Yếu tố số một để nhân viên vui vẻ và làm tốt công việc
Người lãnh đạo làm cho nhân viên vui vẻ không chỉ nâng cao hiệu suất tổng thể, mà cuối cùng còn cải thiện được cả hoạt động kinh doanh.
Hàng loạt nghiên cứu đều cho thấy, khi nhân viên cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc, họ sẽ làm việc chăm chỉ hơn. Niềm vui cũng giúp con người làm việc thông minh hơn và dẫn đến hiệu suất làm việc cao hơn, theo một nghiên cứu quy mô lớn tại Mỹ.
Ngược lại, một khảo sát trên khoảng 60.000 người của Anphabe năm 2022 cho thấy, hơn 40% người đi làm ở trong trạng thái căng thẳng, từ thường xuyên cho đến rất thường xuyên. Kết quả, sự gắn kết giữa công ty và người đi làm cũng theo đó mà "đứt gánh", khi tỷ lệ nhân viên không tìm thấy niềm vui có ý định nghỉ việc cao hơn tới 250% so với những người ít bị căng thẳng thường xuyên và cảm nhận được niềm vui tại nơi làm việc.
Xét trên quan điểm của nhà tuyển dụng và lãnh đạo, ai cũng muốn nhân viên của mình gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và làm tốt phần việc của họ, song nếu không thể mang đến niềm vui cho nhân sự thì sớm muộn gì cũng phải "chia tay". Thế nên, người lãnh đạo khiến nhân viên của mình không vui không chỉ làm giảm hiệu suất làm việc tổng thể, mà rốt cuộc còn gây ảnh hưởng đến chính hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Trên thực tế, một khảo sát của Fortune xem xét các công ty thuộc nhóm 100 doanh nghiệp được nhân viên yêu thích giai đoạn 1998-2005 đã phát hiện ra rằng, giá trị vốn hóa của các công ty này đã tăng 14% so với mức bình quân 6% trên thị trường. Tất nhiên, có nhiều yếu tố để giá trị vốn hóa thị trường của một doanh nghiệp tăng lên, song điều này ít nhiều cho thấy khi nhân viên tìm thấy niềm vui và yêu mến công ty, hoạt động kinh doanh thực sự sẽ được cải thiện.
"Khi nhân viên cảm thấy công ty đặt lợi ích của họ làm trọng tâm, thì ngược lại họ sẽ lấy lợi ích của công ty làm trọng tâm", nhà tâm lý học Noelle Nelson nhận xét. Do đó, sự dẫn dắt và làm cho nhân viên cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, nghiễm nhiên trở thành một trong những công việc quan trọng của nhà quản trị.
Yếu tố quan trọng hơn cả lương lẫn vị trí
Vậy nên thực hiện điều này như thế nào? Nên trả lương nhiều hơn? Cải thiện chính sách đãi ngộ? Tập trung vào hoạt động team building và xây dựng văn hóa, hay loại bỏ những "thành viên gây rối"? Lương, văn hóa doanh nghiệp, chế độ đãi ngộ rõ ràng là các yếu tố quan trọng, nhưng đây lại không phải điều quan trọng nhất, theo GS. Arthur Brooks thuộc Trường Kinh doanh Harvard.
Khi được hỏi "chính xác thì loại công việc nào khiến người ta cảm thấy hạnh phúc", vị giáo sư khẳng định yếu tố số một làm nhân viên cảm thấy vui vẻ, để giúp họ làm việc năng suất hơn và giữ chân họ lại doanh nghiệp là cảm giác được công nhận thành tựu.
Theo đó, việc một người được nhận mức lương nhiều hơn và đề bạt lên vị trí cao hơn không đồng nghĩa với việc cảm thấy vui mừng hơn. Dù là nhân viên cổ cồn xanh hay trắng, mức độ hạnh phúc trong công việc là như nhau. Tương tự, các tổ chức phi lợi nhuận và vì lợi nhuận đều có mức độ hài lòng về công việc gần như ngang nhau.
Những người có niềm vui lớn nhất từ công việc cảm thấy như họ đang gặt hái thành công. Đây là điều khiến họ nghĩ rằng bản thân đang tạo ra giá trị cả trong cuộc sống lẫn trong công việc, rằng những thành tựu của họ đang góp phần làm nên sự thay đổi, cùng sự thật rằng họ đang được công nhận vì các thành tựu đó.
Authur Brooks - Giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard
Nói cách khác, hạnh phúc là khi biết rằng công việc của bản thân quan trọng và được ai đó chú ý. Do đó, những nhân viên vui vẻ đều "cảm thấy như bản thân đang giúp đỡ người khác nên mới được cần đến".
"Yếu tố số một mà nhà lãnh đạo có thể thực hiện trong hoạt động tuyển dụng và giữ chân nhân sự là đảm bảo rằng công ty xây dựng được một hệ thống cho phép tất cả nhân viên gặt hái thành công thông qua các giá trị họ mang lại cũng như được công nhận thành tựu cá nhân... Những điều này hết sức quan trọng", ông Brooks nói.
Cảm giác có ý nghĩa quan trọng hơn tiền bạc
Nhiều người có thể có suy nghĩ rằng, chẳng phải sự ban thưởng bằng tiền đã là một sự công nhận thành tựu rồi hay sao? Đương nhiên, việc trả lương một cách tương xứng cho nỗ lực của nhân viên là tốt, song còn nhiều cách khác ngoài tiền thưởng để giúp họ nhận ra giá trị mà bản thân mang lại khi làm việc xuất sắc.
Adam Grant - chuyên gia tâm lý học tổ chức, giáo sư tại trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania cùng đồng nghiệp đã tiến hành một thí nghiệm sau: nhóm nghiên cứu đưa một người có học bổng được trả bằng tiền do nhân viên tổng đài chăm sóc khách hàng gây quỹ đến để nói chuyện với các nhân viên đó về giá trị mà khoản học bổng mang lại. Kết quả, doanh thu đột ngột tăng 20% sau khi những nhân viên ấy biết được nỗ lực của họ đã làm thay đổi cuộc đời ai đó như thế nào.
Thế nên, như GS. Brooks đã chỉ ra, yếu tố số một để nhân viên vui vẻ và làm tốt công việc là cảm giác thành công khi biết rằng công việc của họ thực sự quan trọng và được người khác chú ý. Do đó, trước khi phân vân về việc liệu có nên triển khai một chương trình team building mới hay cải thiện chính sách đãi ngộ hiện có hay không, hãy chắc chắn rằng nguyên tắc cơ bản nói trên được thỏa mãn.
Nếu đội ngũ của bạn không cảm nhận được rằng công việc của họ mang đến giá trị và thành tựu cá nhân của họ được ai đó công nhận, thì chắc chắn họ sẽ không bao giờ thực sự cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc trong công việc của mình.