Theo ý kiến của giới phân tích thì thị trường đã chạm đáy của đợt điều chỉnh lần này. Liệu có thật như vậy?
Về cơ bản, để chạm đáy thì thị trường phải trải qua những phiên rơi nhanh với khối lượng xả hàng lớn mà không có lực đỡ nào. Sau đó sẽ là những phiên bật tăng kỹ thuật nhưng thanh khoản rất yếu, và lực phục hồi sớm yếu dần giúp bên bán tiếp tục thắng thế. Nó thường được gọi là những phiên bẫy tăng giá (bulltrap) nhằm dụ dỗ các nhà đầu tư nôn nóng bắt đáy dòng tiền nhập cuộc sớm.
Xu hướng giảm sau đó sẽ tiếp tục và thị trường có thể phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ cứng và rớt xuống vùng đáy sâu nhất mà đa số nhà đầu tư đều không thể ngờ tới.
Với diễn biến trong hơn một tháng qua của thị trường cho thấy dường như đang có đầy đủ các dấu hiệu như vậy, khi chỉ số VN-Index có nhiều phiên tăng giảm rất mạnh nhưng các phiên giảm luôn đi kèm với khối lượng giao dịch lớn, trong khi các phiên phục hồi thì thanh khoản rất yếu và thường sớm đảo chiều trở lại. Thị trường cũng đã có lúc rớt về dưới đường MA 200.
Tuy nhiên, việc xác định thị trường có đang ở đáy hay chưa lại không hề đơn giản, vì đó có thể là đáy ngắn hạn, chưa chắc là đáy trung dài hạn.
Thông thường vùng đáy sẽ có một số dấu hiệu mà nhà đầu tư có thể tham khảo để cân nhắc tham gia thị trường trở lại:
Thứ nhất là khối lượng giao dịch giảm ở mức gần như thấp nhất nhưng sau đó từ từ tăng trở lại, tức lực bán trở nên cạn kiệt và không nhà đầu tư nào còn muốn bán ở mức giá thấp đến như vậy, do đó bên mua sẽ sốt ruột và nôn nóng tham gia, giúp thanh khoản được cải thiện.
Thứ hai là biên độ dao động của thị trường ở vùng đáy thường rất thấp, bất chấp thông tin tốt hay xấu, vì lúc này khả năng thị trường hấp thụ thông tin rất kém mà chủ yếu phụ thuộc vào tâm lý của nhà đầu tư và dòng tiền. Thị trường ở vùng đáy cũng thường chứng kiến báo cáo tài chính của hầu hết doanh nghiệp đều cho thông tin tiêu cực và khó có thể xấu hơn nữa, trong bối cảnh các tin xấu tràn ngập và lên tới đỉnh điểm, nhưng nhà đầu tư lúc này vẫn có thể chịu đựng được và tiếp tục chấp nhận cầm hàng hoặc thậm chí mua thêm.
Thứ ba là qua các giao dịch đăng ký mua vào của các tổ chức, cổ đông lớn, cổ đông nội bộ hoặc thống kê bình quân lệnh mua có lớn hơn bình quân lệnh bán hay không. Về cơ bản, dòng tiền của các nhà đầu tư tổ chức thường có thể dẫn dắt thị trường và tạo hiệu ứng phấn khởi lôi kéo dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân tham gia theo sau.
Nếu xem xét dựa trên những dấu hiệu này thì VN-Index hiện vẫn khó có đầy đủ các yếu tố trên. Dù thanh khoản vừa qua có sự cải thiện dần nhưng biên độ dao động vẫn khá lớn, với các phiên tăng giảm lên đến hàng chục điểm và diễn biến đảo chiều rất nhanh, cho thấy dòng tiền đầu cơ vẫn hoạt động mạnh và vì vậy khó bền vững.
Thị trường cũng không phải đang trong giai đoạn đón nhận các tin xấu lên mức đỉnh điểm, mà có thể gọi là đang ở vùng trũng thông tin. Kết quả hoạt động của các doanh nghiệp vẫn thiên về xu hướng tích cực chứ không phải là xấu tới mức không thể xấu hơn được nữa.
Dòng tiền từ các nhà đầu tư tổ chức cũng chưa thấy có dấu hiệu đột biến, trong khi nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục bán ròng. Do đó đợt điều chỉnh này nếu xét theo ngắn hạn có thể kết thúc, nhưng để phục hồi bền vững thì ít nhất thị trường cần phải mất một thời gian củng cố nếu không muốn tiếp tục rớt xuống sâu hơn.
Dù vậy, với một số cổ phiếu đã rớt về mức đáy trong nhiều năm trở lại đây do chịu áp lực từ diễn biến thị trường chung, do đó đây có thể là một món đầu tư hời so với giá trị thực của doanh nghiệp mà nhà đầu tư cần xem xét.