Ngành ngân hàng lại lo nợ xấu xuất hiện

ANH KHOA| 02/11/2018 03:34

Ngành ngân hàng đã trải qua giai đoạn nợ xấu tăng cao trước đây, rồi tích cực thu hồi và đạt được không ít kết quả trong những năm gần đây, giúp nhiều ngân hàng tăng trưởng mạnh về lợi nhuận.

Ngành ngân hàng lại lo nợ xấu xuất hiện

Ảnh minh họa: Quý Hòa

Tuy nhiên, những diễn biến gần đây cho thấy nỗi lo về một chu kỳ nợ xấu mới đang hình thành trở lại.

Từ các khoản vay BOT...

Trong báo cáo trước Quốc hội gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã bày tỏ nỗi lo ngại ngành ngân hàng có thể gặp rủi ro dài hạn do việc thu hồi vốn vay với các công trình BOT, BT giao thông gặp khó khăn. Việc hàng loạt công trình giao thông theo hình thức BOT, BT gần đây liên tiếp bị phát hiện có sai phạm khiến thời gian hoàn vốn của các công trình này có thể kéo dài.

Đáng lưu ý là mặc dù trong 2 năm qua, NHNN đã có nhiều công văn, chỉ thị các ngân hàng hạn chế vốn cho lĩnh vực BOT, BT nhưng dư nợ tín dụng dành cho khu vực này tiếp tục tăng. Thống kê mới nhất tính đến cuối tháng 8/2018, tín dụng đối với các công trình BOT, BT dù chỉ chiếm tỷ trọng ở mức thấp là 1,57%, song vẫn tiếp tục tăng thêm 6,59% so với cuối năm 2017, ước khoảng gần 110.000 tỷ đồng.

Link bài viết

Như vậy, so với cùng kỳ đã tăng thêm gần 20.000 tỷ đồng, với hơn 20 ngân hàng tham gia cho vay, trong đó những ngân hàng cho vay lớn nhất vẫn là nhóm 3 ngân hàng thương mại nhà nước là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và một ngân hàng thương mại cổ phần là SHB. Mặc dù theo một số báo cáo cho thấy phần lớn nguồn đầu tư thực hiện công trình BOT là từ ngân hàng, nhà đầu tư chỉ góp vốn 10 - 15%, tuy nhiên có không ít phát hiện cho thấy một số công trình hoàn toàn phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, do đó khi đổ vỡ thì rủi ro nợ xấu mà ngân hàng đối mặt là rất lớn.

Đặc biệt trong bối cảnh nhiều dự án đang bị trì hoãn, đánh giá lại tính khả thi, cũng như gặp không ít phản ứng của người dân trong thời gian qua thì dư nợ đối với lĩnh vực này đang đứng trước rủi ro lớn hơn bao giờ hết. Chính phủ gần đây cũng đã có những yêu cầu rà soát, đánh giá lại các công trình BOT, BT đã, đang và sẽ triển khai cho giai đoạn tới, vì không ít chủ đầu tư lợi dụng hình thức này chỉ để lấy đất, trong khi xây dựng thì kém chất lượng, gian lận thu phí, kéo dài thời gian thu phí.

...đến cho vay bất động sản và tiêu dùng

Trong khi đó, dư nợ cho vay bất động sản theo báo cáo đến tháng 7 chỉ tăng nhẹ 3,58% so với cuối năm 2017 và chỉ còn chiếm tỷ trọng 6,29%, tương đương hơn 430.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù được kiểm soát chặt chẽ hơn trong thời gian qua, nhưng mối lo ngại là không ít vì các khoản vay bất động sản đang núp bóng vay tiêu dùng suốt cả thời gian dài.

Với những đợt sốt đất liên tiếp từ đầu năm 2017 đến nay, xảy ra tuần tự hoặc đồng thời tại nhiều địa phương, một dòng tiền đầu tư khổng lồ đã rót vào thị trường này, trong đó không ít là đến từ nguồn vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, sau một giai đoạn tăng nóng thì thị trường nhà đất tại nhiều địa phương đã bắt đầu chững lại, suy yếu, làm tăng lo ngại có thể quay lại thời kỳ đóng băng, đồng nghĩa với các khoản vốn vay rót vào đây sẽ trở thành nợ xấu.

Những khoản tín dụng lỏng lẻo trong giai đoạn chính sách nới lỏng tiền tệ, đầu tư dễ dãi, mở rộng sản xuất, thâu tóm ồ ạt, những cơn sốt đất, sốt chứng khoán, tiền ảo thu hút biết bao nhiêu dòng tiền tham gia nhưng nay đã rơi vào giai đoạn điều chỉnh, tất cả đều khiến rủi ro nợ xấu lại xuất hiện gần hơn bao giờ hết.

Chẳng những vậy, việc cho vay tiêu dùng nói chung sau một thời kỳ tăng trưởng nóng trong nhiều năm trở lại đây, với hàng loạt ngân hàng tham gia, nhưng công tác quản lý rủi ro và thu hồi nợ theo không kịp, dẫn đến hệ lụy xấu, gây ra không ít tổn hại về hình ảnh, uy tín của ngành ngân hàng, buộc NHNN yêu cầu phải rà soát, đánh giá mức độ rủi ro đồng thời hạn chế rót vốn vào lĩnh vực này.

Điều này cho thấy nhà điều hành đã bắt đầu có những lo ngại về mảng cho vay tiêu dùng trong hệ thống, vốn đã phát triển một cách ồ ạt và dễ dãi trong suốt thời gian dài với sự cạnh tranh quyết liệt, do biên lãi suất quá hấp dẫn. Tuy nhiên, lợi nhuận cao bao giờ cũng đi kèm với rủi ro lớn, trong đó không ít tổ chức chỉ chăm chăm tăng quy mô mà bỏ qua việc thẩm định khách hàng.

Những con số đáng lo

Với xu hướng lãi suất tăng trở lại, nỗi lo lắng về thời kỳ nợ xấu quay trở lại đang ngày càng rõ hơn. Những khoản tín dụng lỏng lẻo trong giai đoạn chính sách tiền tệ nới lỏng, đầu tư dễ dãi, mở rộng sản xuất, thâu tóm ồ ạt, những cơn sốt đất, sốt chứng khoán, tiền ảo thu hút biết bao nhiêu dòng tiền tham gia nhưng nay đã rơi vào giai đoạn điều chỉnh, tất cả đều khiến rủi ro nợ xấu lại xuất hiện gần hơn bao giờ hết.

Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý III vừa qua, không ít ngân hàng phải chứng kiến con số nợ xấu tăng vọt so với đầu năm, khiến chi phí dự phòng leo thang và bào mòn lợi nhuận. Trong số 18 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý III, chỉ có 3 ngân hàng giảm tỷ lệ nợ xấu so với đầu năm, 15 ngân hàng đều có nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu cao hơn trong 9 tháng qua.

Như tại BIDV, nợ xấu tăng thêm 21% so với đầu năm, lên hơn 17.000 tỷ đồng, đứng đầu hệ thống, trong đó nợ nhóm 5 tăng đến 47% và chi phí dự phòng tăng hơn 21% so cùng kỳ 2017. Hay như tại VPBank - ngân hàng đã phát triển mạnh cho vay tiêu dùng trong suốt thời gian qua, nợ xấu cuối quý III đã tăng 52% so với hồi đầu năm, ở mức 9.400 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 61%, nợ nhóm 4 tăng 31%, nợ nhóm 5 tăng 62%, kéo theo tỷ lệ nợ xấu nhảy vọt lên mức 4,7%, tăng đáng kể so với con số 3,39% tại thời điểm 31/12/2017.

Ở nhóm ngân hàng nhỏ, SaigonBank có tỷ lệ nợ xấu lên đến 6,41% từ mức 2,98% hồi đầu năm, cao nhất trong số các ngân hàng đã công bố. Tỷ lệ tăng vọt do dư nợ cho vay không thay đổi nhiều nhưng nợ xấu đã tăng gấp đôi, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 2,3 lần, nợ nghi ngờ tăng 3,6 lần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành ngân hàng lại lo nợ xấu xuất hiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO