Rác thải điện tử: Tự sát trên đống vàng

THỤY KHA| 01/03/2013 08:50

Từ chỗ bị "dụ dỗ”, những nước nghèo lại đang tự hủy hoại môi trường sống và đầu độc người dân của mình bằng rác điện tử.

Rác thải điện tử: Tự sát trên đống vàng

Từ chỗ bị "dụ dỗ”, những nước nghèo lại đang tự hủy hoại môi trường sống và đầu độc người dân của mình bằng rác điện tử.

Đọc E-paper

Các nước nghèo từ lâu đã là điểm đến cho các loại rác độc hại từ những nước giàu. Năm 1987, một nhà nhập khẩu Ý đã khiến dư luận quốc tế phẫn nộ khi tìm cách vứt bỏ 8.000 thùng dầu bị rò rỉ tại làng Koko của Nigeria.

Ngày 9/1 mới đây, Nigeria đã áp dụng mức phạt 1 triệu USD đối với các nhà nhập khẩu hai container chứa đầy TV, máy tính, lò vi sóng hỏng... từ Anh.

Rác điện tử độc hại có tốc độ phát triển gấp ba lần các loại rác khác do sự bùng nổ của thị trường điện tử trên thế giới. Năm 1998, Mỹ thải ra 20 triệu máy tính và con số này đã tăng lên mức 47,4 triệu vào năm 2009. Trung Quốc cũng thải ra 160 triệu thiết bị điện tử trong năm 2011.

Một báo cáo năm 2011 của Công ty Tư vấn Pike Research ước tính khối lượng rác điện tử toàn cầu sẽ tăng gấp đôi trong 15 năm tới. Chỉ 25% đồ điện tử đã qua sử dụng ở châu Âu được tái chế, số còn lại bị chuyển sang một số nước đang phát triển.

Nỗ lực quốc tế để quản lý rác điện tử xoay quanh Công ước Basel, được thông qua vào năm 1989. Công ước này nhằm ngăn chặn các nước giàu thải rác độc hại sang những nước nghèo.

Nhưng rác thải điện tử không chỉ độc mà còn chứa kim loại quý, cao hơn 40 - 50 lần so với khai thác quặng. Cứ một triệu điện thoại di động được vứt đi có thể chứa khoảng 15.875kg đồng, 350kg bạc, 34kg vàng và gần 15kg paladium.

Rác thải điện tử chính là một nguồn tài nguyên phong phú nếu biết tận dụng. Vì thế, các nước nghèo vẫn nhắm mắt trước mọi rủi ro có thể xảy ra để lao vào mỏ vàng rác thải.

Và vì lợi nhuận, nhiều công ty vẫn tìm cách chuyển rác điện tử sang Nigeria, Ghana và một số nước đang phát triển khác có luật môi trường lỏng lẻo.

Tái chế công nghệ cao như tại Trung tâm Umicore ở Bỉ và Xstrata ở Canada có thể phục hồi tới 95% rác điện tử. Nhưng các nước đang phát triển vẫn đang sử dụng các phương pháp tái chế thô sơ hơn.

Ở "kinh đô rác thải điện tử" Guiyu ở miền Nam Trung Quốc có tới 100.000 lao động kiếm sống trên các bãi rác điện tử. Cách tái chế ở đây vẫn là dùng nhiệt và axít để tách nhựa và kim loại.

Công nhân đối diện với rất nhiều nguy cơ như: bỏng, ngộ độc chì và các chất gây ung thư. Một nghiên cứu của Đại học Sán Đầu đã phát hiện tỷ lệ phụ nữ bị sảy thai tại đây rất cao; tỷ lệ trẻ em bị nhiễm chì trong máu lên tới 70%.

Các nhà hoạt động môi trường vẫn đấu tranh cho một lệnh cấm vận chuyển rác điện tử từ các nước phương Tây. Hiệp ước Basel đã tiến một bước tiến lớn trong tháng 10/2011 khi hướng tới một lệnh cấm chung về xuất khẩu chất thải độc hại bao gồm phế liệu điện tử.

Các nhà sản xuất điện tử hiện nay đang thiết kế lại sản phẩm theo hướng dễ tháo dỡ và tái chế sạch. Một số công ty như Dell từ chối xuất khẩu rác thải điện tử đến các quốc gia đang phát triển, bởi vì họ lo ngại tác động đến môi trường và những kỹ thuật tái chế không an toàn.

Tuy nhiên, các nước nghèo đã sản xuất 1/4 rác thải điện tử của thế giới. Đống rác thải điện tử của những nước này cũng có thể sớm cao hơn tại những nước giàu vào năm 2018.

Cạnh tranh thương mại và mưu sinh để tồn tại sẽ khiến nhiều quốc gia không dừng chân trước những rủi ro mà rác điện tử độc hại có thể gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rác thải điện tử: Tự sát trên đống vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO