Đào tạo

Sinh viên được tiếp cận thực tế của doanh nghiệp ngay trên giảng đường

Hà Thủy 22/02/2025 12:46

Thông tin trên được PGS - TS. Nguyễn Trúc Lê - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ tại hội thảo “Công bố các chuyên ngành trong chương trình đào tạo ngành kinh tế phát triển tại Trường đại học Kinh tế theo chuẩn quốc tế” diễn ra chiều 21/2, tại Hà Nội.

Tham dự hội thảo có hơn 30 lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại sứ quán Hoa Kỳ, tổ chức quốc tế, giáo sư quốc tế đến từ Anh quốc và Nhật Bản, cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương, trường đại học trong nước và quốc tế, hiệp hội và tổ chức khởi nghiệp…

PGS - TS. Nguyễn Trúc Lê thông tin, năm 2025, Trường Đại học Kinh tế tuyển sinh 5 chuyên ngành đào tạo thuộc ngành kinh tế phát triển, gồm: Phân tích dữ liệu kinh tế và chính sách, Kinh tế dịch vụ và du lịch, Kinh tế tài nguyên môi trường và bất động sản, Kinh tế đầu tư và phát triển, Hệ thống thông tin kinh tế và khoa học dữ liệu. Đây là các lĩnh vực phù hợp với xu thế quốc tế, đóng góp vào sự phát triển bền vững của nước nhà.

thumb.png
PGS - TS. Nguyễn Trúc Lê chia sẻ về chương trình đào tạo ngành kinh tế phát triển của trường

Bên cạnh đó, chuyên ngành trong chương trình được thiết kế để giúp sinh viên không chỉ nâng cao kỹ năng mà còn có những góc nhìn đa chiều về thực tiễn, nhà trường hợp tác với các doanh nhân, giảng viên giàu kinh nghiệm thực tế để mang đến những bài giảng chất lượng.

“Mỗi tiết học sẽ là cơ hội để sinh viên được học hỏi từ những chuyên gia trong ngành”, PGS - TS. Nguyễn Trúc Lê thông tin.

Theo PGS.TS. Nguyễn An Thịnh - Trưởng Khoa Kinh tế phát triển, thị trường lao động hiện nay có nhu cầu cao về nguồn nhân lực có chuyên môn trong lĩnh vực kinh tế phát triển. Điều này xuất phát từ tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của các quốc gia, đặc biệt ở các nước đang phát triển, kéo theo nhu cầu giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội ngày càng phức tạp, đòi hỏi sự phân tích và giải pháp khoa học.

“Triết lý giáo dục của các chuyên ngành lấy người học làm trung tâm, đảm bảo quốc tế hóa toàn diện. Chương trình được thiết kế để đáp ứng tối thiểu chuẩn đầu vào của các cơ quan tuyển dụng”, ông Thịnh nói.

Sự kiện nhận được sự đồng thuận và ủng hộ từ các nhà khoa học, doanh nhân về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

trang.png
Sinh viên xuất sắc của Khoa Kinh tế phát triển Lê Huyền Trang, đại diện 24 triệu học sinh và sinh viên toàn quốc tặng hoa Tổng Bí thư Tô Lâm nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024. Ảnh: BTC

Ông Lê Xuân Tuyến - Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ HiNET Việt Nam, cho biết, việc mời các doanh nhân, chuyên gia vào giảng dạy không chỉ giúp sinh viên tiếp thu kiến thức chuyên môn mà còn giúp họ định hướng nghề nghiệp từ sớm, tiếp cận với những kỹ năng thực tế và kinh nghiệm quý báu.

Bên cạnh đó, ông đề xuất một số chiến lược phát triển, trong đó có việc xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá dựa trên sự tham gia của ba bên: nhà trường, doanh nghiệp và sinh viên, bao gồm cả sinh viên đang học và đã tốt nghiệp.

"Việc này sẽ giúp nhà trường có cơ sở dữ liệu vững chắc để điều chỉnh và nâng cao chất lượng đào tạo một cách bền vững. Đôi khi, những lời khuyên từ các doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp lại có sức ảnh hưởng lớn hơn cả sự định hướng từ gia đình”, ông Tuyến nhận định.

Cấu trúc chương trình đào tạo ngành Kinh tế phát triển và các học phần được tham khảo từ chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao ngành Kinh tế và Phát triển Quốc tế của Trường Đại học Sussex (Vương quốc Anh). 30% giảng dạy bằng tiếng Anh, chú trọng nghiên cứu khoa học, tăng cường hành phân tích định lượng và ứng dụng AI.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sinh viên được tiếp cận thực tế của doanh nghiệp ngay trên giảng đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO