Bản tin tổng hợp

Bản tin chiều 23/7: Đề xuất ưu đãi lãi suất cho trạm sạc điện; Chính phủ sẽ rà soát toàn diện hệ thống pháp luật trong năm 2025

NH 23/07/2025 17:00

Tin tức nổi bật chiều 23/7: Đề xuất ưu đãi lãi suất cho trạm sạc điện, thúc đẩy phát triển xe xanh tại TP.HCM; Chính phủ sẽ rà soát toàn diện hệ thống pháp luật trong năm 2025; Tesla có thể mất hơn 1 tỷ USD do thay đổi chính sách dưới thời ông Trump; Đề xuất hỗ trợ 100% bảo hiểm y tế cho người từ 60 tuổi chưa nghỉ hưu tại TP.HCM; TP.HCM tăng cường kiểm tra toàn diện các cảng, bến thủy nội địa... và các tin tức đáng chú ý khác.

Đề xuất ưu đãi lãi suất cho trạm sạc điện, thúc đẩy phát triển xe xanh tại TP.HCM

Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) vừa kiến nghị mở rộng chính sách ưu đãi lãi suất cho các dự án đầu tư trạm sạc và hạ tầng hỗ trợ xe điện, nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Theo HUBA, TP.HCM cần bổ sung các hạng mục như trạm sạc, hệ thống hạ tầng xanh vào danh mục được hỗ trợ theo Nghị quyết 98 của Quốc hội và Nghị quyết 09 của HĐND TP.HCM. Đồng thời, kiến nghị mở rộng phạm vi chính sách sang cả khu vực Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong vùng liên kết.

Đề xuất dự án nhà ở hơn 500 căn, trung tâm thương mại phải có trạm sạc xe điện

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, HUBA nhấn mạnh các doanh nghiệp cần chủ động tái cấu trúc thị trường, tránh phụ thuộc vào một đối tác duy nhất. Đặc biệt, cần ứng phó linh hoạt với chính sách thuế đối ứng mới của Hoa Kỳ, kiểm soát hàng trung chuyển, vốn ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu nông sản, thủy sản và sản phẩm gỗ.

HUBA cũng kiến nghị cho phép doanh nghiệp tiếp tục sử dụng bao bì in địa danh cũ đến khi hết hàng tồn và đề xuất cập nhật hệ thống dữ liệu địa danh hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm chi phí chuyển đổi.

Chính phủ sẽ rà soát toàn diện hệ thống pháp luật trong năm 2025

Ngày 23/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2025 tại trụ sở Chính phủ. Phiên họp tập trung xem xét 8 nội dung quan trọng, gồm 7 dự án luật và đề xuất chương trình lập pháp năm 2026.

Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2025 Chính phủ sẽ tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật để sửa đổi, bổ sung các quy định còn vướng mắc, bất cập, nhằm tạo nền tảng thể chế vững chắc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nhiệm vụ trọng tâm theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư Tô Lâm.

Chính phủ rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật trong năm 2025
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp tham gia xây dựng pháp luật với tinh thần trách nhiệm cao, đảm bảo tiến độ và chất lượng. Chính phủ cũng cam kết ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành để pháp luật nhanh chóng đi vào thực tiễn.

Các dự án luật được đưa ra thảo luận gồm: Luật Lý lịch tư pháp, Luật Phòng chống ma túy, Luật Hàng không dân dụng, Luật Thương mại điện tử, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Báo chí (các bản thay thế).

TP.HCM tăng cường kiểm tra toàn diện các cảng, bến thủy nội địa

Từ ngày 22 - 26/7, Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM phối hợp với Phòng CSGT và Trung tâm Quản lý đường thủy tổ chức đợt kiểm tra toàn diện tại các cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn.

Trong ngày đầu, đoàn công tác tiến hành kiểm tra thực tế tại các bến: buýt đường thủy số 1 (Công ty TNHH Thường Nhật), Bến tàu cao tốc Bạch Đằng (Công ty TNHH Công nghệ xanh DP), và Bến thủy Cần Giờ - Vũng Tàu (Công ty TNHH MTV Quốc Chánh).

Tổng kiểm tra bến thủy nội địa hoạt động không phép từ ngày 1/7

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận một số hạn chế như: vị trí bố trí phao cứu sinh chưa hợp lý, thiếu đèn tín hiệu cứu hộ. Các đơn vị khai thác được yêu cầu tăng cường thiết bị cứu nạn, hướng dẫn thoát hiểm và đảm bảo nghiêm các điều kiện kỹ thuật, an toàn.

Đây là hoạt động triển khai Chỉ thị 14/CT-UBND, nhằm siết chặt công tác quản lý pháp lý và an toàn giao thông đường thủy, đặc biệt trên các tuyến có mật độ cao hoặc phục vụ du lịch như: TP.HCM - Vũng Tàu, Cần Giờ - Côn Đảo, và các tuyến vận chuyển hành khách ra đảo.

TP.HCM đề xuất khôi phục tour trực thăng ngắm thành phố từ trên cao

Sở Du lịch TP.HCM vừa đề xuất UBND TP.HCM cho phép phục hồi sản phẩm du lịch “Ngắm TP.HCM từ trên cao bằng máy bay trực thăng”, nằm trong kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm 2025.

Đề xuất mở lại tour đi trực thăng ngắm TP.HCM - Du lịch

Theo Sở Du lịch, đây là sản phẩm du lịch độc đáo, từng được thử nghiệm vào tháng 4/2022 với sự phối hợp của Bệnh viện Quân y 175, Công ty Trực thăng miền Nam và các doanh nghiệp lữ hành. Trong dịp thử nghiệm, 5 chuyến bay chở 80 hành khách đã được tổ chức, mang lại phản hồi tích cực. Tuy nhiên, đến nay tour này vẫn chưa được triển khai thường xuyên do vướng mắc thủ tục xin phép bay và thời gian cất hạ cánh.

Để tái khởi động, Sở Du lịch kiến nghị xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Đồng thời, hoạt động này cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành liên quan để đảm bảo an toàn, hiệu quả và đúng quy định. Tour trực thăng được kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn mới trong sản phẩm du lịch cao cấp của TP.HCM.

Đề xuất hỗ trợ 100% bảo hiểm y tế cho người từ 60 tuổi chưa nghỉ hưu tại TP.HCM

Bảo hiểm xã hội TP.HCM vừa đề xuất UBND TP.HCM hỗ trợ toàn bộ chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân từ đủ 60 đến dưới 75 tuổi không thuộc diện hưu trí hoặc ngân sách nhà nước chi trả, sau sáp nhập địa giới hành chính.

Đề xuất này dựa trên cơ sở chính sách hỗ trợ cao nhất trong ba địa phương trước sáp nhập (TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu) và sẽ được xây dựng thành nghị quyết trình HĐND TP.HCM tại kỳ họp cuối năm.

de-xuat-ho-tro-kinh-phi-dong-bao.png

Ngoài ra, các nhóm khác cũng được đề xuất hỗ trợ gồm: người mắc bệnh hiểm nghèo, người thất nghiệp trên 3 tháng, trẻ mồ côi, người khuyết tật nhẹ, học sinh nghèo - cận nghèo (hỗ trợ một phần), và lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở (hỗ trợ 100% BHXH tự nguyện).

Nếu được thông qua, chính sách sẽ mang lại lợi ích cho hơn 2,85 triệu người dân, với tổng kinh phí hỗ trợ hàng năm khoảng 1.590 tỷ đồng. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, đạt tỷ lệ 57% người lao động tham gia BHXH và 95% dân số có BHYT.

TP.HCM yêu cầu mở lại tỉnh lộ 743 để gỡ ùn tắc tại nút giao Tân Vạn

Sở Xây dựng TP.HCM vừa báo cáo UBND TP.HCM về tình trạng kẹt xe nghiêm trọng tại nút giao Tân Vạn sau khi tỉnh lộ 743 bị đóng từ ngày 16/7 để phục vụ thi công đường vành đai 3 đoạn qua Bình Dương.

Việc đóng đường khiến xe container phải chuyển hướng vào quốc lộ 1 và các tuyến nội bộ trong Khu công nghiệp dệt may Bình An, gây quá tải nghiêm trọng. Nút giao tại đây có bán kính nhỏ, không phù hợp cho xe container rẽ, dẫn đến ùn tắc kéo dài, lan sang cả tỉnh Đồng Nai.

Nút giao Tân Vạn ùn tắc nghiêm trọng, TPHCM đưa ra giải pháp cấp bách

Ngay chiều 16/7, Sở Xây dựng đã yêu cầu khẩn cấp tháo dỡ rào chắn, mở lại tỉnh lộ 743 để xe từ cầu Đồng Nai tiếp tục lưu thông như trước. Đến sáng 17/7, Sở tổ chức họp với các đơn vị liên quan, thống nhất phương án chỉ rào chắn một phần mặt đường bên hông cầu vượt, đảm bảo lối cho xe tải và container.

Đồng thời, Sở yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường song hành vành đai 3 từ cầu Đồng Nai đến tỉnh lộ 743, dự kiến hoàn thành trước 15/8. Việc đóng lại tỉnh lộ 743 chỉ thực hiện khi có tuyến thay thế hoàn chỉnh, nhằm tránh tái diễn ùn tắc ở cửa ngõ Đông Bắc thành phố.

Vĩnh Long yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Đại Ngãi

Ngày 23/7, ông Lữ Quang Ngời - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã khảo sát thực địa và nghe báo cáo tiến độ dự án cầu Đại Ngãi, công trình trọng điểm nối liền quốc lộ 54 và quốc lộ Nam sông Hậu, với tổng chiều dài hơn 15,1km.

Dự án gồm hai cầu dây văng Đại Ngãi 1 và Đại Ngãi 2, được đầu tư từ ngân sách nhà nước với tổng vốn gần 7.962 tỷ đồng. Đây là công trình cấp đặc biệt, được thiết kế với quy mô 4 làn xe.

Khởi công cầu Đại Ngãi 1 hơn 3.900 tỷ đồng nối Trà Vinh – Sóc Trăng

Theo Ban Quản lý dự án 85 (Bộ GTVT), gói thầu 15-XL bao gồm cầu Đại Ngãi 1 và các đường dẫnkhởi công từ tháng 1/2025 và hiện đạt 14% sản lượng. Tuy nhiên, dự án gặp nhiều khó khăn do khan hiếm vật liệu, thời tiết bất lợi và đặc biệt là yêu cầu kỹ thuật cao đối với hạng mục cầu dây văng.

Ban Quản lý đề nghị địa phương sớm hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại các khu vực như kè Định An và nhà điều hành. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án đúng hoặc vượt kế hoạch.

Đơn vị quản lý Công viên văn hóa Đầm Sen thua lỗ quý thứ 4 liên tiếp

Công ty CP Dịch vụ Du lịch Phú Thọ (Phú Thọ Tourist - DSP), đơn vị quản lý Công viên văn hóa Đầm Sen, vừa ghi nhận khoản lỗ hơn 9,2 tỷ đồng trong quý II/2025, đánh dấu quý thứ 4 liên tiếp có kết quả âm.

Doanh thu quý này đạt 44,2 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn tăng mạnh 67% lên gần 56,2 tỷ đồng, do thay đổi cách hạch toán khoản giảm tiền thuê đất từ Cục thuế TP.HCM, khiến lợi nhuận gộp âm hơn 12 tỷ đồng. Doanh thu tài chính cũng giảm 27% do lãi suất tiền gửi thấp.

Phú Thọ Tourist - Chủ quản Công viên văn hóa Đầm Sen bị cưỡng chế thuế hơn 3,4 tỷ đồng

Lũy kế 6 tháng đầu năm, DSP đạt hơn 90,7 tỷ đồng doanh thu (40% kế hoạch năm) nhưng lỗ gần 14,3 tỷ đồng, cách xa mục tiêu lãi 2,6 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính đến tháng 6/2025 đã gần 346,3 tỷ đồng.

Đầm Sen gây lỗ hơn 37 tỷ đồng trong năm 2024. Khó khăn kinh tế và cạnh tranh từ các khu vui chơi mới là nguyên nhân chính. DSP đang chờ hoàn tất quy hoạch để triển khai các hạng mục cải tạo, kỳ vọng cải thiện hiệu quả hoạt động và thu hút du khách.

Tesla có thể mất hơn 1 tỷ USD do thay đổi chính sách dưới thời ông Trump

Tesla đứng trước nguy cơ mất hơn 1 tỷ USD doanh thu từ tín chỉ carbon sau khi “Đạo luật to đẹp” (OBBBA) do Tổng thống Donald Trump đề xuất được thông qua, trong đó xóa bỏ khoản phạt đối với các hãng xe vượt chuẩn tiêu thụ nhiên liệu (CAFE).

Nguồn thu từ tín chỉ carbon từng là cứu cánh tài chính cho Tesla, đặc biệt khi trong quý I/2025, hãng thu về 595 triệu USD từ tín chỉ, cao gấp rưỡi lợi nhuận hoạt động cốt lõi. Tuy nhiên, các nhà phân tích từ William Blair dự báo doanh thu tín chỉ năm 2025 sẽ giảm 40%, xuống còn 1,5 tỷ USD, và có thể biến mất hoàn toàn vào năm 2027.

Việc bãi bỏ các khoản phạt CAFE và tín dụng thuế 7.500 USD cho người mua xe điện đang làm giảm sức cạnh tranh của xe điện, đồng thời gia tăng áp lực cho Tesla trong bối cảnh doanh số và biên lợi nhuận sụt giảm.

Hãng cũng đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt và ảnh hưởng từ các phát ngôn chính trị gây tranh cãi của CEO Elon Musk. Viễn cảnh mất nguồn thu từ tín chỉ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng duy trì lợi nhuận của Tesla trong tương lai.

Cherry Mỹ giảm giá kỷ lục tại TP.HCM, chỉ còn từ 189.000 đồng/kg

Từng được ví là “trái cây nhà giàu”, cherry Mỹ hiện đang được bán tại TP.HCM với mức giá rẻ chưa từng có, giảm tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại các hệ thống lớn như Aeon Mall, Co.opmart, MM Mega Market và Go!, cherry Mỹ có giá chỉ từ 189.000 đến 350.000 đồng/kg. Ngay cả loại cherry vàng cao cấp, vốn đắt đỏ, nay cũng chỉ còn khoảng 350.000 đồng/kg.

Giá cherry nhập khẩu Mỹ thấp kỷ lục

Tại Aeon Mall Bình Tân, cherry Mỹ giảm từ 499.000 đồng xuống 299.000 đồng/kg. Giá bán tùy thuộc kích cỡ, dao động từ 290.000 đến 350.000 đồng/kg cho size 8,5 - 9, riêng size 10 đặc biệt lên tới 600.000 đồng/kg. Giá hấp dẫn khiến nhiều người tiêu dùng chuyển từ “xem cho biết” sang mua thường xuyên.

Nguyên nhân giá giảm đến từ: mùa vụ ngắn khiến nguồn cung dồi dào trong thời gian ngắn, chi phí nhập khẩu giảm, sức mua yếu và sự tham gia của hình thức nhập đường biển. Đặc biệt, thuế nhập khẩu cherry Mỹ giảm từ 10% xuống 5%, cùng với việc thị trường Trung Quốc siết nhập khiến cherry Mỹ chuyển hướng mạnh vào Việt Nam, góp phần đẩy giá xuống mức thấp lịch sử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bản tin chiều 23/7: Đề xuất ưu đãi lãi suất cho trạm sạc điện; Chính phủ sẽ rà soát toàn diện hệ thống pháp luật trong năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO