Liệu an ninh năng lượng quốc gia có được đảm bảo khi hơn một nửa hệ thống điện phụ thuộc vào nhiệt điện than, trong đó 2/3 nguồn nhiên liệu phụ thuộc vào bên ngoài?
Đọc E-paper
Đó là câu hỏi đặt ra khi nhìn vào cơ cấu nguồn điện trong Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 được Chính phủ quyết định hiệu chỉnh hồi tháng 3/2016 (Quy hoạch Điện 7 hiệu chỉnh).
Theo hiệu chỉnh này, nhiệt điện than vẫn dự kiến chiếm tới hơn 50% tổng sản lượng điện sản xuất trong 10 và 15 năm tới. Khối lượng than nhập khẩu để phát điện dự kiến vào năm 2030 lên tới hơn 85 triệu tấn, cao gần gấp đôi so với lượng than nội địa cung ứng.
Trước đó, trong Quy hoạch Điện VII, do nhu cầu điện được dự báo rất lớn, mà nguồn năng lượng sơ cấp (than trong nước), dầu, khí và thủy điện đều hạn chế, nên buộc phải phát triển nhiệt điện. Thời điểm lập Quy hoạch Điện VII, giá điện, đặc biệt là nhiệt điện còn được bao cấp đầu vào là than nhiên liệu với giá chỉ bằng 40 - 50% giá thành, do đó, giá điện than vẫn còn rất thấp.
Vì vậy, muốn đưa năng lượng tái tạo, chủ yếu là năng lượng gió và năng lượng mặt trời vào thay thế cho nhiệt điện than vào thời điểm đó khó khả thi vì giá các nguồn năng lượng này kém cạnh tranh, cho dù Nhà nước đã có nhiều biện pháp trợ giá.
Cơ chế bù giá cho nhiên liệu hóa thạch hiện đã chấm dứt. Từ tháng 7/2014, than cấp cho nhiệt điện than đã theo giá thị trường. Với một số nhà máy đã vận hành như Mạo Khê, Cẩm Phả, Quảng Ninh 1 và Quảng Ninh 2, trước khi được tính giá than theo thị trường, giá thành quy đổi giao dịch từ 3,7 tới 4,2 cent/kWh. Sau khi than được tính theo giá thị trường, giá thành đã tăng lên tới 5,5 - 6,5 cent/kWh. Một số nhà máy sử dụng than nhập khẩu như Na Dương, Long Phú 1, Sông Hậu 2, giá thành đã tăng tới 8,38 cent/kWh.
Nếu tính giá than hằng năm tăng lên 2% và có tính tới khả năng đánh thuế carbon nhiệt điện thì giá thành quy đổi của nhiệt điện than sẽ tăng lên nhiều, có nhà máy nhiệt điện giá thành lên tới 10,4 ±1 cent/kWh. Với giá thành này thì năng lượng gió đủ khả năng cạnh tranh trong tương lai.
Trong khi đó, phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới đang diễn ra mạnh mẽ. Theo Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP), đầu tư của thế giới vào năng lượng tái tạo cao gấp 2 lần so với đầu tư vào nguồn điện từ nhiên liệu hóa thạch trong năm 2015. Lần đầu tiên trong năm 2015, đầu tư vào năng lượng tái tạo của các quốc gia không thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cao hơn 20% so với các nước phát triển.
Kỹ thuật - công nghệ trong lĩnh vực này, đặc biệt là với điện năng lượng mặt trời đang được cải thiện hằng ngày, giá thành công nghệ giảm nhanh có thể cạnh tranh được với điện từ nhiên liệu hóa thạch. Tại Ấn Độ, giá điện cho 1 kWh từ năng lượng mặt trời khoảng 6,5 cent, đang rẻ hơn so với nhiệt điện than.
Những thông tin, phân tích trên cho thấy, năng lượng gió và năng lượng mặt trời là hai nguồn năng lượng tái tạo có cở sở để thúc đẩy phát triển mạnh trong tương lai. Trong Quy hoạch Điện 7 hiệu chỉnh, tỷ trọng của năng lượng tái tạo đã được tăng lên (37,9% tổng công suất năm 2030) nhưng bao gồm cả thủy điện lớn và vừa, trong khi năng lượng gió và năng lượng mặt trời là hai nguồn năng lượng tái tạo được mong đợi phát triển nhất thì vẫn chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn.
Tại Việt Nam, những tác động làm ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và xã hội của nhiệt điện than chưa được đánh giá đầy đủ và tính toán vào giá thành. Giá điện cần minh bạch và bao gồm đầy đủ các chi phí liên quan đến môi trường, xã hội, thuế carbon, có như thế, mới tạo điều kiện cho năng lượng tái tạo cạnh tranh được về giá.
Hiện thực hóa các định hướng mà Quy hoạch Điện 7 hiệu chỉnh đã đề ra song cũng cần khắc phục những khoảng trống như đã phân tích. Cạnh đó, khẩn trương ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và công nghệ tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế đối với nhà máy nhiệt điện than. Hơn nữa, cần thường xuyên nghiên cứu hiệu quả đầu tư của các nhà máy điện theo các kịch bản phát triển để tạo sự đột phá cho phát triển năng lượng tái tạo trong Quy hoạch Điện VIII sắp tới.
NGUYỄN HOÀNG ghi
>Giá điện không cần tần suất điều chỉnh ngắn mà cần ổn định
>Đầu tư cho năng lượng sạch tăng chưa từng thấy