Toàn cảnh

Câu chuyện từ Nghị quyết 68 - Góc nhìn của doanh nghiệp

Nguyễn Tu Mi (*) 18/05/2025 - 17:56

Trong đời sống kinh tế, có những thời điểm diễn ra không ồn ào, nhưng lại để lại dấu ấn đậm nét rất lâu. Với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, vừa được ban hành đầu tháng 5 năm 2025, có thể xem là một cột mốc như vậy, lặng lẽ nhưng đầy sức nặng.

Có lẽ đây là lần hiếm hoi khu vực kinh tế tư nhân, vốn từ lâu vẫn âm thầm góp sức cho nền kinh tế, được ghi nhận một cách chính thức, rõ ràng và công bằng đến thế.

Không còn là những lời hô hào hình thức, cũng không phải kiểu động viên khích lệ “cho có”, Nghị quyết 68 đã khẳng định dứt khoát: kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển đất nước. Với những người đang ngày đêm lèo lái con thuyền doanh nghiệp, vật lộn giữa những cơn sóng gió áp lực vốn - thuế - nhân sự - thị trường…, thì đây thật sự là một sự tiếp sức đúng lúc. Nó không chỉ củng cố thêm niềm tin, mà còn khơi dậy lòng tự hào của người doanh nhân.

Không chỉ nói, mà đi cùng hành động

Cảm xúc là một chuyện, nhưng điều khiến giới doanh nhân thật sự trân trọng là Nghị quyết 68 không dừng lại ở lời khẳng định. Nó còn đi kèm với định hướng và chính sách rất cụ thể, có thể “cầm - nắm - làm”.

- Tham gia từ gốc: Doanh nghiệp tư nhân được mời tham gia ngay từ giai đoạn lập quy hoạch, không còn đứng ngoài cuộc chơi, mà được góp tiếng nói ngay từ vạch xuất phát. Tôi nhớ có dịp dự tọa đàm do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức, có lãnh đạo TP.HCM tham dự, có sự hiện diện của rất nhiều doanh nghiệp như Lê Thành, Cơ khí Duy Khanh, Nam Long Group... giờ đây, tiếng nói của khu vực tư nhân không còn là “nghe cho có”, mà đã được hỏi ý kiến, được lắng nghe một cách chính thức.

- Gỡ nút thắt đất đai: Câu chuyện tiếp cận đất đai, bao năm qua là bài toán nan giải, sẽ được điều chỉnh theo hướng minh bạch và công bằng hơn, chẳng hạn như Công ty TNHH Cơ khí A67 (một doanh nghiệp cơ khí nhỏ ở quận Bình Thạnh), từng mất gần hai năm chỉ để chạy làm thủ tục thuê đất mở rộng nhà xưởng. Với chính sách mới, hy vọng hành trình đó sẽ không còn là “canh bạc may rủi”.

- Mở rộng nguồn vốn: Ngoài ngân hàng, giờ đây doanh nghiệp có thêm lựa chọn như trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư địa phương…, Công ty Cổ phần Xây dựng Thành Đô Group, một doanh nghiệp xây dựng lâu năm tại quận Bình Thạnh, Tp.HCM, từng chia sẻ về nỗi khó khi tiếp cận vốn để vận hành. Nay, nếu có thêm “kênh dẫn vốn” mới, những doanh nghiệp truyền thống như vậy sẽ có thêm lực để chuyển mình phát triển.

Nghị quyết 68 - Sức bật cho nền kinh tế tư nhân Việt Nam | Vietstock

- Trao quyền, giảm xin - cho: Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Nếu thủ tục hậu kiểm được thực hiện đúng tinh thần cải cách, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được thời gian quý báu để tập trung vào sản xuất, điều mà ai làm doanh nghiệp cũng đều mong muốn.

- Mở cửa những “vùng cấm cũ”: Tư nhân được khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng, năng lượng tái tạo, những lĩnh vực trước đây gần như khép kín.

- Không quên doanh nghiệp nhỏ: Các chính sách hỗ trợ về kế toán, chuyển đổi số, pháp lý... cũng được thiết kế riêng cho doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh cá thể. Trong một buổi huấn luyện chuyển đổi số của chương trình Cà phê sáng thứ năm do Hội Doanh Nghiệp quận Bình Thạnh tổ chức, tôi thấy rất nhiều anh chị chủ tiệm nhỏ, từ cơ sở in ấn, thương mại đến tiệm kim hoàn vô cùng hào hứng khi được hướng dẫn cách lưu trữ sổ sách, bán hàng qua phần mềm. Đó là những chuyển động thầm lặng, nhưng rất đáng quý.

Những điểm chạm nhân văn

Nghị quyết 68 không chỉ có cơ chế, mà còn có những điểm chạm đầy nhân văn, rất “đời”, rất sát với tâm tư người làm doanh nghiệp:

- Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự hợp pháp. Một doanh nhân trong ngành thương mại, mà tôi không tiện nêu tên, từng tâm sự rằng: “Làm kinh doanh nhưng trong lòng cứ thấp thỏm vì chuyện làm ăn kinh tế mà có thể bị hình sự hóa, thì không ai dám mạo hiểm để phát triển kinh doanh?”

- Giới hạn thanh tra, kiểm tra không quá một lần mỗi năm, giúp doanh nghiệp an tâm vận hành, tránh bị xáo trộn.

- Mục tiêu GDP rõ ràng: Khu vực tư nhân được định hướng sẽ đóng góp 55 - 58% GDP vào năm 2030.

- Đưa tư nhân ra biển lớn: Đặt mục tiêu có ít nhất 20 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam góp mặt trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Truyền thông - người bạn đồng hành

Một điểm rất đáng trân trọng là Nghị quyết 68 dành vai trò nhất định cho truyền thông. Báo chí không chỉ phản ánh, mà còn cần phải đồng hành, phản biện và lan tỏa tinh thần đổi mới của doanh nghiệp.

Khi truyền thông được lắng nghe và kể lại đúng những câu chuyện từ thực tế, thì lúc đó xã hội sẽ nhìn doanh nghiệp bằng con mắt công bằng hơn, điều mà không ít người làm kinh doanh mong mỏi từ lâu.

Gọi đúng tên, đặt đúng vai, trao đúng niềm tin

Không ai kỳ vọng một nghị quyết sẽ thay đổi mọi thứ chỉ sau một đêm. Nhưng việc được nhà nước gọi đúng tên, đặt đúng vai và trao niềm tin, với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, đó đã là một sự ghi nhận lớn lao.

Nó mở ra một chương mới, nơi doanh nghiệp tư nhân không còn là “lực lượng bổ trợ” mà đã thật sự trở thành một trụ cột của nền kinh tế. Hành trình phía trước còn nhiều thử thách. Nhưng nếu có điểm tựa là sự thấu hiểu và đồng hành, doanh nghiệp sẽ không chỉ lo chuyện lời - lỗ, mà còn sẽ là những thành viên góp phần viết nên một Việt Nam tự chủ, hiện đại và phát triển bền vững.

(*) Chủ tịch Hội Doanh Nghiệp quận Bình Thạnh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Mi Hồng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Câu chuyện từ Nghị quyết 68 - Góc nhìn của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO