Tái cấu trúc - sự sống còn của doanh nghiệp

Nguyễn Loan| 26/06/2020 00:33

Giải pháp tái cấu trúc (TCT) doanh nghiệp (DN) và quyết tâm của doanh nhân sau đại dịch Covid-19 là nội dung thảo luận giữa một số chuyên gia kinh tế, nhà quản lý với các CEO do Câu lạc bộ Các nhà kinh tế TP.HCM (VEC) thuộc Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM vừa tổ chức.

Tái cấu trúc như thế nào?

Năm tháng đầu năm 2020, cả nước có 26.000 DN phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 16.500 DN ngừng hoạt động chờ giải thể, gần 6.100 DN đã hoàn tất thủ tục giải thể (đáng chú ý có tới 87 DN quy mô vốn trên 100 tỷ đồng). Đây là thực trạng đau lòng bởi tác động của đại dịch Covid-19.

CEO Đặng Đức Thành - Chủ tịch VEC nhìn nhận, cùng với việc đứt gãy chuỗi cung, Covid-19 làm cho hầu hết DN rơi vào tình trạng đứt gãy thị trường và buộc cắt giảm lao động. Khoảng 74% số DN được khảo sát bày tỏ lo ngại trước nguy cơ phá sản nếu hết tháng 6 chưa tuyên bố chấm dứt dịch bệnh hoàn toàn.

4X2A8432-1777-1593140581.jpg

Mục tiêu chung của TCT DN đòi hỏi quá trình tổ chức, sắp xếp lại DN để hoạt động hiệu quả hơn dựa trên nền tảng về sứ mệnh, tầm nhìn và định hướng chiến lược đã đặt ra, bao trùm từ tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, tài chính, sản xuất, kinh doanh, marketing cho đến cơ chế quản lý, điều hành.

TCT DN có thể được triển khai toàn diện hoặc từng lĩnh vực cụ thể. Trước mắt, DN cần tập trung vào TCT chiến lược kinh doanh, TCT nguồn vốn, bởi giai đoạn này cần xây dựng lại chiến lược và cơ cấu vốn cho phù hợp với điều kiện thực tế. Cho dù huy động vốn theo cách thức nào cũng phải tuân thủ nguyên tắc chi phí thấp và sử dụng hiệu quả, đúng kế hoạch.

Để huy động được nguồn vốn như mong đợi, DN phải quản trị theo các chuẩn mực chung của thế giới, đặc biệt chú trọng tính công khai, minh bạch mới có thể sớm niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đối với các DN nhỏ, siêu nhỏ hay hộ kinh doanh, phải chuẩn hóa quy trình vận hành, quản trị về kế toán, tài chính, đào tạo nhân viên, bán hàng. DN quy mô vừa và lớn, thông qua cải cách bộ máy, quy trình, chiến lược kinh doanh cần phải đào tạo lại lực lượng lao động để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển khi dịch bệnh kết thúc.

Chuyển đổi số

Đại dịch Covid-19 cũng là cơ hội để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong một số lĩnh vực kinh doanh như thương mại điện tử, giao hàng nhanh... Chuyển đổi số góp phần thay đổi cách làm việc và tăng năng suất, chuyển từ làm việc trực tiếp sang trực tuyến (online), làm việc từ xa.

Tuy nhiên, với hầu hết DN nhỏ và siêu nhỏ, chuyển đổi số còn khá chậm do thiếu nguồn lực, cơ sở hạ tầng yếu kém, không đồng bộ, đặc biệt là nhận thức và quyết tâm của lãnh đạo chưa cao. Do đó, DN chỉ đơn thuần áp dụng công nghệ số vào quản lý, vận hành giản đơn chứ chưa xem việc chuyển đổi số như một bước đột phá về phương thức và mục tiêu kinh doanh nhằm đạt hiệu quả cao với mức chi phí tối thiểu. Trên thực tế, áp dụng công nghệ thông tin không phức tạp như nhiều người e ngại, thậm chí cả những hộ kinh doanh cũng có thể thao tác khá dễ dàng thông qua mạng Internet, máy tính bảng hay điện thoại thông minh. Với các phần mềm tiện ích, DN có thể tham gia bán hàng trên các trang thương mại điện tử như Amazon, Alibaba, Lazada, Tiki, Sendo... hoặc thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo; họp hành, trao đổi công việc, giao việc, làm việc nhóm qua Skype, Viber, Messenger, WhatsApp, Team... Tiện ích của việc sử dụng các công cụ này là nhanh chóng, thuận tiện, chi phí thấp (hầu hết miễn phí) giúp DN tiết kiệm đáng kể chi phí, thời gian, không gian làm việc.

Đối với DN lớn, đầu tư chuyển đổi số toàn diện đòi hỏi chi phí cao và cần nguồn nhân lực am hiểu công nghệ, nhưng đây là cách đầu tư mang lại hiệu quả cao hơn cả mong đợi. Nó còn giúp DN tiếp cận nhanh chóng các mô hình kinh doanh tối ưu và phương thức sản xuất hiện đại, tiên tiến trên thế giới.

Thay đổi để phát triển

DN khó mà trụ vững nếu không có doanh thu đủ bù đắp các khoản chi như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... Trong đại dịch đã có gần 30% DN giảm từ 20-50% doanh thu, 60% DN mất hơn một nửa doanh thu; nhiều DN sụp đổ, nhưng cũng có nhiều DN tự thay đổi chính mình để biến nguy nan thành cơ hội.

Theo ông Hàng Nhật Quang - Phó tổng thư ký VEC, trước hết phải đổi tư duy lãnh đạo, tư duy quản lý, chuyển đổi từ mô hình làm việc truyền thống sang phương thức giao việc, làm việc nhóm thông qua các ứng dụng số, đẩy nhanh tiến độ, hiệu suất, doanh số bán hàng...

TCT DN đòi hỏi ý chí và tinh thần doanh nhân. Mỗi khi đối mặt với khó khăn, thử thách thì DN Việt Nam lại vươn lên mạnh mẽ. Cho dù nhận định đó không phải đúng ở mọi lúc, mọi nơi nhưng sự nỗ lực, không bỏ cuộc của doanh nhân đóng vai trò quyết định thành công của DN. Vấn đề còn lại là các chủ DN phải quyết định hướng đi đúng và hành động kịp thời, tạo đột phá, chuyển bại thành thắng.

Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam: Ba mục tiêu thu hút đầu tư

8-5208-1593140581.jpg

Thu hút nguồn vốn của kênh đầu tư chứng khoán, sớm đưa TP.HCM thành thị trường chứng khoán trung tâm của cả nước. Thu hút đầy tư lĩnh vực công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, sản xuất linh kiện cho các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, Apple, Siemen, LuxStar Precision Industry... Thu hút đầu tư vào các nhà máy xí nghiệp sản xuất nguyên vật liệu phục vụ cho xuất khẩu, chế biến nông sản, thủy hải sản, thực phẩm phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Tôi lấy ví dụ, xuất thô 1kg cà phê trung bình 2 USD nhưng rang 1kg xuất khẩu sẽ thu về 5 USD, chế biến thành cà phê hòa tan cho nguồn thu thu 7-8 USD/kg. Muốn làm được điều đó, cần đẩy nhanh và đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo điều kiện sẵn sàng cho nhà đầu tư; hoàn thiện nhanh hạ tầng cơ sở cho logistics, giao thông, hệ thống 4G-5G gắn liền với an ninh mạng.

Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM: Đổi mới với tinh thần doanh nhân

Chu-Tien-Dung-3538-1593140581.jpg

Thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với DN trong điều kiện hiện tại. Vấn đề đặt ra của câu chuyện tái cấu trúc DN là bản thân người doanh nhân phải quyết tâm đổi mới để vượt qua những khó khăn thách thức hiện tại. Đánh giá lại môi trường, khó khăn, thuận lợi và xu hướng phát triển đối với lĩnh vực kinh doanh của DN mình. Xây dựng chiến lược trung và dài hạn, tranh thủ cơ hội mới mà môi trường kinh doanh trong nước và thế giới mang lại. Chuyển đổi phương thức quản trị kinh doanh truyền thống sang môi trường thương mại điện tử và công nghệ số. Đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ nhân sự đáp ứng yêu cầu mới. Xây dựng, quản lý tốt mục tiêu chiến lược với chi phí thấp nhất, lấy hiệu quả công việc làm thước đo cho sự phát triển bền vững cho DN.

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - nguyên Giám đốc Chiến lược Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT): Phải tự giải thoát bằng ứng dụng công nghệ số

Lấy câu chuyện Công ty GenViet - thương hiệu thời trang jeans, tôi muốn chia sẻ các cách "tự giải thoát" của GenViet bằng ứng dụng công nghệ số thành công.

4-6141-1593140754.jpg

Thứ nhất, tái cấu trúc hệ thống cửa hàng, kinh doanh nội địa; kiểm soát tốt hệ thống cung ứng, tồn kho bằng số hóa Big Data; thay đổi cơ cấu tổ chức doanh nghiệp (DN) theo hướng cổ phần hóa, mời cổ đông lớn các nước để hướng ra cộng đồng bằng một thương hiệu toàn cầu.

Thứ hai, đầu tư mạnh vào hệ thống bán hàng online để bù đắp doanh thu offline sụt giảm. Việc đặt hàng qua website, Facebook, Zalo tăng tới 40% chỉ trong thời gian ngắn. Mở rộng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada kết hợp với việc tích cực đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi.

Thứ ba, xây dựng chương trình "giải cứu công ty" với đội ngũ "chiến binh" thời Covid-19. Từ lãnh đạo DN đến nhân viên đều tự nguyện giảm lương. Quỹ dự phòng, bảo hiểm đều được tính đến với quyết tâm cứu lấy DN. Truyền thông nội bộ được phát huy tối đa.

Thứ tư, tái cấu trúc phong cách thời trang mùa dịch (lấy khẩu trang làm điểm nhấn) cho ra đời dòng khẩu trang thời trang jeans kháng khuẩn, kháng nước và chống tia UV. Thứ năm, chuyển từ hình thức làm việc tại văn phòng sang làm việc online tại nhà. Tất cả công việc đều được quản lý bằng phần mềm chuyên nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tái cấu trúc - sự sống còn của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO