Toàn cảnh

Ngành ngân hàng cần 750.000 nhân lực công nghệ vào năm 2026

Thiên Dung 17/07/2025 13:15

Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, ngành ngân hàng Việt Nam đang đối mặt với nhu cầu nhân lực công nghệ ngày càng lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực như fintech, tài sản số, AI, blockchain và an ninh mạng.

Tại Diễn đàn “Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ” diễn ra ngày 16/7 tại Hà Nội, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng cho biết: “Chưa bao giờ ngành ngân hàng khát nhân lực an ninh công nghệ thông tin như hiện nay. Hoạt động ngân hàng đã thay đổi hoàn toàn trong thời đại số, từ mô hình vận hành đến cách thức quản trị, giám sát, và đặc biệt là yêu cầu về nhân sự”.

Pho-thong-doc NN Pham Tien Dung
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Diễn đàn

Nếu năm 2017, chỉ khoảng 31% người trưởng thành ở Việt Nam có tài khoản ngân hàng thì hiện con số này đã tăng lên 87%, tương đương khoảng 200 triệu tài khoản. Khối lượng giao dịch tài chính hàng ngày đạt từ 50 đến 100 triệu lượt, phần lớn qua kênh số. Trên 90% giao dịch khách hàng được thực hiện trực tuyến, cho thấy mức độ số hóa sâu rộng trong toàn ngành.

Sự thay đổi này buộc các ngân hàng phải tái cấu trúc tổ chức, xây dựng quy trình nghiệp vụ thông minh và thành lập các khối dữ liệu riêng biệt. Các ngân hàng cũng cần một đội ngũ nhân sự vừa hiểu nghiệp vụ ngân hàng vừa am hiểu công nghệ - điều kiện tiên quyết để có thể tiếp tục tham gia cuộc chơi trong bối cảnh mới.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, trung bình từ 6 tháng đến một năm lại có một công nghệ mới ra đời. Trong xu thế đó, Việt Nam buộc phải ưu tiên phát triển các lĩnh vực như fintech, tài sản số, blockchain, AI, coi đây là các công nghệ chiến lược quốc gia.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò của các trường đại học trong việc cập nhật chương trình đào tạo: “Nếu chương trình đào tạo không thay đổi để đáp ứng yêu cầu kỹ năng mới, đặc biệt về an ninh bảo mật, sinh viên sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng từ các ngân hàng. Mật khẩu, OTP, mã xác thực đều có thể bị tấn công bằng công nghệ mới như trạm phát sóng giả lập. Những kỹ năng phòng vệ cơ bản cũng cần được đưa vào đào tạo”.

TT Bo KHCN
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh vai trò của các trường đại học trong việc cập nhật chương trình đào tạo

Dự báo đến năm 2026, ngành ngân hàng sẽ cần khoảng 750.000 nhân lực công nghệ. Đây là con số được PGS-TS. Phạm Thị Hoàng Anh - Phó giám đốc Học viện Ngân hàng đưa ra tại diễn đàn. Tuy nhiên, nguồn cung nhân lực công nghệ thông tin hiện chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là các vị trí có chuyên môn sâu. Sự thiếu hụt này đang làm chậm quá trình ứng dụng công nghệ trong các ngân hàng.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng các công nghệ như chuyển đổi số, AI, blockchain không còn là xu hướng mà đã trở thành vấn đề thời đại. Ông cảnh báo nếu Việt Nam không đẩy nhanh đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực này thì giấc mơ chuyển mình trong kỷ nguyên số sẽ khó trở thành hiện thực.

Ở góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Dự báo 10 năm tới, AI chưa thể thay thế con người. Những quyết định quan trọng liên quan đến môi trường kinh doanh, luật pháp, kinh tế vĩ mô... vẫn cần trí tuệ, đạo đức và phán đoán của con người. Chuyển đổi số cần đi cùng với nâng cao chất lượng nhân lực”.

Diễn đàn cũng ghi nhận nhiều ý kiến từ các đại diện ngân hàng, tổ chức đào tạo, chuyên gia… về mô hình đào tạo linh hoạt, kết hợp giữa nhà trường - doanh nghiệp - cơ quan quản lý, nhằm giữ chân và phát triển đội ngũ nhân tài công nghệ trong ngành ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành ngân hàng cần 750.000 nhân lực công nghệ vào năm 2026
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO