Cà phê Doanh nhân HUBA là chương trình được Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) thực hiện 2 tuần/lần tại khách sạn Rex (Q.1, TP.HCM). Với chủ đề mạng xã hội và khủng hoảng truyền thông DN, chương trình lần thứ 27 này đã thu hút khá nhiều ý kiến, quan điểm về những ảnh hưởng xấu, tốt của mạng xã hội đến DN.
Phân tích chung tại buổi tọa đàm do HUBA thực hiện ngày 25/11 cho hay, căn cứ vào số liệu thống kê từ đầu năm 2017, đã có đến 50,5 triệu lượt sử dụng internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% sử dụng internet của thế giới. Vì vậy, Việt Nam đang nằm trong top những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng internet cao nhất tại châu Á.
Cùng với lượng người sử dụng internet khá lớn như vậy, nhiều ý kiến cho rằng, mạng xã hội đôi khi còn là nguồn tin của các cơ quan báo chí. Cụ thể, khi có khủng hoảng trên mạng xã hội, phải dùng báo chí truyền thống để xử lý.
Tuy nhiên, tọa đàm cũng bàn luận vấn đề hiện nay đã xuất hiện một số phóng viên, nhà báo biến chất, tạo đường dây đen, báo viết một chiều, "đánh trước tính sau". Hoặc có những trường hợp báo chí cạnh tranh nhau bằng cách độc quyền thông tin, thỏa hiệp với DN để biến DN thành "miếng mồi ngon", tạo áp lực làm tiền DN, gây hại cho các đối thủ cạnh tranh với DN...
Đây là nói về mặt trái của vấn đề, song trên thực tế, vẫn có một số trường hợp nhờ phản ánh của người dân trên mạng xã hội, báo chí đã vào cuộc và giúp họ giải tỏa được nhiều nỗi bức xúc.
Ở góc độ DN, khi nói về việc làm thế nào để hạn chế khủng hoảng truyền thông, bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food chia sẻ, lãnh đạo DN phải nắm được tình hình của DN, từ thông tin bên ngoài cho đến việc xây dựng mối quan hệ tốt với báo chí, truyền thông để có thể cập nhật cho bộ phận luật sư tình hình, diễn biến của thị trường và sản phẩm sau khi DN đưa sản phẩm ra thị trường. Ngoài ra, DN phải có bộ phận điểm tin xấu từ mạng xã hội đối với sản phẩm của DN để có thể nhanh chóng xử lý.
Một DN sẽ được ghi nhận là thành công khi có thể biến khách hàng khiếu nại thành khách hàng thân thiết. Hơn thế nữa, đối với thông tin xấu về DN, lãnh đạo DN phải có đủ bản lĩnh để xử lý triệt để vấn đề.
Trường hợp của Sài Gòn Food được xem là khá hoàn hảo khi mọi vấn đề được xử lý khép kín, bài bản, nhưng thực tế không phải DN nào cũng có thể làm được như vậy. Tại buổi tọa đàm, DN đã đặt ra các câu hỏi như: Trường hợp DN không có lỗi nhưng bị một số đối tượng lợi dụng mạng xã hội để nói xấu thì những đối tượng đó sẽ bị xử lý như thế nào? Cơ quan nhà nước nào sẽ đứng ra bảo vệ DN? Cơ quan truyền thông, báo chí không có chứng cứ nhưng đăng thông tin trên các báo làm ảnh hưởng xấu đến DN sẽ bị xử lý ra sao?...
Về những vấn đề này, trước đó, trong Hội nghị giao ban Quản lý Nhà nước quý III được triển khai hồi đầu tháng 10/2017, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã từng nhấn mạnh, không để xảy ra tình trạng báo chí bị dẫn dắt bởi các thông tin trên mạng xã hội, đưa tin không chính thống.
Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu Cục Báo chí tăng cường quản lý thông tin trong lĩnh vực báo chí, xử lý triệt để các trường hợp cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, đưa tin không đúng sự thật. Bộ trưởng cũng đề nghị Cục Báo chí tiếp tục rà soát lại tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí, đặc biệt là văn phòng đại diện cơ quan báo chí ở các địa phương, tránh tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN.