Lượng ít, chất chưa cao
Những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng điện ảnh cao trên thế giới, với khoảng 40 phim điện ảnh được sản xuất mỗi năm, nhưng chỉ có một vài phim lịch sử. Chẳng hạn, năm 2019 có Truyền thuyết về Quán Tiên, năm 2021 có Khúc mưa, năm 2022 có Bình minh đỏ đều do Nhà nước tài trợ từ 70-100% kinh phí sản xuất. Mãi cuối tháng 11 rồi mới có Huyền sử vua Đinh của tư nhân ra rạp.
Tuy số lượng rất ít nhưng phim lịch sử Việt ra rạp không thu hút được số đông khán giả, nhiều phim bị chê về chất lượng, thậm chí có phim bị xem là “thảm họa”. Như Sống cùng lịch sử (2014) đầu tư 21 tỷ đồng, Người viết huyền thoại được 6 giải thưởng Bông sen vàng nhưng ra rạp không có người mua vé. Truyền thuyết về Quán tiên (70% kinh phí 17 tỷ đồng do Nhà nước tài trợ) chỉ thu về gần 900 triệu đồng bán vé. Thiên mệnh anh hùng kinh phí 25 tỷ đồng (tư nhân đầu tư) thu 16,4 tỷ đồng. Mỹ nhân kinh phí 16 tỷ đồng Nhà nước tài trợ, thu 500 triệu đồng. Huyền sử vua Đinh phải rút khỏi rạp sau 10 ngày công chiếu với doanh thu 43 triệu đồng.
Khán giả không thờ ơ với phim lịch sử. Nhưng để làm được một bộ phim lịch sử xứng với kỳ vọng luôn là chuyện “nói mãi” của điện ảnh Việt.
Giải pháp “vi tự sự”
Cuối tháng 11 vừa rồi, gần 100 nhà khoa học, nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn, thiết kế, nhà quản lý, nhà phê bình của Việt Nam, Đài Loan, Mỹ và Pháp đã hội tụ tại hội thảo quốc tế “Di sản lịch sử, văn hóa Việt Nam và cải biên nghệ thuật” ở Quy Nhơn (Bình Định) để đề xuất những phương thức sản xuất, phát hành phim lịch sử. Trong đó chủ đề tự sự (vi) lịch sử như là chất liệu điện ảnh, truyền hình đã khơi mở về những chuyện lịch sử, huyền tích, giai thoại hấp dẫn trong các văn bản chính sử, có tiềm năng trở thành chất liệu cho phim điện ảnh, truyền hình.
Nếu kể các nội dung lịch sử quen thuộc thì phim có thể rơi vào tình trạng minh họa lịch sử bằng hình ảnh, nhưng nếu kể khác đi - từ góc độ của nhà biên kịch thì có thể không được đại chúng chấp nhận. Do vậy, kịch bản là cái khó đầu tiên của phim lịch sử.
Phim lịch sử, đặc biệt là cổ trang đòi hỏi kinh phí rất lớn và sự chỉn chu về chất liệu, màu sắc, họa tiết, vũ khí, dụng cụ sinh hoạt, trang phục, bối cảnh. Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh của phim Trưng Vương về Hai Bà Trưng cách đây hơn 2.000 năm, cho biết: “Làm phim lịch sử với bối cảnh phục dựng 100% ở thời điểm hiện tại là rất khó và mạo hiểm”.
Nhà biên kịch Bình Bồng Bột nói: “Người xưa không lái xe Lead ra trận, không phóng Mercedes đi thương thảo. Họ đi ngựa. Có những vị anh hùng cưỡi voi. Nhưng ngựa của Việt Nam thấp và lùn, lại không biết đóng phim. Mỗi khi nghĩ về đại cảnh, những nhà làm phim đều cảm thấy “tim đập chân run”, vì dàn dựng một cảnh đại chiến có khi bằng tổng ngân sách của ngành phim Việt Nam trong cả năm”.
Theo nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, phim lịch sử đòi hỏi kinh phí rất lớn mới thỏa sức tái tạo những gì nhà sản xuất mong muốn. Nhưng ở Việt Nam, nếu kinh phí đẩy lên quá cao thì không thể tìm nhà đầu tư vì khả năng hòa vốn thấp.
Nếu kinh phí và khả năng dàn dựng chưa tới, nhà sản xuất Việt có thể xem xét kể các “vi tự sự” - tức những mẩu chuyện nhỏ trong lịch sử có kịch tính, đào sâu vào tâm lý, tình yêu, triết lý nhân sinh. Lịch sử Việt Nam có nhiều chuyện thâm cung bí sử rất hấp dẫn, không thua gì các trận chiến hoành tráng.
Đêm hội long trì (1989-1990) khai thác mưu mô chốn cung đình thời vua Lê chúa Trịnh rất “ăn khách” là ví dụ về cách tìm “cửa ngách” khi làm phim lịch sử. Trước sự ôm đồm của kịch bản Huyền sử vua Đinh, có khán giả viết: “Với 78 phút thì chỉ nên làm một bản phim ngã rẽ trong cuộc đời vua Đinh thôi. Chọn một cột mốc tiêu biểu rồi xoáy sâu vào đó, chứ 24 năm lướt nhanh như một cơn gió thì đọng lại được gì trong lòng khán giả đâu?”.
Cần tính đến sự bền vững
Trong vài thập niên qua, khán giả của phim Việt ngày càng được trẻ hóa. Vì vậy, nhà làm phim phải cân đối giữa những đòi hỏi khắc nghiệt của ngành công nghiệp điện ảnh về tính giải trí, tính mới lạ và những tiêu chí thẩm mỹ của công chúng, của nhà quản lý trước các nhân vật, chuyện lịch sử được đưa lên màn ảnh. Phát hành cũng phải có tính toàn cầu hóa.
Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh chia sẻ: “Hiện tại, nếu chỉ sản xuất phim để đưa ra rạp thì khả năng thu hồi vốn thấp, nhất là với những phim chi phí sản xuất cao. Bởi vậy, ngoài chiếu rạp chúng tôi sẽ bán bản quyền cho những nền tảng chiếu trực tuyến như Netflix hay Disney +”.
Theo báo cáo Cục Điện ảnh gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, kinh phí sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2018-2021 là gần 115 tỷ đồng (2018), hơn 147 tỷ đồng (2019), hơn 148 tỷ đồng (2020) và hơn 148 tỷ đồng (2021). Nhưng các phim lịch sử chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng chưa tương xứng đầu tư, chưa hấp dẫn được khán giả.
Ở thời điểm này, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh đang làm Huyết rồng về thời khắc chuyển giao quyền lực từ nhà Tiền Lê sang nhà Lý năm 1009, đạo diễn Lý Minh Thắng làm phim Quỳnh hoa nhất dạ về Thái hậu Dương Vân Nga, Trương Ngọc Ánh - Chủ tịch Công ty TNHH Nova Entertainment (NovaGroup) chuẩn bị quay Trưng Vương, V- Pictures (CJCGV Việt Nam) khởi động Hoàng hậu cuối cùng. “Làm phim lịch sử nếu là tư nhân thì phải là tập đoàn lớn hoặc là chủ trương của quốc gia. Khi đó sự đầu tư, quản lý, nguồn kinh phí sẽ góp phần tạo ra dòng phim lịch sử mang tính chính quy và bền vững”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh bày tỏ.