Phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp: Kinh nghiệm thực tế từ HPT

Đinh Hà Duy Linh (*)| 05/12/2021 02:00

Nội dung bài viết sẽ là những câu trả lời làm rõ cho các câu hỏi cụ thể về văn hóa đọc, chia sẻ kinh nghiệm thực tế về văn hóa đọc trong doanh nghiệp tại Công ty HPT, từ đó có những ý tưởng, đề xuất để phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp.

Phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp: Kinh nghiệm thực tế từ HPT

Sách viết của HPT (5 năm xuất bản một quyển)

Vấn đề chính yếu là gì?

Trong quá trình chuẩn bị cho tham luận này, tôi thử tìm (trên Google) từ khóa “người Việt Nam đọc sách ít nhất thế giới” và thật ngạc nhiên khi Google trả về 183.000.000 kết quả trong 0,8 giây. Chắc chắn không ai có thể đọc hết hơn 180 triệu kết quả này nhưng ít nhất con số này nói lên việc “ít đọc sách” của người Việt Nam thật sự là một vấn đề nóng. Thử chỉ lấy 3 bài trong số 183 triệu kết quả này (nằm trong tốp các bài đầu tiên và có số liệu, khoảng thời gian không quá gần nhau cũng không quá xa nhau để so sánh):

(1) Người Malaysia đọc 17 đầu sách/năm, người Việt 4 đầu sách/năm (ngày đăng 10/10/2021)
(2) Mơ có tên mình trong “Quốc gia đọc sách” (ngày đăng 21/4/2021)
(3) Văn hóa đọc sách của người Việt Nam thua xa các nước trong khu vực (ngày đăng 20/2/2016)

Với khoảng cách hơn 5 năm, các số liệu cũng cơ bản giống nhau: một người Việt Nam đọc khoảng 4 quyển sách/năm và nếu trừ đi số sách giáo khoa thì còn khoảng… một quyển/người/năm. Tóm lại, bức tranh là người Việt Nam đọc sách ít nhất thế giới và trong vài năm qua tình hình cũng không có gì thay đổi lớn.

Tất nhiên, tôi (và chắc những người thích đọc sách hay những ai tò mò) cũng thắc mắc không biết cách thức đo lường chỉ số này như thế nào, sách ở đây hiểu là các hình thức sách in, sách điện tử, sách nói… hay chỉ sách in? Vấn đề nữa là hình như chưa có thông tin nào công bố về tình hình đọc (sách) trong cộng đồng doanh nghiệp cả trên thế giới và riêng tại Việt Nam. Không rõ nếu chỉ tính trong cộng đồng doanh nghiệp thì Việt Nam có còn giữ vị trí thứ nhất “không đáng tự hào” này không.

Dù sao, nếu tạm bỏ qua những thắc mắc đó thì các phương pháp và con số đều nói lên tình trạng lười đọc sách của người Việt Nam nói chung. Có lẽ chính vì vấn đề “không đáng tự hào” này mà tại TP.HCM, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã phối hợp cùng các cá nhân, đơn vị liên quan (Công ty Đường Sách TP.HCM, Hội Xuất bản Việt Nam, Cục Xuất bản - In và Phát hành sách thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông…) xây dựng, tổ chức, thực hiện nhiều hoạt động liên quan đến sách, đọc sách, viết sách, truyền bá văn hóa đọc,… trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp và dần mở rộng đến các đối tượng khác trong những năm gần đây.

Đây thật sự là một nỗ lực rất đáng trân trọng và đáng được ủng hộ của Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn trong bối cảnh mà áp lực “cơm áo gạo tiền” đang đè nặng lên báo chí và việc dấn thân vào những lĩnh vực không “câu view” thì không phải là ai cũng dũng cảm dám làm. Là doanh nghiệp, chúng tôi càng hiểu và trân quý tinh thần “dấn thân” đó.

Quan điểm, nhìn nhận về “văn hóa đọc” là gì?

Trước khi nói về “văn hóa đọc” trong một doanh nghiệp, rộng hơn là một tổ chức, đất nước thì phải nói đến việc “đọc” của từng cá nhân, từng người. Trong cụm từ “văn hóa đọc” thì “đọc” có thể phân tích dễ hơn còn “văn hóa” thì khái niệm rộng và đa dạng hơn rất nhiều (cho dù có thể xét trong giới hạn các thuộc tính của nó như “điều tốt, đặc trưng, tính phổ biến, tính kế thừa”). Vì vậy, xin không “luận” quá nhiều về việc phân tích “văn hóa” mà chỉ đề cập nhiều hơn về vấn đề “đọc”.

Trong vấn đề “đọc” thì hiểu một cách rộng là việc đọc các loại hình thông tin, ấn phẩm nhưng chúng ta đều hiểu trong phạm vi đang bàn thì là việc đọc sách. Ngay cả sách thì trong thời đại hiện nay, cũng có thể là sách in, sách dạng “số”… Tuy nhiên, ở đây tôi chỉ xin nêu quan điểm và chia sẻ về việc đọc sách in vì theo tôi, nếu đã có “văn hóa đọc” sách in thì việc tiếp nhận, bổ sung hay thậm chí là thay đổi sang đọc sách dưới dạng “số” sẽ không phải là trở ngại hay khó khăn gì. Cái khó chính là xây dựng “văn hóa đọc” sách in (của cá nhân).

Link bài viết

Như trên đã nói, văn hóa đọc dù của doanh nghiệp hay rộng ra là một đất nước được hình thành từ “văn hóa đọc” của cá nhân và ở đây là đọc sách in. Để đơn giản, từ đây xin được hiểu “đọc” trong “văn hóa đọc” là “đọc sách in” trừ khi có giải thích thêm.

Trong bài trích dẫn (1) ở trên, có một ý kiến thế này: “Việc phát triển văn hóa đọc cá nhân tập trung vào ba thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc”. Các thành phần này đều đúng là cần nhưng chưa phải là điều cần có đầu tiên (để tạo được “văn hóa đọc” ở cá nhân). Theo cá nhân tôi, trước hết cần phải có và cảm nhận được “cảm xúc” (hoặc một cái gì đó tương tư như vậy) khi cầm quyển sách trên tay. Với người yêu đọc sách thì cái cảm xúc này rất là thú vị, chẳng hạn:

- Cảm giác khi khẽ lật từng tờ từng tờ một, lướt mắt trên từng con chữ trên trang giấy, nghe mùi mực, mùi giấy, chiêm ngưỡng những hình ảnh, thưởng ngoạn không chỉ là nội dung mà còn hình thức của cả quyển sách. Thế chẳng phải sách là một vật tác động vào cả thị giác, xúc giác, khứu giác, thính giác của chúng ta sao

- Cảm nhận “dấu ấn” thời gian trên những quyển sách đã được ra đời từ bao năm trước mà nếu đọc sách trên những thiết bị công nghệ thì làm sao có được cảm nhận này

- Nếu “văn là người” thì chắc chắn “sách cũng là người”. Một quyển sách hay khi ta đọc, nó cho ta hình dung ra người viết, tác giả như thế nào, thậm chí có thể hình dung tính cách, suy nghĩ, quan điểm, tư tưởng, kiến thức, trình độ, tư cách của người đó. Sách còn là người vì ở vai trò là người đọc, quyển sách hay là quyển sách đem lại cho ta điều gì đó tốt đẹp hơn về kiến thức, tri thức, định hướng hay thậm chí làm chuyển biến cả bản thân ta

- Cầm sách trên tay, có thể lật tới lật lui, tham chiếu bất kỳ trang nào, phần nào, chẳng phải là “tiện lợi” hơn là sách điện tử trên các thiết bị công nghệ sao!

Chỉ khi có một “cảm xúc” với sách thì mới tạo ra những niềm vui, thú vui và thậm chí thành một đam mê tao nhã bên cạnh (nếu không muốn nói là trước cả khi) giá trị mà sách mang lại cho bản thân mình. Vậy với từng cá nhân, hãy tạo “cảm xúc” cho việc đọc của mình trên hành trình hình thành một “văn hóa đọc” của bản thân.

Kinh nghiệm thực tế về “văn hóa đọc trong doanh nghiệp” tại công ty chúng tôi như thế nào?

Nếu câu hỏi 2 đề cập việc “phát triển văn hóa đọc” trong doanh nghiệp tất yếu phải khởi nguồn từ “văn hóa đọc” của cá nhân thì trên thực tế, việc “đọc” trong doanh nghiệp của chúng tôi (Công ty HPT) đã và đang diễn ra như thế nào?

Trước hết nói về điều kiện thuận lợi cho việc “đọc”. Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng, một trong những lĩnh vực có tốc độ thay đổi rất nhanh, việc “đọc” (ít nhất là để cập nhật kiến thức, thông tin, học tập để có hiểu biết, trình độ, bằng cấp, chứng chỉ làm việc) là việc diễn ra thường xuyên và liên quan nhiều cán bộ, nhân viên. Vì vậy, thói quen phải “đọc” cũng đã hình thành trong đại đa số thành viên công ty.

Tiếp theo, HPT may mắn có nhiều cán bộ lãnh đạo (trong đó có hai lãnh đạo cao nhất công ty) có niềm đam mê, yêu, thích và đầu tư rất đáng kể cho việc sưu tầm, mua và đọc sách. Từ đó, công ty chúng tôi cũng tổ chức, thực hiện nhiều phong trào có liên quan mà một số sẽ được chia sẻ bên dưới.

Nhưng bên cạnh thuận lợi, rào cản cũng không nhỏ. Đặc thù của lực lượng lao động trong ngành này là tuổi đời bình quân khá trẻ. Vì vậy, cũng không nằm ngoài “đặc thù” chung, đó là mức độ quan tâm và đọc sách cũng không cao. Ngoài ra, từ năm 2019 trở về trước, văn phòng làm việc đều là các mặt bằng mà công ty phải đi thuê. Vì thế, việc xây dựng một không gian cho việc đọc như mong muốn cũng chưa có điều kiện để thực hiện.

Link bài viết

Vậy nhận thức về việc “đọc” trong doanh nghiệp của ban lãnh đạo chúng tôi là gì? Trước hết, tất nhiên việc “đọc” (trong đoạn này thì việc “đọc” được hiểu rộng hơn, không chỉ là đọc sách) rất quan trọng với đại đa số cán bộ, nhân viên ở tất cả các cấp để cập nhật kiến thức, tri thức, hiểu biết để trước hết là phục vụ cho công việc và sau đó là phát triển bản thân. Xin cũng không phân tích nhiều thêm về tầm quan trọng này, nhất là trong làn sóng của những thay đổi về công nghệ (cách mạng công nghiệp, công nghệ), về chuyển đổi số, về hội nhập, cạnh tranh… vì cũng có nhiều phân tích về vấn đề này rồi.

Việc “đọc” cũng rất quan trọng trong doanh nghiệp chúng tôi vì rất nhiều vấn đề, thông tin cần truyền thông nội bộ trong vận hành, định hướng, điều chỉnh, chia sẻ... được “viết, ghi” trong nhiều loại tài liệu của công ty (trong đó có cả các ấn phẩm được đề cập bên dưới). Giá trị của việc đọc với nhận thức của chúng tôi còn là để thích nghi kịp thời với những vấn đề khốc liệt trong kinh doanh, cạnh tranh và những thay đổi của ngành, lĩnh vực, quan hệ quốc tế và môi trường, chính sách vĩ mô.

Điều đặc biệt, trong nhận thức và cả trải nghiệm thực tế nữa của chúng tôi, việc “đọc” sách là cách để con người (tức là cán bộ, nhân viên) trở nên khiêm tốn hơn. Chỉ những người lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp trong ngành này và có thể có ở những ngành khác mới thấm và hiểu thực trạng bệnh “ngôi sao” của nhân viên, về tình trạng “nhảy việc”, về việc tạo môi trường để nhân viên phát triển rồi lại phải lo “giữ” người. Đúng là để tạo sự khác biệt cần phải có “ngôi sao” nhưng thành công và phát triển không chỉ có “ngôi sao” là đủ và khi đó tính khiêm tốn là đức tính rất cần có của những “ngôi sao” (để là “ngôi sao” thật sự chứ không phải là “bệnh ngôi sao”). Chắc chắn rằng khi một “ngôi sao” có tính khiêm tốn thì doanh nghiệp cũng được “lợi”, đó là một giá trị nữa mang lại gián tiếp cho doanh nghiệp khi mà cá nhân có “văn hóa đọc”.

Cuối cùng, trong nhận thức của chúng tôi, việc “đọc” sách là cách để tìm lại sự cân bằng trong công việc và cả cuộc sống giữa bộn bề bao nhiêu phức tạp, lo lắng và trách nhiệm của mỗi cá nhân, chứ không chỉ là của giới doanh nhân, chủ, lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp. Minh chứng là trong “Top 100 quyển sách đáng có trong tủ sách doanh nghiệp” năm nay, có không ít sách về những chủ đề như tâm linh, triết lý sống… bên cạnh những sách “chuyên môn”! Và chắc là sự “cân bằng” còn góp phần để hướng con người đến những điều thiện lành hơn, giảm lòng tham, sự gian dối.

Với những thuận lợi, khó khăn và nhận thức như trên, chúng tôi đã “phát triển văn hóa đọc” trong công ty như thế nào? Việc đầu tiên đó là chúng tôi thực hiện việc “viết” đi cùng với “đọc”. Nghĩa là tạo ra những “sân chơi” để cán bộ, nhân viên có thể “viết” về bất cứ chủ đề nào mình thích, tất nhiên miễn là không vi phạm đạo đức, chính trị, thuần phong mỹ tục. Trong đó, chúng tôi tự hào nhất về hai ấn phẩm in: thứ nhất là báo nội bộ có tên Hotnews được phát hành hằng quý, trong đó nội dung ngoài việc điểm tin hoạt động công ty, chia sẻ các bài viết về quản trị, định hướng còn lại là chủ đề “tự do”. Thứ hai là các sách viết của HPT: quyển đầu tiên “xuất bản” từ năm 2005 (cột mốc 10 năm thành lập công ty) và sau đó cứ mỗi 5 năm, chúng tôi có một quyển, trong đó hình thức được làm đồng bộ để tạo thành một “series” dễ nhận dạng, nội dung được bố cục phong phú gồm nhiều chương, mục với các chủ đề đa dạng, sâu sắc.

1-1400-1638678073.jpg

“Báo nội bộ” Hotnews của HPT

Trong các công ty công nghệ nói riêng, các doanh nghiệp nói chung, chắc cũng ít doanh nghiệp nào có “bộ sách” viết như HPT. Chính từ những việc khiêm tốn như vậy, chúng tôi hy vọng tạo ra được “văn hóa đọc” của cán bộ, nhân viên vì ít nhất khi thích hay quan tâm “viết” thì chắc chắn người đó sẽ thích và quan tâm “đọc”. Ngoài việc “viết và đọc” như một cách “phát triển văn hóa đọc” chủ đạo, chúng tôi còn lồng ghép việc khuyến khích, tạo cảm hứng đọc sách cho cán bộ, nhân viên qua nhiều hoạt động phong trào khác như chia sẻ, trao đổi về sách hay (trong phạm vi nhất định), tặng sách; tặng quà bằng sách…

Tóm lại, chúng tôi nghĩ rằng, với HPT việc đọc nói chung và đọc sách nói riêng là thật sự cần thiết và quan trọng không chỉ là từ yêu cầu và áp lực của công việc đối với cá nhân và công ty mà còn là một công cụ, phương tiện để giữ cho bản thân từng người phát triển hài hòa, hướng thiện và góp phần để cá nhân cảm thấy hạnh phúc hơn và tổ chức phát triển theo đúng tầm nhìn và giá trị cốt lõi của mình. Cho dù những việc đã thực hiện được còn chưa nhiều nhưng chúng tôi tự tin vào nền tảng nhận thức về “văn hóa đọc” của riêng mình để tiếp tục phát triển nó nhiều hơn nữa.

Những ý tưởng, đề xuất gì để “phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp”?

Khi được mời tham gia hội thảo này, tôi cũng hiểu rằng không chỉ chia sẻ câu chuyện “trong nhà” mà còn phải cố gắng đề xuất những ý tưởng để đóng góp cho việc thúc đẩy, phát triển văn hóa đọc nói chung và văn hóa đọc trong doanh nghiệp nói riêng, cho dù có thể những ý tưởng, đề xuất đó trùng lắp với người khác (và như thế thì xin gửi lời xin lỗi) hoặc có thể cũng chỉ dừng lại ở mức là ý tưởng.

Trước hết, trên bình diện chung của xã hội, chúng tôi nghĩ rằng để “phát triển văn hóa đọc” nói chung mà doanh nghiệp là một thành phần thì cần sự quan tâm, tham gia và hành động cụ thể của nhiều nhà mà chắc chắn trước hết là từ “nhà ở” (tức là gia đình). Xin không đề cập đến “nhà” này, còn lại theo thiển ý của cá nhân tôi, các “nhà” đó là 5 nhà: Nhà nước - nhà xuất bản - nhà giáo - nhà báo - nhà doanh nghiệp”.

Vì sao? Đầu tiên, không thể hoặc khó thay đổi việc “đọc” của một người khi họ đã đi làm việc. Thậm chí, khi còn là tuổi “teen” việc thay đổi thói quen “đọc” cũng đã là khó (nghĩa là dành thời gian cho việc đọc sách nhiều hơn là đọc tin tức, lên “phây”…).

Trong bài (1) có trích dẫn câu nói của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, câu nói hình tượng hóa việc thay đổi (muộn) này như là việc: “ép một người đổi chuyến bay khi máy bay đã cất cánh…”. Chính vì vậy cần hình thành cảm xúc, thói quen, sở thích, đam mê đọc từ sớm nhất có thể ở từng cá nhân cũng như tạo môi trường “văn hóa đọc” ở nhiều nơi của môi trường sống, học tập, làm việc. Việc đọc được nâng tầm lên “văn hóa đọc” thì còn đòi hỏi rất nhiều điều, đòi hỏi quá trình, sự liên tục và phổ biến chứ không chỉ qua vài phong trào, sự kiện (dù phong trào, sự kiện cũng rất cần thiết để khuyến khích, thúc đẩy, chia sẻ và công nhận).

Doanh nghiệp cũng là một thành phần của xã hội, một mắt xích trong sự vận động chung của một quốc gia cho nên sự tương tác qua lại với các thành phần khác là hiển nhiên nên cho dù chỉ là mục tiêu “phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp” thì chỉ sự vận động của doanh nghiệp thôi là chưa đủ hoặc khó đạt kết quả hơn.

Trong khuôn khổ của tham luận này, xin mạo muội đề xuất một số ý tưởng, ý kiến sau:

Thứ nhất, mong rằng “sách” sẽ được Nhà nước xem là “mặt hàng thiết yếu” trong bất cứ hoàn cảnh nào. Sự công nhận này sẽ góp phần rất quan trọng về thay đổi nhận thức của người dân về vai trò của sách và ý nghĩa của việc đọc sách

Thứ hai, các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là các báo, đài trung ương, địa phương lớn nên có những chương trình riêng về sách, văn hóa đọc, thậm chí là phát trong những khung giờ vàng. Việc này không thể chỉ làm như sự kiện hay phong trào mà cần truyền bá, truyền thông như một việc thường xuyên, lâu dài

Thứ ba, cần có những chính sách cụ thể hóa hỗ trợ cho sách, cho những đối tượng đóng vai trò quan trọng cho việc phát triển văn hóa đọc. Đó có thể là chính sách ưu đãi về thuế với mặt hàng sách (kể cả sách nhập khẩu), thuế thu nhập doanh nghiệp kinh doanh sách, hỗ trợ các chi phí vận chuyển, phát hành sách, hỗ trợ cấp phát sách cho các đối tượng như giáo viên, cán bộ công chức trong các ngành liên quan…

Thứ tư, dù đã có những quy định xử lý những hành vi in lậu sách, xuất bản sách kém chất lượng nhưng việc thực thi chưa đủ mạnh để răn đe và ngăn chặn triệt để các hành vi này. Cần phải thực thi mạnh mẽ hơn để thật sự phát huy được mục đích của luật pháp trong lĩnh vực này.

Thứ năm, cần xây dựng một chương trình cụ thể để giáo viên các cấp có điều kiện và trách nhiệm hướng học sinh đến việc đọc có hiệu quả, hình thành cảm xúc, đam mê đọc sách. Và tất nhiên, giáo viên phải là tấm gương, kể cả lúc còn là sinh viên sư phạm.

Thứ sáu, nói đi thì cũng nói lại, làm sao để các nhà xuất bản phải đảm bảo chất lượng của những ấn phẩm, bản sách của mình để sách thật sự có giá trị cho người đọc dù ít hay nhiều.

Thứ bảy, hiện có những chương trình bình chọn và trao giải cho sách nhưng có vẻ ít các giải thưởng cho tác giả, dịch giả và thậm chí những người nhận xét, phê bình sách. Cần tạo ra thêm nhiều chương trình ghi nhận những danh hiệu cá nhân này để độc giả có những chỗ dựa chính thức, tin cậy khi cần tìm hiểu, tư vấn, lựa chọn quyển sách cần cho vấn đề mình quan tâm

Thứ tám, làm sao để “phổ cập” sách và môi trường đọc sách rộng rãi hơn trong cuộc sống. Chẳng hạn, trong các tiêu chuẩn để được công nhận là “khu phố văn hóa” (tham khảo trên Internet) thì có khá nhiều tiêu chí định lượng “văn hóa’ nhưng hình như không có tiêu chí nào về sách và nơi đọc sách, không rõ “nông thôn mới” thì như thế nào. Rồi có thể quy định hay kêu gọi các nhà phát triển bất động sản, trong bất kỳ dự án bất động sản nào cũng cần có khu vực dành cho sách và đọc sách của cư dân. Các khu công nghiệp, công nghệ cũng cần có mô hình tương tự.

Thứ chín, với tâm và khả năng của mình, cần có nhiều doanh nghiệp hơn nữa cùng tham gia vào việc “phát triển văn hóa đọc”, truyền cảm hứng cho nhiều người thông qua những chương trình, việc làm dài hạn chứ không chỉ là những việc theo vận động, theo sự kiện, chẳng hạn hỗ trợ việc in, phát hành sách, giảm giá thành của sách để nhiều người có thể mua được, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng quan trọng nhưng ít có điều kiện: học sinh, giáo viên, người thu nhập thấp nhưng hiếu học hiếu đọc.

Trong khuôn khổ bài tham luận này, tôi chỉ mong muốn chia sẻ những trải nghiệm và kinh nghiệm rất thực tế từ bản thân và doanh nghiệp của mình để cùng đóng góp vào việc nhìn nhận đa chiều giá trị của “văn hóa đọc”, trong đó giá trị của nó không chỉ đối với từng cá nhân mà còn đem lại những lợi ích rõ ràng cho cả doanh nghiệp.

Tôi còn nhớ một đề văn biện luận từ thuở còn học phổ thông: Hãy phân tích và biện luận phát biểu nào là đúng “Anh hùng tạo thời thế hay thời thế tạo anh hùng” và bài làm được xem là tiêu biểu thuyết phục nhất là “Anh hùng tạo thời thế trong điều kiện thời thế tạo anh hùng”. Xin mượn câu này, không phải để nói rằng các cá nhân và các tổ chức đang nỗ lực, dấn thân vào việc thúc đẩy, truyền bá “phát triển văn hóa đọc” (không chỉ trong doanh nghiệp) là “những anh hùng” mà chỉ muốn mượn ý là từng cá nhân, tổ chức có thể cống hiến cho một việc có ích và kiên trì với những mục tiêu cùng với sự hỗ trợ, ủng hộ của xã hội, của các cơ quan quản lý thì niềm tin về sự thành công sẽ được hiện thực hóa.

“Một con én không làm nên mùa Xuân” nhưng chắc nhiều con én sẽ làm cho mùa Đông ấm hơn!

(*) Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp: Kinh nghiệm thực tế từ HPT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO