Nghệ nhân Phạm Hồng Lựu đang chỉnh sửa một cây sanh. |
Ông Võ Văn Nho, người đã có trên 40 năm làm nghề này kể: "Hiện nay có 2 dạng làm nghề, một là nhận sửa kiểng độc lập cho các 'đại gia' mê kiểng thường tính tiền công bằng hợp đồng trọn gói, có cây phải làm cả tuần mới xong với tiền công hàng chục triệu đồng; dạng thứ 2 là sửa kiểng cho các cơ sở kinh doanh hoa kiểng quy mô lớn với tiền công mỗi ngày từ 700.000 đến 1.000.000đ tùy tay nghề".
Đến nay, chưa ai có thể khẳng định nghề sửa kiểng có từ bao giờ và ai là người đầu tiên làm nghề. Nhưng nhiều bậc cao niên kể lại, nghề này đã được truyền dạy hơn trăm năm qua và hiện được xem là một trong những nghề thủ công có tiền công trả cho nghệ nhân cao nhất so với các nghề thủ công khác.
Thực tế cho thấy, rất nhiều gia đình đang sở hữu hoa kiểng đắt tiền nhưng không thể chủ động chăm sóc, cắt tỉa, sửa cành, tạo dáng cho "báu vật xanh" của mình. Từ đó, cứ vào những ngày cận tết, họ lại hợp đồng với các nghệ nhân quen biết, tay nghề cao, giá phải chăng để chăm chút cho hoa kiểng nhà mình.
Bà Công Tằng Tôn Nữ Thị Nguyệt Minh, ngụ Cao Lãnh kể: "Cứ khoảng tháng 10 âm lịch là tôi phải đặt hàng với mấy nghệ nhân ở Cần Thơ qua sửa kiểng tết. Mình 'chậm' là không có người làm cho mình đâu. Họ có tay nghề rất cao, đầu óc nhạy bén, trừu tượng, động tác thuần thục, giá cả chấp nhận được".
Tuy là nghề hái ra tiền nhưng để trở thành người có kinh nghiệm, có tay nghề, có uy tín là cả một quá trình nghiên cứu, học tập, thử nghiệm khó khăn, vất vả. Bên cạnh đó, người theo nghề còn phải hội tụ các yếu tố: yêu nghề, sáng tạo, chịu khó, nhẫn nại, cần cù, bởi mỗi lần tác nghiệp sẽ không tuân thủ lối mòn của sản phẩm đã chỉnh sửa lần trước.
Nghệ nhân Phạm Hồng Lựu, 77 tuổi, người được xem là "vua sửa kiểng" đất Tây Đô chia sẻ: "Muốn thành công ở cái nghề đặc biệt này cần những yếu tố cơ bản như có tầm nhìn xa, óc thẩm mỹ trừu tượng để định hướng cho cây phát triển theo dạng hình nào".
Bên cạnh đó, người làm phải có kiến thức tổng hợp trên nhiều lĩnh vực như am hiểu về nông nghiệp để nắm bắt quy luật phát triển của cây, cách bón phân thế nào cho phù hợp. Thêm vào đó là kiến thức về mỹ thuật để tạo dáng thích hợp cho từng sản phẩm, kiến thức về điêu khắc để vận dụng vào công đoạn tạc cây, đục đẽo hoa kiểng...
Một nghệ nhân sửa kiểng đang tác nghiệp. |
Chính vì những yếu tố khắt khe buộc phải có nên người làm nghề sửa kiểng ngày càng hiếm hoi, dẫn đến cung không đủ cầu, thậm chí có người phải làm cả ban đêm mới kịp hợp đồng với khách hàng. Riêng công việc sửa kiểng bán tết tại các cơ sở kinh doanh hoa kiểng đơn giản hơn nhiều, nên việc đòi hỏi tay nghề cao cũng hạn chế hơn.
Những loại cây kiểng mà các nghệ nhân sửa kiểng ngày tết thường nhận tác nghiệp là mai các loại, khế, nguyệt quới, sanh, cà thăng, tùng và một số loại hoa kiểng khác.
Nhiều địa phương do đã dự báo trước tình trạng khan hiếm trước mắt lẫn lâu dài của đội quân "đặc biệt" này nên đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên sâu về lĩnh vực chỉnh, sửa, tạo dáng cây kiểng. Tuy nhiên, số học viên có khả năng làm việc độc lập vẫn còn rất khiêm tốn, bởi đây là lĩnh vực tổng hợp của nhiều chuyên ngành.
Không chỉ cắt, tỉa, sửa, tạo dáng, các nghệ nhân sửa kiểng còn phải có kiến thức chuyên môn về tính chất của từng loại cây kiểng; nguồn gốc từ đâu; bón phân thế nào là hợp lý; dự hướng sinh trưởng và phát triển bộ rễ, tàng, nhánh của cây theo hướng nào để tác nghiệp đạt hiệu quả cao nhất.
Sửa kiểng ngày tết là nghề kiếm ra tiền nhưng xem ra sống được với nghề này quả không dễ chút nào.