Startup và kinh doanh quốc tế
Công việc quản lý công ty khiến Minh khá bận rộn. Đầu tuần, cuộc họp giao ban kéo dài khiến Minh có phần căng thẳng. Đang lúc giải lao, nhâm nhi cà phê thì điện thoại đổ chuông…
Đầu kia có tiếng “Chào anh”, nghe như bắt đầu quảng cáo bán nhà. Minh định tắt máy thì bên kia nói vội: “Anh ơi, cứu em với! Chỉ có anh mới giúp được em”. Minh bất ngờ nhưng vẫn nhẹ nhàng hỏi: “Em là ai, từ đâu gọi tới?”. Đầu bên kia giọng hốt hoảng: “Em là Ngọc Minh ở Công ty Pearl Limited. Em sắp mất một lô hạt tiêu. Anh ơi, giúp em với”. Minh bảo: “Chuyện thế nào, hãy bình tĩnh kể”.
Bạn Ngọc Minh kể công ty của bạn ấy mới mở và bán một container 40 feet hạt tiêu cho khách hàng ở Dubai, đây cũng là khách hàng đầu tiên của công ty. Giá trị lô hàng là 90.000 USD. Lúc mới giao dịch, khách hàng nói là cứ giao bộ chứng từ thanh toán, sau khi nhận hàng sẽ trả tiền, nhưng đã “bặt vô âm tín”. Bạn ấy sợ mất hàng và số tiền lớn quá cho nên tìm trợ giúp. Bạn ấy đến Hiệp hội Hồ tiêu, nhân viên ở đó khuyên gọi cho Công ty CP Phúc Sinh để nhờ giúp đỡ.
Minh nghe xong cảm thấy như vụ lừa đảo kinh khủng sắp xảy ra với cô gái trên điện thoại, nên bảo bạn ấy: “Em gửi name card công ty của em cho anh và anh sẽ giới thiệu chị Anny ở Văn phòng Phúc Sinh để giúp em việc này. Chị ấy có nhiều kinh nghiệm kinh doanh quốc tế và sẽ giúp em xử lý vấn đề này”.
May sao khi kết thúc cuộc họp, Anny vẫn còn ngồi làm việc. Minh nhỏ nhẹ nói: “Anny này, anh có việc nhờ em. Có bạn tên Ngọc Minh gọi cho anh, bạn ấy có vẻ rất hoảng hốt. Bạn ấy sợ sẽ mất tất cả nếu container tiêu 90.000 USD khách hàng không trả tiền. Đây là số mobile của bạn ấy. Em liên hệ nhé. Bạn ấy đang đợi mình gọi”.
Ngày hôm sau, Minh đến văn phòng và việc đầu tiên là hỏi Anny về việc hôm qua. Anny nhẹ nhàng đáp: “Anh Minh ơi, bạn này quá liều mạng, hôm qua em nói chuyện với bạn ấy cả tiếng đồng hồ. Bạn ấy mới mở công ty, bằng cách nào đó, bạn ấy kết nối ở trên mạng với Công ty A S A FOODSTUFF Trading L.L.C ở Dubai. Họ hỏi mua hạt tiêu và bạn ấy bán cho họ. Không có tiền cọc mà khách hàng bảo giao hàng thế là cứ giao. Khách hàng thì mới, thị trường này lại nhiều rủi ro”. Minh lo lắng hỏi: “Thế giờ lô hàng ấy sao rồi?”. “Bạn ấy siêu liều”, Anny nói. “Chưa hết anh, sau khi giao hàng, vận đơn sở hữu lô hàng còn để ở văn phòng forwarding chưa lấy về, nghe khách hàng dụ là họ sẽ thanh toán và nghĩ là sẽ làm telex release (chứng từ từ bỏ lô hàng) để tiết kiệm 50 USD. Đến giờ bạn ấy còn chưa lấy chứng từ về, hồ sơ vẫn nằm rải rác ở các cơ quan”.
Minh không biết nói gì vì quá bất ngờ. Tưởng dễ lại thú vị, bạn trẻ ấy mở công ty mà không có kiến thức về kinh doanh quốc tế. “Nhưng dù sao cũng phải giúp bạn ấy”, nghĩ vậy, Minh nói với Anny: “Em hãy giúp bạn ấy nhé. Hãy hướng dẫn nhiệt tình để đảm bảo họ không bị mất hàng và tìm cách bán giúp cho họ lô hàng này”. “Vâng anh”, Anny trả lời. “Em cũng bảo bạn ấy kinh doanh quốc tế phải hiểu văn hóa người mua và đặc biệt cần có kiến thức. Em còn bảo bạn ấy mua hai cuốn sách Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh và Vượt lên những con đường kinh doanh của anh để đọc”.
Kinh doanh hàng nông sản rất rủi ro, nếu không có kiến thức bị lừa như chơi. Có nhiều khách hàng không tử tế, khi giá xuống là họ xù, không thanh toán, dù đã kinh doanh với nhau vài lần. Thị trường Dubai lại là thị trường rủi ro lớn.
Sau khi nghe Minh nói, Anny đã gọi điện cho Ngọc Minh và bảo bạn ấy gửi chứng từ copy qua email để xem và hướng dẫn.
Hai ngày sau, Minh nhận được cuộc gọi của Minh Ngọc: “Chào anh Minh! Anh ơi giúp em với, không biết tình hình lô hàng giờ ra sao. Khách hàng vẫn không trả lời công ty em…”. Minh động viên cô bạn trẻ: “Cứ bình tĩnh. Anny đang xem chứng từ. Em hãy làm như hướng dẫn của Anny”. Giọng Ngọc Minh vẫn đầy lo lắng: “Vâng anh. Thế nếu khách hàng không trả tiền thì em có kéo hàng về được không?”. “Không khó lắm đâu. Dubai cũng là cảng tự do. Cái chính là tìm khách hàng bán lô hàng này và thu tiền về. Bộ chứng từ gốc sở hữu hàng hóa em lấy về rồi chứ?”. “Dạ em lấy về rồi. Và em cũng đã đọc hết hai cuốn sách của anh. Nếu trước đó em đọc hai cuốn sách ấy thì đã không mắc sai lầm tệ hại như thế này”. Minh lại động viên: “Thế là tốt rồi, giờ thì không quá lo lắng nhé. Để bên anh giúp tiếp”.
Minh lại gọi cho Anny: “Bên mình sẽ tìm khách hàng cho bên Ngọc Minh. Em hỏi giá bao nhiêu lô hàng bên Ngọc Minh nhé”.
Tuy nhiên, khi Anny hỏi Ngọc Minh thì cô ấy vẫn dùng dằng chưa muốn bán và cứ hỏi là bên chị cho giá tiêu là bao nhiêu. Anny cũng muốn giúp nhưng bên kia không nói rõ ý như thế nào.
Hai ngày sau, Ngọc Minh lại liên hệ với Minh và nói Minh bán giúp, nhưng cô ấy cũng không nói giá. Minh cảm thấy không thoải mái nên cũng không hỏi thêm nữa. Một tuần trôi qua, Minh Ngọc gọi cho Minh và nói em bán giá 2.700 USD/tấn được không. Minh hỏi lại, em bán cho khách hàng nào thì cũng là lúc điện thoại của Minh nhảy lên tin từ khách hàng thân quen bên Dubai nói là họ có người Việt đang chào bán một lô hàng hạt tiêu 1x 40’ fcl 500 sạch đang tới Dubai và hỏi Minh công ty ấy có đáng tin không. Name card hiện lên là Công ty Pearl Limited của Ngọc Minh.
Minh vẫn còn nhớ 18 năm trước Minh có giúp bán hàng cho một bạn tên Dương 6 container hạt tiêu. Trước đây, Dương là nhân viên của công ty Minh, sau đó rời công ty và qua làm cho công ty khác cùng ngành với Công ty Phúc Sinh của Minh. Khi Dương bị khách hàng Singapore xù nợ, đã đến văn phòng Minh khóc xin nhờ giúp. Và khi tìm được khách cho công ty của Dương cũng tại Singapore. Khách hàng Singapore chấp nhận mua và thanh toán. Tuy nhiên, khi kiểm hàng, chất lượng không tốt họ quay ra bắt Minh phải chịu trách nhiệm. Khi Minh liên hệ Dương, Dương phủi tay và còn "chửi" Minh rồi cúp máy. Sau đó Minh liên hệ với sếp của Dương là anh Dụ, nhưng sau khi hứa sẽ xem xét thì cả hai đều mất tích không dấu vết.
Sự việc có phần na ná cho nên khi kỷ niệm ùa về làm Minh hơi dao động. Sau việc này Minh tự nói phải cẩn thận hơn và Minh cũng trình bày mọi thứ với khách hàng bên Singapore. Họ nói lý do họ mua dễ dàng như vậy là uy tín từ Minh và Công ty Phúc Sinh. Họ cứ nghĩ Minh biết công ty của Dương lâu rồi, sau khi xem xét và hiểu toàn bộ câu chuyện họ cũng không bắt Minh phải chịu trách nhiệm gì nữa.
Minh sau đó trả lời cho khách hàng ở Dubai là lô hàng này có chứng thư giám định của công ty uy tín, vậy cũng khá tốt. Tuy nhiên, Pearl Limited lại không phải là nhà sản xuất mà là nhà thương mại, tuy không tin 100% nhưng theo Minh nghĩ chất lượng tạm ổn.
Ngọc Minh lại liên lạc với Minh hỏi về công ty Dubai có tốt không, có uy tín không. Vì là khách hàng lâu năm của công ty Minh, nên Minh nói là họ kinh doanh được đấy và họ khá uy tín.
Rồi sau đó cả hai không liên lạc với công ty Minh nữa. Hai tháng sau, vào hôm tối muộn, Minh nhận được tin nhắn của Ngọc Minh: “Em cám ơn anh Minh và Công ty Phúc Sinh. Em đã giải quyết lô hàng xong rồi, bán được cho khách hàng và đã nhận được đủ tiền. Anh đã giúp em vô cùng nhiệt tình mặc dù anh chưa biết em là ai”...
(*) Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group