Trong buổi tọa đàm trực tuyến do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức tối 28/7 với chủ đề Thực hiện mục tiêu kép qua góc nhìn Chính sách hỗ trợ cho người lao động, một lần nữa vấn đề chính sách hỗ trợ cho người lao động mất việc, giúp họ an tâm ở nhà để cùng chống dịch cũng như các chính sách hỗ trợ DN hoạt động lại được bàn luận nhiều nhất.
Tham dự buổi tọa đàm gồm có TS. Huỳnh Thế Du - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý ĐH Fulbright Việt Nam, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng, ông Mã Thanh Danh - Tổng giám đốc Công ty Tư vấn và đầu tư quốc tế CIB, Phó tổng giám đốc Kido, ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM và nhiều chuyên gia đến từ các viện, CLB các nhà kinh tế, các doanh nhân...
Phát tiền cho người lao động mất việc để họ ở nhà
Để khống chế dịch bệnh, ngoài việc tiêm chủng vaccine cho toàn dân thì các biện pháp thắt chặt giãn cách xã hội, bóc tách F0 khỏi cộng đồng được các chuyên gia đánh giá là chiến lược thích hợp trong tình thế hiện nay. Tuy nhiên giải pháp này phải có sự hợp tác của người dân, người lao động. Muốn như vậy thì phải làm sao cho các chính sách hỗ trợ đến với họ nhanh nhất.
Phát biểu quan điểm về vấn đề này, TS. Huỳnh Thế Du cho rằng hỗ trợ tiền cho người dân là điều quan trọng để họ an lòng cùng hợp tác với chính quyền chống dịch. Do đó, ông đề nghị các gói hỗ trợ phải mang tính thiết thực, có thể phát tiền trực tiếp để mỗi người dân đủ mua thực phẩm thiết yếu trong vòng 6 tháng. Ông Du nhấn mạnh: "Tôi cho rằng đây là giải pháp tốt nhất hiện nay, vì khi người dân không phải lo đến bữa ăn hàng ngày họ sẽ ở trong nhà, lúc đó chính quyền chỉ tập trung lo chống dịch".
Mới đây, gói hỗ trợ 886 tỷ đồng của TP.HCM đã nhanh chóng tới tay người dân. Ảnh: QĐND |
Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá việc phát tiền trực tiếp cho dân là giải pháp an dân cần được tính đến khi ngày càng có nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội, người dân không có việc làm, mất thu nhập. Ông đề nghị: "Chúng ta có thể lựa chọn đối tượng phát tiền, ví dụ như những người mất việc làm, không phân biệt người có hộ khẩu, người tạm trú, người có hợp đồng lao động, người lao động tự do... mà chỉ cần hệ thống đoàn thể địa phương xác nhận mất việc làm thì cấp tiền cho họ trong vòng 6 tháng để họ an tâm ở nhà".
TS. Du đề xuất hỗ trợ người dân trong 6 tháng tới bằng 3.400.000 đồng một người (tương đương 5% tổng GDP) và số tiền này cấp đồng đều cho mọi người, không phân biệt giàu - nghèo. Còn TS. Nguyễn Trí Hiếu lại mong muốn Chính phủ hỗ trợ mỗi người dân 1 triệu đồng mỗi tháng, trong 6 tháng.
Ông Mã Thanh Danh cũng cho rằng việc phát tiền lúc này thực hiện dễ chứ không khó vì TP.HCM đã có hệ thống hóa cơ sở, chỉ cần giải ngân hỗ trợ cho người dân qua các phần mềm chuyển tiền như MOMO chẳng hạn, thì người dân nhận tiền vừa nhanh, vừa tránh được khâu trung gian có thể gây nhũng nhiễu, hạn chế việc người dân có tên trong danh sách nhưng không nhận được tiền.
Hỗ trợ DN dựa theo nhu cầu cần vaccine trước hay cần vay vốn trước
Làn sóng người lao động từ TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ đổ về quê tránh dịch... có thể dẫn đến việc thiếu hụt lao động cho DN trong tương lai. Ông Mã Thanh Danh khẳng định DN hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề này bằng cách ứng xử với người lao động sau khi họ tạm nghỉ.
Nếu không DN có điều kiện phát cho công nhân 1 tháng lương thì cũng phải có những món quà nhỏ bé như khẩu trang, chai nước rửa tay... Sự cư xử tình nghĩa của DN sẽ là điểm tựa tinh thần để người lao động lưu luyến vì người Việt Nam luôn trọng tình nghĩa.
Chính phủ nên lập Tổ hợp Tín dụng bảo lãnh cho DN vay tín chấp |
TS. Huỳnh Thế Du chia sẻ, nguồn lao động có cầu ắt có cung nên thay vì lo thiếu hụt người lao động, Chính phủ hãy lo cứu DN để họ có thể tồn tại và hoạt động trở lại sau dịch.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, cần chia DN thành hai loại để hỗ trợ. Thứ nhất là các DN đang thực hiện 3T và vẫn đang sản xuất, cung ứng và vẫn có nguồn lợi. Thứ hai là các DN phải ngưng hoàn toàn hoạt động vì không đủ điều kiện 3T hoặc bị đóng cửa, phong tỏa do có ca nhiễm Covid-19. Chính phủ nên dựa vào điều kiện thực tế của các DN trong 2 nhóm đó để chọn phương pháp hỗ trợ ưu tiên: hoặc tiêm chủng trước, hoặc cho họ vay vốn trước.
Ở góc độ ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, ông luôn nhất quán với quan điểm: Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước tập hợp các ngân hàng thương mại mạnh lập ngay một Tổ hợp Tín dụng. Tổ hợp Tín dụng đó có số vốn ít nhất vài trăm ngàn tỷ đồng và cho DN vay tín chấp với lãi suất thấp, thông qua bảo lãnh vay từ Chính phủ.
"Giảm lãi suất không phải là giải pháp cứu DN vì hiện có nhiều DN không đáp ứng yều cầu vay. Chỉ có cho vay tín chấp từ gói Tổ hợp tín dụng mới cứu được số đông DN đang gặp khó khăn hiện nay" - TS. Hiếu giải thích.
Đồng thời nhấn mạnh: "Nếu các ngân hàng lo sợ rủi ro từ việc cho vay tín chấp, chúng ta có thể cân nhắc đến các Quỹ bảo lãnh Tín dụng quốc gia của Chính phủ, khi đó các ngân hàng thành lập quỹ liên kết với quỹ bảo lãnh quốc gia để thực hiên cho vay, việc này sẽ giảm thiểu rủi ro cho các ngân hàng”.
Bạn đọc có thể xem nội dung chi tiết của buổi tọa đàm trong bản tin Café với Doanh Nhân Sài Gòn, phát sóng vào lúc 6 giờ sáng thứ Bảy ngày 31/7/2021 trên Doanh Nhân Sài Gòn online tại địa chỉ: doanhnhansaigon.vn và trên fanpage https://www.facebook.com/tapchidoanhnhansaigon.
Nội dung này cũng được phát trên Đài tiếng nói Nhân dân TP.HCM - VOH tại chương trình Nhịp sống 877, ngày thứ Bảy, vào khung giờ từ 12 giờ - 13 giờ trên tần số: FM 87.7Mhz.