Gỡ khó cho tín dụng bất động sản
Thủ tướng yêu cầu NHNN tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản với các doanh nghiệp bất động sản và người mua, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 03 ngày 27/1.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát, đề xuất các biện pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và chuẩn bị tổ chức "Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản", báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/2 năm 2023 tới đây.
Ngoài việc gỡ khó tín dụng cho bất động sản, lãnh đạo Chính phủ lưu ý dòng vốn của các nhà băng phải "chảy" vào các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, kinh doanh, các ngân hàng cũng phải giảm chi phí để ổn định lãi suất, giảm lãi suất cho vay. Bất động sản là ngành đang đóng góp 11% GDP, có quan hệ mật thiết với nhiều ngành nghề, tạo ra nhiều việc làm. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường này gặp không ít khó khăn khi dòng vốn tín dụng bị siết lại, cung dư thừa so với nhu cầu và thị trường còn thiếu minh bạch... Những yếu tố này khiến giao dịch bất động sản giảm, nhiều dự án ngừng trệ không tiếp tục triển khai do đói vốn.
Thống kê mới đây của Bộ Xây dựng cho thấy, gần 40% doanh nghiệp địa ốc phá sản trong năm ngoái vì khó khăn dòng tiền, giá nguyên vật liệu leo thang.
Báo cáo cuối tháng 1/2023 của Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân lực – thậm chí, có đơn vị giảm đến 50% số lao động. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO... Năm 2022, số doanh nghiệp địa ốc thành lập mới là 8.593 doanh nghiệp, tăng 13,7% so cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp quay lại hoạt động là 2.081 doanh nghiệp, tăng 56,7%, còn số doanh nghiệp tuyên bố phá sản, giải thể, tăng 38,7%.
Trước đó, tại buổi gặp mặt nhân dịp đầu năm Quý Mão 2023 với ngành ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo ngành ngân hàng rà soát, điều chỉnh chính sách phù hợp, tháo gỡ khó khăn về tín dụng, nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp, nhà ở xã hội và cho công nhân. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Tháo gỡ được những khó khăn của thị trường bất động sản sẽ góp phần tháo gỡ được nhiều vấn đề liên quan nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp và sở hữu chéo… Khó khăn là có, nhưng chúng ta không bó tay trước khó khăn, chọn điểm đột phá để thực hiện".
Chưa có văn bản, phát ngôn về siết tín dụng bất động sản
Sáng 8/2, NHNN tổ chức “Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản”. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo Bộ Xây dựng và đại diện các ngân hàng, hiệp hội cùng 20 tập đoàn bất động sản lớn trên cả nước.
Trước đó, chiều 6/2, các ngân hàng thương mại đã họp với Ngân hàng Nhà nước để báo cáo tình hình cho vay bất động sản và bàn cách tháo gỡ cho tín dụng bất động sản. Ngay sau cuộc họp ngày 6/2 của NHNN, sáng ngày 7/2, Bộ Xây dựng đã tổ chức cuộc họp nội bộ về thị trường bất động sản, trong đó có nội dung liên quan đến tín dụng bất động sản.
Ông Đào Minh Tú nhấn mạnh tại hội nghị tín dụng bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 8/2 tại Hà Nội, trực tuyến qua các điểm cầu chi nhánh NHNN tại Đà Nẵng, TP.HCM, rằng ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản là quan hệ cộng sinh, cùng trên một con thuyền, thuyền chìm thì ngân hàng, doanh nghiệp cùng chìm, thuyền nổi thì ngân hàng, doanh nghiệp cũng thắng lợi.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị. Ảnh: B.Ngọc |
Theo ông Tú, để gỡ khó cho thị trường bất động sản, lãnh đạo NHNN với tư cách là thành viên Tổ công tác Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn cho đầu tư kinh doanh bất động sản, thời gian qua ông đã trực tiếp cùng tổ công tác làm việc với các địa phương, doanh nghiệp để nắm bắt các kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, kịp thời gỡ vướng cho thị trường.
Sắp tới tổ công tác sẽ có báo cáo gửi Thủ tướng về tình hình thị trường bất động sản hiện nay. Ông Tú cũng phân trần bấy lâu nay báo chí hay đưa tin cho rằng NHNN siết chặt tín dụng bất động sản, trên thực tế NHNN chưa có văn bản, phát ngôn nào về siết tín dụng bất động sản. NHNN chỉ đưa ra những chỉ đạo kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực có rủi ro cao như hoạt động đầu cơ, gây bong bóng trên thị trường.
Về phía Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), ngày 7/2 đã có văn bản gửi NHNN và đưa ra nhận định, năm 2023 là năm quyết định sống, còn đối với các doanh nghiệp bất động sản nếu không được hỗ trợ giải quyết nút thắt về dòng tiền để đảm bảo tính thanh khoản. Do đó, HoREA đề nghị NHNN xem xét ban hành thông tư mới tương tự Thông tư 14/2021/TT-NHNN cho phép doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn trong thời hạn 12-24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới có tài sản bảo đảm.
Đồng thời, đề nghị sửa đổi, bổ sung một số thông tư của NHNN liên quan đến việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ; điều kiện vay vốn tín dụng. Giãn lộ trình quy định các tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng tối đa nguồn vốn huy động ngắn hạn, tiết kiệm để cho vay trung dài hạn thêm 12 tháng. Theo quy định của NHNN, đến ngày 1/10/2023, các ngân hàng chỉ còn được sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết, điều này sẽ gây khó khăn cho thị trường bất động sản, doanh nghiệp và kể cả người vay mua nhà, bởi bản chất của tín dụng bất động sản chủ yếu là vốn trung, dài hạn. Do đó, HoREA kiến nghị Chính phủ nới thời hạn áp dụng quy định trên để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
HoREA cũng kiến nghị bỏ quy định tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành.
Phát biểu kết luận tại hội nghị Thống đốc NHNN nhấn mạnh: “Riêng đối với NHNN, năm 2023 chúng tôi đã họp và thống nhất sẽ tiếp tục kiểm soát room tín dụng. Ban lãnh đạo cũng giao cho các đơn vị chức năng nghiên cứu để xem lộ trình như thế nào, nhưng vẫn đảm bảo điều hành tín dụng, đáp ứng vốn cho nền kinh tế và đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng. Định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 14-15%, có điều chỉnh tùy theo tình hình. Nếu diễn biến lạm phát cho phép thì việc điều hành tín dụng có thể sẽ linh hoạt hơn. Nhưng nếu lạm phát có nguy cơ rủi ro tăng cao thì lúc đó NHNN sẽ có điều chỉnh phù hợp”.
Cũng theo Thống đốc, bản thân NHNN không “bó cứng” room cho tăng trường tín dụng vào bất động sản, chúng tôi chỉ có định hướng chung là thông báo cho từng tổ chức tín dụng trên cơ sở các tổ chức hoạt động an toàn, lành mạnh. Còn việc phân bổ cho các chi nhánh, địa phương là do các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, cũng theo Thống đốc, việc kiểm soát rủi ro đối với lĩnh vực bất động sản và chứng khoán thì ko phải là rủi ro của việc tín dụng thuần túy, có thể là một dự án đủ điều kiện vay vốn nhưng ngân hàng không cho vay được vì nếu cho vay dài hạn, ngân hàng sẽ không đảm bảo được khả năng an toàn hoạt động, người dân đến rút tiền sẽ không có tiền trả. Do đó, rủi do ở đây là việc chênh lệch kỳ hạn và an toàn hệ thống.
Về định hướng điều hành năm 2023, NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào các dự án khả thi, có khả năng trả nợ đúng hạn, dự án đáp ứng nhu cầu của người dân (nhất là dự án nhà ở xã hội”,… Dự án đáp ứng đủ điều kiện thì cấp tín dụng theo quy định. Xem xét cấp tín dụng với các chủ đầu tư, nhà thầu, người mua nhà,… để tăng khả năng luân chuẩn vốn. Bên cạnh đó, kiểm soát rủi ro tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp, bất động sản đầu cơ. Với ngân hàng Chinh sách xã hội, NHNN yêu cầu tích cực thực hiện cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội,…
“Những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản cần sự phối hợp của tất cả các bộ, ban, ngành và địa phương”, Thống đốc nói.
Số liệu đưa ra của NHNN, tính đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản là gần 800.000 tỷ đồng. Con số này tại thời điểm cuối năm 2021 là xấp xỉ 700.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 180.743 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 22,8% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản. Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 41.815 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,3%. Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 40.149 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,1%. Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 32.660 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,1%. Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 57.539 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,24%. Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 144.157 tỷ đồng, chiếm 18,16%. Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 85.199 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,7%. Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 211.452 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 26,6% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản. |