc một NH thừa nhận, hồ sơ xin vay tiêu dùng, đươc giải ngân tại NH chỉ chiếm khoảng 40%. “Rào cản” lớn nhất đối với NH là khách có thu nhập không ổn định, còn phía khách cho rằng lãi đã cao mà vay lại khó. Eximbank đưa ra một số điều kiện như người vay phải có việc làm và thu nhập ổn định, vay theo nhóm, đồng thời đơn vị nơi cá nhân làm việc cam kết giúp ngân hàng thu nợ thông qua việc chi trả tiền lương. Ngân hàng cũng kết hợp với ban lãnh đạo, công đoàn các doanh nghiệp, để có thông tin qua lại về hoạt động của người vay, qua đó quản lý chặt chẽ tình hình thanh toán nợ của khách hàng. Lãnh đạo các ngân hàng đồng tình với việc khách vay nên mua bảo hiểm tiền vay để hạn chế rủi ro và dễ vay hơn. Hệ thống ngân hàng nên có những trung tâm thông tin tín dụng cá nhân để các ngân hàng xác minh “ lý lịch tín dụng” khách có “nợ xấu” hay “nợ tốt” để nhanh chóng chấp thuận cho vay hay không.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rộng cửa, vẫn ngại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO