Nhiều ngân hàng chật vật thoái vốn

ANH KHOA| 24/10/2018 03:35

Không còn quá dễ dàng như giai đoạn trước, các phiên đấu giá cổ phiếu ngân hàng gần đây để thoái vốn liên tiếp gặp thất bại, khiến mục tiêu giảm sở hữu chéo của một số ngân hàng gặp không ít thách thức.

Nhiều ngân hàng chật vật thoái vốn

Việc thoái vốn năm nay của Vietcombank gặp nhiều thử thách

Điều gì đã khiến mọi thứ thay đổi chóng vánh chỉ chưa đến một năm?

"Của ngon" khó kiếm người dùng

Hồi đầu tháng này, Vietinbank đã thông báo đấu giá toàn bộ hơn 15 triệu cổ phần, tương ứng 4,91% vốn điều lệ của Saigonbank. Đây là đợt thoái vốn thứ hai tại Saigonbank khi trước đó, năm 2016, VietinBank đã bán thành công gần 17 triệu cổ phần, tương đương 5,48% vốn cổ phần Saigonbank với mức giá khởi điểm là 10.800đ/CP. Tuy nhiên, đợt đấu giá lần này khả năng sẽ khó đạt kết quả như ý muốn, khi kết quả kinh doanh của Saigonbank vừa qua không mấy tích cực.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018 của ngân hàng này, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm là 93,5 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu tăng 6,4%, đẩy chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 2,3 lần so với cùng kỳ và hiện chiếm hơn 158 tỷ đồng.

Quy mô kinh doanh tiếp tục tăng trưởng chậm so với toàn ngành, với tổng tài sản đạt 21.246 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với cùng kỳ 2017, trong khi tiền gửi khách hàng và cho vay khách hàng cũng tương đương cùng kỳ, đạt tương ứng 14.703 tỷ đồng và 13.829 tỷ đồng, mới thực hiện được 74% và 88% kế hoạch năm.

Đáng lưu ý là ngay cả những "món hàng ngon" cũng không bán được trong giai đoạn gần đây. Như trong phiên đấu giá ngày 15/10, chỉ có 10 nhà đầu tư đăng ký mua hơn 5,9 triệu cổ phần MBBank trong số 54,4 triệu cổ phần mà Vietcombank đăng ký bán. Dù Vietcombank chỉ đưa ra mức giá khởi điểm tại 19.641đ/CP, thấp hơn 3% so với mức giá đang giao dịch trên sàn, nhưng phiên đấu giá chỉ thu hút được 5 tổ chức và 5 nhà đầu tư cá nhân.

Đây là kết quả có thể thấy trước khi ngày 9/10, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thông báo chỉ có 10 nhà đầu tư đăng ký tham gia, và khối lượng đăng ký mua chỉ chiếm hơn 11% lượng cổ phần mang ra đấu giá. Dù vậy, điều này là khá bất ngờ khi MBBank luôn là một trong những ngân hàng hoạt động hiệu quả trong nhiều năm qua, và kết quả kinh doanh quý III mới công bố cũng rất tích cực.

Link bài viết

Cụ thể, lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của MBBank đã vượt mốc 6.000 tỷ đồng, lên 6.015 tỷ, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ 2017. Trong đó, đáng chú ý là lãi từ dịch vụ của MB tăng mạnh từ 1.035 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái lên 1.688 tỷ đồng trong năm nay, chủ yếu nhờ khoản thu đột biến từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm lãi 860 tỷ đồng, lãi từ hoạt động khác 882 tỷ đồng từ các khoản nợ đã xử lý, tăng gấp rưỡi so cùng kỳ 2017.

Quy mô kinh doanh của MBBank cũng tăng mạnh, với tổng tài sản tăng 9,5%, đạt 343.850 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 10,7%, đạt 201.475 tỷ đồng và huy động tiền gửi của khách hàng tăng 5,7%, đạt 232.638 tỷ đồng.

Chỉ duy nhất chỉ tiêu chất lượng tín dụng là tiêu cực, với tổng nợ xấu của nhà băng cuối tháng 9 là 3.218 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ mức 1,2% cuối năm 2017 lên mức 1,57% cuối tháng 9/2018.

Không phải chỉ riêng MBBank bị ế hàng, phiên đấu giá bán cổ phần tại Eximbank của Vietcombank cũng đã thất bại. Cụ thể, theo kế hoạch, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sẽ tổ chức phiên đấu giá bán cổ phần của Eximbank do Vietcombank sở hữu vào ngày 22/10, tuy nhiên đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc (15h30 ngày 15/10) đã không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia đấu giá.

Nếu so với giai đoạn thoái vốn thành công trước đây, như cuối năm 2017, Vietcombank đã thu về 266 tỷ đồng khi đấu giá 13,2 triệu cổ phiếu đã nắm giữ tại Saigonbank với giá 20.100đ/CP, gấp 1,6 lần mức giá khởi điểm là 12.550đ/CP, và 76,2 tỷ đồng từ việc bán toàn bộ 6,6 triệu cổ phiếu tại Công ty Tài chính Xi măng với giá 11.554đ/CP, cũng như gần đây hơn là thoái sạch vốn thành công tại Ngân hàng Phương Đông, thì kết quả những phiên đấu giá gần đây cho thấy cổ phiếu ngân hàng đã không còn hấp dẫn nhà đầu tư.

Vì sao cổ phiếu ngân hàng thôi hấp dẫn?

Đầu tiên là thị trường chứng khoán hiện nay không còn thuận lợi cho việc thoái vốn, khi triển vọng tăng giá cổ phiếu đã giảm xuống sau những đợt giảm mạnh vừa qua. Với xu hướng mờ mịt cho giai đoạn tới, rõ ràng các nhà đầu tư sẽ không còn mấy mặn mà với thị trường cổ phiếu nói chung và cổ phiếu ngân hàng nói riêng.

Trong khi đó, dù lợi nhuận của ngành ngân hàng năm nay dự kiến vẫn cao, nhưng theo giới phân tích khả năng đó cũng là đỉnh điểm. Năm sau và giai đoạn kế tiếp sẽ đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn, khi chính sách tiền tệ thắt chặt trở lại với tăng trưởng tín dụng kiểm soát chặt chẽ, cùng với mặt bằng lãi suất quay trở lại xu hướng tăng sẽ có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng.

Bên cạnh đó, các thị trường tài sản như bất động sản nguội trở lại trước chính sách thắt chặt tiền tệ cũng có thể đẩy các ngân hàng đối mặt với chu kỳ nợ xấu mới, khi mà suốt thời gian dài đã đẩy mạnh cho vay bất động sản, tiêu dùng. Kết quả kinh doanh quý III vừa qua cũng cho thấy nhiều ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt là những quy định an toàn mới chặt chẽ hơn cũng làm hạn chế khả năng sinh lời của ngân hàng, từ việc phải tăng vốn, điều chỉnh cơ cấu tài sản sinh lời đảm bảo hệ số an toàn vốn theo Thông tư 41, tiến dần đến chuẩn Basel 2, cho đến việc giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, mất đi kênh cho vay ngoại tệ có suất sinh lời cao đều có thể làm xói mòn lợi nhuận ngân hàng.

Theo quy định thì cho vay ngoại tệ đối với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu sẽ hết hạn vào cuối năm nay, trong khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 45% về còn 40% từ đầu năm 2019 và tiếp đó quy định hệ số an toàn vốn theo chuẩn mới sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2020.

Đáng lưu ý là với lợi suất trái phiếu Chính phủ đang trong xu hướng tăng trở lại cũng khiến định giá thị trường cổ phiếu nói chung và cổ phiếu ngân hàng nói riêng giảm xuống, do các mô hình định giá theo dòng tiền thường sử dụng lợi suất trái phiếu chính phủ để làm lãi suất chiết khấu. Lợi suất trái phiếu Chính phủ tăng cũng khiến một số ngân hàng đã đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu trong giai đoạn lợi suất thấp trước đây đối mặt với các khoản thua lỗ từ hoạt động truyền thống này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều ngân hàng chật vật thoái vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO