Một số giải pháp phát triển văn hóa đọc sách trong doanh nghiệp thời 4.0

TG (*)| 06/12/2021 05:00

Từ xa xưa, chúng ta đã biết đọc sách ảnh hưởng mạnh mẽ đến cả trí tuệ và tính cách của con người. Một tập thể có những người yêu đọc sách sẽ đoàn kết, sáng tạo và có tư duy phối hợp tốt. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp hiện đại đang hướng đến việc phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp nhằm phát triển văn hóa nội bộ và xây dựng một doanh nghiệp tiến bộ, bền vững.

Một số giải pháp phát triển văn hóa đọc sách trong doanh nghiệp thời 4.0

Tình hình phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp thời đại số

Như chúng ta đã biết, đọc sách giúp nâng cao kiến thức, phát triển tư duy. Đọc sách còn tạo thói quen thư giãn lành mạnh, kích thích sự sáng tạo, giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp. Đọc sách để điều khiển cảm xúc tốt hơn và giúp tăng cường trí nhớ. Về lợi ích cụ thể dành cho doanh nghiệp, đọc sách giúp xây dựng tự giác kỷ luật và phát triển tư duy và sáng tạo trong môi trường làm việc.

Xây dựng văn hóa đọc trong doanh nghiệp là điều vô cùng cần thiết, là yếu tố nền tảng để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và hoàn thiện văn hóa nội bộ. Tuy nhiên, phát triển văn hóa đọc trong các doanh nghiệp hiện nay đang vấp phải một số khó khăn nhất định. Khó khăn chung do nền văn hóa đọc đang bị mai một trong thời đại 4.0. Do văn hóa đọc trong doanh nghiệp chưa được chú trọng đúng mực.

Khó khăn khi xây dựng văn hóa đọc trong doanh nghiệp

Sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tác động không nhỏ tới xã hội, tích cực cũng nhiều mà tiêu cực cũng không ít. Một trong những vấn đề chịu tác động mạnh mẽ là văn hóa đọc sách. Các doanh nghiệp phải chịu nhiều thách thức hơn khi xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh hiện nay.

Khó khăn riêng chủ yếu tập trung vào 4 điểm chính:

- Doanh nghiệp không có sách phù hợp

- Không có thời gian hoặc không có phong trào

- Cá nhân (nhân sự thuộc doanh nghiệp) không có động lực, lý do để đọc sách

- Thiếu sự kết nối giữa sách với người đọc để các chương trình, phong trào đọc sách diễn ra thuận lợi

Các vấn đề trên khiến việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc gặp khó khăn. Doanh nghiệp cần ý thức được việc xây dựng văn hóa đọc trong doanh nghiệp là cần thiết, người lao động cũng cần ý thức được tầm quan trọng của việc đọc. Những điều này có thể xây dựng thông qua việc giải quyết 4 điểm yếu và thiếu trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp mà tôi sẽ nêu ở phần 2 - giải pháp của tham luận này.

Thuận lợi khi xây dựng văn hóa đọc trong doanh nghiệp

Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng việc phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp vẫn có những thuận lợi nhất định. Hầu hết đơn vị đều có các tổ chức kết nối công nhân viên như Công đoàn, Đoàn thanh niên cơ sở, Chi bộ Đảng. Những tổ chức này có khả năng kêu gọi, kết nối và thúc đẩy cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp trong các phong trào.

Hiện nay đã có rất nhiều doanh nghiệp hưởng ứng phong trào văn hóa đọc và tổ chức tủ sách doanh nghiệp. Tức là các doanh nghiệp đã tạo dựng bước đi đầu tiên cho việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong đơn vị.

Để phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp chúng ta cần làm tốt 3 điểm:

- Có những đầu sách hay và phù hợp

- Có giáo trình thực hiện

- Có kế hoạch cụ thể

Trong hai năm liên tiếp 2020 và 2021, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam triển khai Tuần lễ Doanh nhân và Sách với chuỗi hoạt động nhiều ý nghĩa. Trong chương trình năm 2021, Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Hội đồng Phát triển Sách Doanh nhân bình chọn “Top 100 quyển sách đáng có trong tủ sách doanh nghiệp”, được bình chọn từ 212 tựa sách được đề cử bởi 23 đơn vị xuất bản, công ty sách, nằm trong 8 nhóm chủ đề: Quản trị - Lãnh đạo; Phát triển bản thân - Sống khỏe - Sống đẹp - Phong cách sống; Kỹ năng làm việc; Marketing bán hàng; Văn hóa doanh nghiệp; Kinh doanh - Khởi nghiệp; Truyền động lực và Doanh nhân Việt viết.

Link bài viết

“Top 100 quyển sách đáng có trong tủ sách doanh nghiệp” được chọn lọc và tổng hợp với các nhóm chủ đề phù hợp với tất cả nhóm đối tượng trong doanh nghiệp, từ cán bộ công nhân viên đến quản lý, lãnh đạo. Đó là những quyển sách có đề tài thuộc tầm vĩ mô, với các phạm trù nội dung triết lý, quan điểm, tư duy lãnh đạo - quản trị giúp cho người lãnh đạo xây dựng sứ mệnh, tầm nhìn, chiến lược phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, cũng có những quyển mang tính chất đặc thù, cụ thể giúp doanh nhân có cái nhìn bao quát về lĩnh vực kinh doanh, quản trị với các chủ đề gần gũi như văn hoá doanh nghiệp, khởi nghiệp, marketing bán hàng, kỹ năng làm việc.

“Top 100 quyển sách đáng có trong tủ sách doanh nghiệp” sẽ là bạn đồng hành của người lao động, quản lý tại doanh nghiệp để từ đó, tri thức được lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng lực làm việc, năng lực quản trị và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. “Top 100 quyển sách đáng có trong tủ sách doanh nghiệp” giải quyết cho các doanh nghiệp vấn đề chọn lựa sách để tạo được một tủ sách doanh nghiệp chất lượng nhất.

Về giáo trình thực hiện và kế hoạch cụ thể, Sbooks đã họp bàn và đưa ra đề án hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng văn hóa đọc, giáo trình xây dựng văn hóa đọc trong doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ sớm hoàn tất đề án này, đưa ra giáo trình thực hiện cụ thể để doanh nghiệp căn cứ vào đó thực hiện xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong đơn vị mình. Chúng tôi cũng sẽ đưa ra một vài kế hoạch cụ thể cho các doanh nghiệp khác nhau để các đơn vị tham khảo và xây dựng kế hoạch phù hợp với doanh nghiệp của mình.

Cơ hội

Phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp là cơ hội lớn cho cả doanh nghiệp lẫn các đơn vị phát hành, xuất bản sách. Đối với các đơn vị phát hành và xuất bản, khi doanh nghiệp phát triển các tủ sách sẽ giúp tăng số lượng sách phát hành. Đồng thời, thông qua việc phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp để tăng tỷ lệ đọc sách trong xã hội. Khi đọc sách trở thành phong trào và biến thành văn hóa sẽ giúp nâng cao dân trí, xã hội sẽ có sự nhìn nhận chính xác về tầm quan trọng của sách.

Đối với doanh nghiệp, phát triển văn hóa đọc là cơ hội giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ. Việc đọc sách với những lợi ích to lớn giúp nhân sự tự phát triển bản thân từ đó triển khai công việc sáng tạo và dễ dàng hơn. Xây dựng văn hóa đọc còn là giải pháp để phát triển văn hóa nội bộ. Doanh nghiệp muốn phát triển mạnh cần đồng lòng - đồng chí hướng. Các phong trào đọc giúp doanh nghiệp đến gần hơn với những điều trên. Hiện nay các doanh nghiệp còn có cơ hội rất lớn trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp thông qua các thuận lợi để phát triển văn hóa đọc.

Giải pháp và chính sách xây dựng, phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp

Xác lập lại tầm quan trọng của văn hóa đọc trong doanh nghiệp thời đại mới

Xây dựng văn hóa đọc là rút ngắn con đường xây dựng văn hóa nội bộ của doanh nghiệp. Chúng ta đều biết khi tổ chức bất cứ chương trình nào, tạo ra bất cứ phong trào nào đều là phương án để kết nối những người tham gia lại với nhau. Từ phong trào phát triển mạnh sẽ tạo thành những trào lưu, sau phong trào và trào lưu thì những thứ còn sót lại được gọi là văn hóa.

Mọi doanh nghiệp đều mong muốn xây dựng một tập thể yêu thương, chăm sóc đùm bọc lẫn nhau. Tập thể có đoàn kết nội bộ thì mới có thể xây dựng doanh nghiệp thành một khối. Phát triển văn hóa đọc là con đường giúp đoàn kết doanh nghiệp. Thông qua phong trào đọc sách tạo ra văn hóa tử tế trong doanh nghiệp. Xây dựng văn hóa nội bộ lành mạnh, chính trực, ngay thẳng, yêu thương. Nhưng điều này chỉ đạt được nếu nhân sự trong doanh nghiệp thực sự đọc.

Mục đích của các hoạt động khuyến đọc trong doanh nghiệp phải hướng đến việc làm thế nào nhân sự thực sự đọc? Chỉ đề ra phong trào chưa đủ, phong trào đọc sách trong doanh nghiệp cần giải quyết lý do của việc đọc. Ngoài mục đích rõ ràng, doanh nghiệp còn phải xây dựng kế hoạch bài bản. Trong kế hoạch cần có thời gian, quy trình, phương thức thực hiện. Đồng thời, phải có quy chế, phần thưởng, hình phạt cụ thể để nhân sự tham gia đọc một cách nghiêm túc.

Giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa đọc

Tại sao phải đọc sách là vấn đề cá nhân, nhưng chỉ khi giải quyết được vấn đề cá nhân trong một tổ chức thì phong trào đọc mới có thể phát triển mạnh mẽ. Muốn như thế, doanh nghiệp cần giải quyết lý do tại sao phải đọc sách? Mỗi người đều nghe rất nhiều lợi ích về việc sách như sách có kiến thức, đọc sách lấy niềm vui... Nhưng thực tế những lý do trên không đủ mạnh để tác động khiến mỗi người muốn đọc, yêu thích đọc hoặc say mê đọc.

Xét cho cùng, đọc sách là trải nghiệm, chỉ có mỗi người mới tự tìm ra được lý do vì sao mình phải đọc sách. Mỗi nhân sự cần hiểu chúng ta không tìm mọi thứ trong sách, sách chỉ là phương tiện. Tại sao tôi phải đọc, tại sao anh phải đọc sách và tại sao chúng ta phải đọc sách? Lý do đọc đủ mạnh mẽ mới có thể khiến nhân sự thực sự đọc.

Để xây dựng văn hóa đọc trong doanh nghiệp cần đi theo lộ trình từ phong trào đến trào lưu đến văn hóa. Đầu tiên, doanh nghiệp phải có hoạt động phong trào kích thích người lao động đọc sách. Các phong trào này cần được tổ chức bài bản, có kế hoạch rõ ràng, có phương pháp chặt chẽ.

Cần lưu ý các điểm sau khi tổ chức các phong trào đọc trong doanh nghiệp.

- Phong trào phải xuất phát từ nhu cầu và hành động cá nhân

- Phương pháp chặt chẽ, từ phong trào đến trào lưu đến văn hóa là thứ còn lại sau cùng

- Tạo ra kế hoạch cho phong trào

- Bản thân doanh nghiệp phải có phong trào (hoạt động khuyến đọc), sau phong trào phải có kế hoạch quy chế, thưởng, phạt

Ngoài việc xây dựng văn hóa đọc thì cần xây dựng văn hóa nội bộ của doanh nghiệp, văn hóa giao tiếp. Chuyện yêu thương quan tâm lẫn nhau cần được đề cao trong văn hóa nội bộ. Hai bút cùng vẽ, phát triển song song cả văn hóa đọc và văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

1-3644-1638777599.jpg

Xây dựng chương trình đọc trong doanh nghiệp

Chương trình đọc trong doanh nghiệp nên được xây dựng dựa trên tình hình thực tế của mỗi doanh nghiệp. Có thể phân thành hai nhóm doanh nghiệp cụ thể là đơn vị sự nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân để xác lập kế hoạch khuyến đọc khác nhau.

- Với đơn vị sự nghiệp nhà nước:

Xem xét thực tế các doanh nghiệp luôn có tổ chức Đoàn thanh niên, Công đoàn. Đối với Chi đoàn thanh niên, hằng năm đều phải có công trình thanh niên cho Chi đoàn - có báo cáo thành quả. Ví dụ, xây dựng tủ sách cho thanh niên cuối năm báo cáo đã xây dựng được bao nhiêu tủ, bao nhiêu đầu sách, hiệu quả thực hiện của tủ sách. Đây là một nền tảng để doanh nghiệp có thể phát triển phong trào đọc sách thông qua các hoạt động của Đoàn thanh niên hoặc Công đoàn.

Có thể mở rộng công trình thanh niên theo kế hoạch đọc sách cụ thể. Ví dụ, mỗi thanh niên phải đọc ít nhất 1 cuốn sách/tháng. Mỗi tháng có viết review về cuốn sách đã đọc, đây là tiêu chí để đánh giá xếp loại đoàn viên thanh niên cuối năm. Việc mỗi đoàn viên thanh niên đăng ký tham gia là điều bắt buộc ở mỗi đơn vị theo quy định từ Thành Đoàn, Tỉnh Đoàn.

Đối với các doanh nghiệp không phát triển mạnh Chi đoàn thanh niên, có thể tổ chức phong trào khuyến đọc do Công đoàn quản lý hoặc văn phòng quản lý. Mỗi đơn vị đều có đánh giá nhân viên hằng tháng, hằng quý, doanh nghiệp có thể đưa quy định mỗi nhân viên phải đọc 1 cuốn sách/tháng. Xem đây là yêu cầu bắt buộc trong tiêu chí đánh giá thực hiện nhiệm vụ từ cấp trên.

Đặc biệt, đối với các đơn vị sự nghiệp nhà nước hoặc các đơn vị có Chi bộ Đảng. Công đoàn viên và Đảng viên đều phải đăng ký thực hiện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đưa ra tiêu chí đọc sách hằng tháng như một tiêu chí xét việc thực hiện theo tấm gương Bác Hồ là phương pháp hữu hiệu để bắt đầu phong trào khuyến đọc trong doanh nghiệp.

- Với doanh nghiệp tư nhân:

Hưởng ứng việc hiểu biết mở rộng ở nhiều khía cạnh, ngoài việc biết chuyên môn, tăng cường nâng cao năng lực nghiệp vụ. Mỗi nhân sự cần phải biết các kỹ năng khác ngoài kỹ năng chuyên môn như tin học văn phòng, kỹ năng an toàn trên Internet, cách viết email, soạn văn bản chuyên nghiệp.

Doanh nghiệp có thể đưa các yêu cầu kỹ năng theo tháng - quý, tổ chức các chương trình thi, các giải thưởng cho nhân viên có nhiều kỹ năng ngoài kỹ năng chuyên môn. Những phong trào, giải thưởng này buộc nhân viên phải tự đọc sách để trang bị kiến thức các lĩnh vực liên quan.

Doanh nghiệp nên xây dựng các tủ sách đa dạng, phát động các chương trình khuyến đọc với kế hoạch kỹ lưỡng. Ví dụ, chương trình khuyến đọc yêu cầu cấp quản lý đọc tối thiểu 2 cuốn sách/tháng, nhân sự cấp dưới tối thiểu 1 cuốn sách/tháng. Đầu tháng nhân sự sẽ đăng ký tên sách muốn đọc. Cuối tháng tổ chức đánh giá thông qua các báo cáo tóm tắt nội dung sách và ứng dụng sách vào sinh hoạt - công việc. Doanh nghiệp sẽ tổ chức trao các phần thưởng cho nhân sự tích cực nhất trong chương trình khuyến đọc. Phần thưởng có thể là sách tặng, khóa học phát triển bản thân để nâng cao nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng.

Cụ thể như công ty về công nghệ thì kỹ sư cần trang bị các kỹ năng về an toàn tối thiểu trong mã nguồn, kỹ năng giao tiếp trong công sở, kỹ năng về thay đổi văn hóa doanh nghiệp. Đối với các công ty sản xuất, nhân sự đọc sách để nâng cao kỹ năng sống, cải thiện thái độ, sự hài hòa và cách làm việc cùng nhau trong cùng dây chuyền sản xuất. Các công ty dịch vụ như bất động sản, bán hàng, kinh doanh thì càng cần kỹ năng mềm, kỹ năng vi tính, kỹ năng về nhân sự.

Phần thưởng được trao nếu có đề xuất hay cho việc cải tiến quy trình vận hành các bộ phận (nhân sự, kế toán, quy trình vận hành, giải quyết giấy tờ hồ sơ…). Thực hiện tuyên dương trước toàn bộ nhân sự. Tặng thưởng các chuyến du lịch, các khóa học hoặc tiền mặt.

Các chương trình khuyến đọc tại các đơn vị nên tổ chức bằng phương pháp bắt buộc. Ngoài thưởng cần có cơ chế phạt đối với những nhân sự không hoàn thành chỉ tiêu đọc sách. Đọc sách là nền tảng để phát triển con người, chương trình khuyến đọc bắt buộc đọc sẽ tạo ra nền tảng kiến thức và kiến thức từ sách là của chính nhân viên.

Ông bà xưa có nói, một nghề cho chín còn hơn chín nghề. Tuy nhiên, tư duy một hơn chín không còn chính xác ở thời 4.0 nữa. Một cá nhân muốn làm tốt công việc không những cần chuyên sâu mà cần đa năng. Biết nhiều thông tin, có nhiều kỹ năng, hiểu nhiều mảng khác nhau giúp công việc của mỗi nhân sự diễn ra suôn sẻ hơn.

Biết nhiều mảng là tất yếu để phát triển đi xa. Các đơn vị phát triển mạnh mẽ là các đơn vị chú trọng vào con người. Khi đọc nhiều sách chúng ta sẽ biết nhiều lĩnh vực, từ đó sẽ có cái nhìn bao quát và phát triển toàn diện. Một nhân sự toàn diện sẽ dễ dàng nhận được phúc lợi tốt.

(*) Công ty Cổ phần Sbook

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Một số giải pháp phát triển văn hóa đọc sách trong doanh nghiệp thời 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO