Doanh nhân 4.0 và sách

Nguyễn Nguyên (*)| 04/12/2021 06:00

Qua hai năm tổ chức, Tuần lễ Doanh nhân và Sách đã trở thành một sự kiện quan trọng truyền cảm hứng và động lực cho xã hội, nhất là những người trẻ đang mang trong mình khát vọng lập thân, lập nghiệp, góp phần xây dựng một đội ngũ doanh nhân thế hệ mới - thế hệ doanh nhân 4.0, hướng đến một xã hội phồn vinh, hạnh phúc, một Việt Nam giàu mạnh, hùng cường.

Doanh nhân 4.0 và sách

Trong thời gian qua, Văn phòng Hội Xuất bản Việt Nam phía Nam đã phối hợp chặt chẽ với Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn cùng cộng đồng doanh nghiệp tại TP.HCM đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc đưa sách đến gần hơn với doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ việc đọc sách trong giới doanh nhân, cán bộ, nhân viên tại mỗi doanh nghiệp trong tổng thể môi trường sản xuất, kinh doanh hiện đại. Qua hai năm tổ chức, Tuần lễ Doanh nhân và Sách đã trở thành một sự kiện quan trọng truyền cảm hứng và động lực cho xã hội, nhất là những người trẻ đang mang trong mình khát vọng lập thân, lập nghiệp, góp phần xây dựng một đội ngũ doanh nhân thế hệ mới - thế hệ doanh nhân 4.0, hướng đến một xã hội phồn vinh, hạnh phúc, một Việt Nam giàu mạnh, hùng cường.

Tôi xin gửi lời cảm ơn đến ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, phụ trách Văn phòng phía Nam và ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn và cộng sự đã có ý tưởng rất giá trị trong việc tổ chức Tuần lễ Doanh nhân và Sách. Tôi cũng đánh giá cao ban tổ chức đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp”, bởi theo tôi hoạt động này mang một ý nghĩa đặc biệt, không chỉ cho những người làm sách hay những doanh nghiệp sách; cũng không chỉ cho những doanh nhân hoạt động trên lĩnh vực xuất bản, kinh doanh ở thị trường sách mà còn hướng đến mục tiêu quan trọng hơn nhằm phát triển mạnh mẽ và bền vững đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập gắn với cách mạng công nghệ, kỷ nguyên của kinh tế tri thức.

Trong khuôn khổ hội thảo này, tôi xin đề cập đến những doanh nhân 4.0 - doanh nhân của thời kỳ toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp lần thứ tư - và vai trò của đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển văn hoá đọc, truyền bá tri thức, truyền cảm hứng và tạo động lực cho xã hội.

11-4125-1638607776.jpg

Hình ảnh buổi lễ khai mạc Tuần lễ Doanh nhân và Sách 2021

Có nhiều quan niệm khác nhau về doanh nhân Việt Nam hiện nay. Định nghĩa sau có tính phổ quát nhất, có thể phản ánh rõ nét nhất nội hàm của khái niệm này. Doanh nhân Việt Nam là đội ngũ những người làm nghề kinh doanh, trước hết là bộ phận những người chủ sở hữu, lãnh đạo, quản lý, hoạt động nghiệp vụ kinh doanh (có mục tiêu vị lợi) của các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Doanh nhân Việt Nam gồm 5 nhóm chính: (1) Những người điều hành, quản lý hoặc sở hữu các doanh nghiệp vừa và nhỏ; (2) Những người quản lý, điều hành, làm nghiệp vụ kinh doanh trong các doanh nghiệp nhà nước; (3) Những người quản lý, điều hành, làm nghiệp vụ kinh doanh cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; (4) Những người làm chủ trong các trang trại, hợp tác xã, cơ sở kinh tế phi nông nghiệp và các hộ gia đình nông dân hoạt động sản xuất kinh doanh có đăng ký thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; (5) Những doanh nhân gốc Việt (mang quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch nước sở tại) điều hành, quản lý, sở hữu hoặc làm nghiệp vụ kinh doanh ở nước ngoài.

Tại một đất nước trọng lễ nghĩa và truyền thống khoa bảng, đội ngũ doanh nhân Việt Nam được hình thành, phát triển có lẽ muộn và chậm hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Cho đến những năm đầu thế kỷ XX, dù chúng ta đã có những nhà tư sản dân tộc có tinh thần mạnh mẽ và khả năng kinh doanh vượt trội nhưng con số vẫn còn rất ít ỏi và chưa trở thành một lực lượng xã hội cần thiết cho sự phát triển đất nước.

Cùng với sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, sau 35 năm cải cách và mở cửa, đội ngũ  doanh nhân Việt Nam từng bước được hình thành và dần trở thành tầng lớp tinh hoa đóng góp trực tiếp cho sự phát triển của đất nước. Tính đến nay, cả nước trên 2 triệu doanh nhân, trực tiếp tổ chức quản lý, điều hành gần 810.000 doanh nghiệp, 25.000 hợp tác xã cùng hàng triệu hộ kinh tế gia đình. Đa số doanh nhân Việt Nam thành lập doanh nghiệp xuất phát từ yêu cầu thực tế của cuộc sống và khát vọng làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Họ vừa làm vừa học và trưởng thành từ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Trong thời gian qua, doanh nhân Việt Nam là lực lượng xã hội đóng vai trò quan trọng trong giải phóng lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Thông qua tổ chức và điều hành sản xuất - kinh doanh, doanh nhân, doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Doanh nhân Việt Nam đã góp phần quan trọng vào hình thành cơ cấu xã hội và quan hệ xã hội mới, hệ giá trị và lối sống phù hợp với điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, là mắt xích không thể thiếu trong các liên kết, hợp tác kinh tế - xã hội, trong đó có liên kết “5 nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà băng và nhà nông). Đội ngũ doanh nhân góp phần hình thành lối sống sáng tạo, tự lập, tự chủ, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, dám chấp nhận rủi ro, có chí làm giàu, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Doanh nhân giàu có, thành đạt trở thành mục tiêu, khát vọng phấn đấu của nhiều người, nhất là giới trẻ.

Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đội ngũ doanh nhân đã góp phần quan trọng trong tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội. Doanh nhân cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội như đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, đóng góp các quỹ nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng các công trình phúc lợi góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trong tiến trình đổi mới, doanh nhân Việt Nam đã góp phần xây dựng xã hội đoàn kết, đồng thuận, công bằng, an sinh, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Link bài viết

Doanh nhân tham gia vào các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, phát huy tốt trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn của mình trong xây dựng và thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, là một trong những lực lượng cơ bản tham gia xây dựng, quyết định, phản biện, thực hiện chính sách phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội.

Tuy thế, do phát triển nhanh trong một thời gian ngắn, dẫn đến một bộ phận doanh nhân Việt Nam chưa được đào tạo bài bản, chưa có bề dày kinh nghiệm thương trường; thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn, thiếu tính liên kết, hợp tác bền vững để tạo sức mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Nhiều doanh nhân thiếu kiến thức về pháp luật, nhất là pháp luật kinh doanh quốc tế, thiếu năng lực quản trị doanh nghiệp, dẫn đến bị động trong cạnh tranh và hội nhập.

Hiện nước ta chưa có nhiều doanh nhân đủ bản lĩnh và kinh nghiệm để tự tin đàm phán, ký kết hợp đồng hợp tác với các đối tác nước ngoài. Thậm chí, vẫn còn một bộ phận doanh nhân, doanh nghiệp làm ăn bất chính, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức kinh doanh; lừa đảo, gian lận, buôn lậu, trốn thuế, làm hàng giả, hàng nhái... gây hậu quả xấu cho người tiêu dùng và xã hội. Nhiều doanh nghiệp sử dụng lãng phí, khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gây tổn hại đến môi trường. Không ít doanh nhân là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước yếu kém về trình độ, năng lực quản lý kinh tế, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng; gây thất thoát nghiêm trọng tài sản, tiền bạc của Nhà nước; làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 xoay quanh đó là những thời cơ và thách thức, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định rằng không ai khác, chính doanh nhân sẽ là người làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tức là lực lượng tạo động lực cho sự phát triển quốc gia. Song muốn thế, bản thân đội ngũ doanh nhân phải có sự thay đổi, phát huy những tố chất tích cực, khắc phục hạn chế, nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, mà đích đến chính là xây dựng đội ngũ doanh nhân 4.0 hay một đội ngũ như Nghị quyết 09-NQ/TW của Đảng đã xác định: “Một đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu”.

Trong các con đường để hình thành đội ngũ doanh nhân này, sách là một trong những phương tiện, theo tôi là quan trọng, thậm chí quan trọng hàng đầu. Nhìn vào tất cả doanh nhân thành công thế giới ngày nay, từ tỷ phủ kinh doanh tài chính như Warren Buffett, đến các tỷ phú công nghệ như Bill Gates và Steve Jobs, qua các tỷ phú đi lên từ thất bại Jack Ma, hay tỷ phú sáng tạo Elon Musk, họ đều là “những con mọt sách”. Bill Gates đọc khoảng 50 cuốn mỗi năm. Elon Musk nhiều hơn, được cho mỗi ngày dành gần 10 tiếng để đọc sách.

Điều này có thể cho chúng ta đi đến một suy diễn nhưng vẫn không đánh mất đi tính khách quan là trong một thế giới mà sáng tạo và khác biệt làm nên sự tồn tại; hay như có người nói “sáng tạo đang kiến tạo ra thế giới” thì tri thức là tài sản quý nhất, lâu bền nhất, giá trị nhất mà doanh nhân muốn thành công phải sở hữu. Vốn, đất đai, tài sản, thương hiệu và kinh nghiệm kinh doanh vẫn rất quan trọng nhưng sẽ trở nên vô nghĩa nếu doanh nhân đó không nắm trong tay nguồn tri thức đáp ứng đòi hỏi mới của thời đại. Thật thú vị, sách chính là người thầy, người bạn, là phương tiện cung cấp nguồn tài sản vô tận đó.

Nhưng không chỉ có vậy, với mục tiêu có được một đội ngũ doanh nhân thì mỗi doanh nhân, với trách nhiệm xã hội của mình, đem những kinh nghiệm, kiến thức bổ ích đến với xã hội, cùng nhau xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp giàu trí tuệ. Không ngạc nhiên khi nhiều đầu sách hay, thú vị đến từ những doanh nhân.

Cách đây đã lâu, tôi có đọc cuốn sách khá thú vị của anh Nguyễn Tuấn Quỳnh - một doanh nhân thành công trên nhiều lĩnh vực nhưng rồi lại dừng lại ở lĩnh vực sách. Hay gần đây nhất tôi có đọc cuốn 1972 của một doanh nhân khác là anh Nguyễn Cảnh Bình - chủ của các thương hiệu sách nổi tiếng Anpha, Omega, Sống, ETS....  Tôi cũng đã đọc cuốn sách Vượt lên người khổng lồ của nữ doanh nhân Trần Uyên Phương. Đó là những câu chuyện giản dị nhưng thú vị mà kể cả với một người không làm kinh doanh như tôi cũng cho tôi nhiều bài học.

Ở nước ngoài, nhiều cuốn sách của Elon Musk, Bill Gates đã trở thành những cuốn sách best seller bởi những bài học thú vị của nó đem lại cho cả những người kinh doanh hay quản lý, như cuốn Telsa, Space X và sứ mệnh tìm kiếm một tương lai ngoài sức tưởng tượng nhiều tháng nằm tốp best seller trên Amazon.

Cho nên, có thể nói, lan tỏa tri thức và năng lượng tích cực từ bản thân cũng là một sứ mệnh mới của mỗi doanh nhân. Và sách là con đường để doanh nhân thực hiện sứ mệnh này. Cuối cùng, không kém phần quan trọng trong mối quan hệ này xuất phát từ trách nhiệm xã hội cũng là tầm nhìn xa của chính các doanh nhân.

Trong thế giới kinh doanh hiện đại, việc doanh nhân tìm kiếm lợi nhuận thuần tuý bằng lợi thế tài nguyên ưu đãi, lợi thế nhân lực giá rẻ sẽ ít đi thậm chí không còn. Ý tưởng - sáng tạo, gắn với đó là một đội ngũ lao động lành nghề, một thị trường lao động có chất lượng là bệ đỡ cho sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp và cả quốc gia. Thiếu nó, mọi lợi thế ban đầu khác sẽ dần mất đi và doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại trong thế giới phẳng đầy cạnh tranh.

Vì thế, không ít doanh nghiệp, doanh nhân đã đồng hành cùng người làm sách để đưa sách đến bạn đọc. Câu chuyện của các tập đoàn như Sun Group, Cà phê Trung Nguyên... đầu tư đưa sách đến bạn đọc vùng xa, tài trợ Giải thưởng Sách Quốc gia hẳn không đơn thuần là câu chuyện chia sẻ trách nhiệm xã hội với việc làm ý nghĩa, mà có lẽ còn xuất phát từ tầm nhìn xa của chính những tập đoàn này.

Kết thúc bài viết mang tính chia sẻ này - xin phép không gọi là tham luận, một lần nữa xin chúc mừng và cảm ơn các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài ngành sách trong thời gian qua. Covid-19 với tác đông tiêu cực lên ngành xuất bản nhưng với niềm tin về tinh thần chủ động, vượt khó vươn lên của các doanh nhân, doanh nghiệp làm sách, của các doanh nghiệp đồng hành với ngành sách, ngành sách sẽ tiếp tục có bước phát triển mới - gặt hái thêm thành công, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước mà trong Hội nghị Văn hóa Toàn quốc vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống nghìn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới”.

(*) Cục trưởng Cục Xuất bản - In - Phát hành sách

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân 4.0 và sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO