![]() |
Tôi gặp Dũng lần đầu tiên trong chuyến làm phim Xích lô của đạo diễn Trần Anh Hùng, một chàng “Tây con” , ngơ ngác tò mò giữa một đám đông hỗn độn nửa tiếng Pháp, nửa tiếng Việt. Sau bao năm gặp lại, vẫn cái vẻ rộn ràng háo hức ấy, nhưng anh bây giờ đã trở thành “ma xó Sài Gòn”, đường hoàng là một nhà sản xuất phim có tiếng trong làng quảng cáo.
![]() |
Với Trần Anh Dũng, Việt Nam là một sự lựa chọn sống còn, một cuộc khám phá đầy bất ngơ,â mạo hiểm về chính mình. Nơi anh được sinh ra lần thứ hai, được biết thế nào là mùi vị của hạnh phúc, được làm điều mình yêu thích nhất. Hóm hỉnh, tinh tế và lịch lãm, luôn chân thành với bạn bè, anh đã gầy dựng sự nghiệp với hai bàn tay trắng cùng nỗi đam mê nồng nhiệt với nghiệp làm phim và trong điều kiện khắc nghiệt của một đất nước mà nền công nghiệp điện ảnh còn nhiều khiếm khuyết.
* Là đại diện đầu tiên của hãng Lazennec tại Việt Nam, mơ ước của anh là làm phim nghệ thuật, vì sao anh lại chuyển sang làm phim quảng cáo?
- Đó quả thật là một câu chuyện dài... Lazennec là hãng phim Pháp chuyên đầu tư phát hiện tài năng trẻ với các bộ phim ngắn, và tôi hy vọng với sự đầu tư này, có thể góp phần đào tạo ra những thế hệ nhà sản xuất, đạo diễn, thiết kế mỹ thuật, ánh sáng... chuyên nghiệp cho điện ảnh Việt Nam vốn rất thiếu vào giai đoạn những năm 1990. Nhưng một vài dự án làm phim đã bất thành, như Chuyện tình kể trước lúc rạng đông, đã khiến tôi, một chàng trai 24 tuổi lúc đó ...buồn vô hạn. Ê kíp chủ chốt của hãng phim nhiều người đã bỏ về nước.
Riêng tôi quyết tâm ở lại. Tôi nghĩ đây là đất của mình, nước của mình, không lý do gì ngăn cản mình xây dựng nguồn nhân sự vốn đã gắn bó với mình bấy lâu nay, giúp họ trưởng thành. Không thể trông chờ vào tiền tài trợ từ bên ngoài, chỉ còn cách làm phim quảng cáo để từ đó lấy tiền làm phim nghệ thuật, gầy dựng đội ngũ. Vả lại, phụ nữ Việt Nam quá đẹp, làm sao mà bỏ đi được (cười hóm hỉnh).
* Khi về nước, một chữ tiếng Việt còn không biết. Làm thế nào anh học tiếng Việt nhanh thế?
- Quyết định ở lại Việt Nam khiến tất cả thành viên trong gia đình tôi đều bất ngờ. Không hiểu sao, tôi thấy nơi này gần gũi đến thế, mặc dù mình nói bằng ngôn ngữ khác. Sống trong một đất nước đáng yêu, trong tình thân của những người bạn trẻ, tôi thấy mình lớn lên từng ngày, được tái sinh từng ngày, tươi mới và tràn đầy tình yêu cuộc sống. Sau bao năm xa cách, cha tôi đã tìm được mẹ. Mẹ đã khiến tôi muốn về đây xây dựng gia đình. Khi bạn đã yêu, việc học tiếng trở nên thật dễ dàng...
* Anh vừa nói mình được sinh ra lại mỗi ngày?
- Cuộc sống ở đây thú vị mỗi ngày, đầy khám phá và cơ hội, khiến tôi mạnh mẽ hơn. Đó chính là nền móng, gốc rễ cho những sáng tạo.
* Để trở thành một nhà sản xuất phim ở Việt Nam có gì khác so với ở nước ngoài?
- (Cười ) Với nhà sản xuất, quan trọng nhất là tầm nhìn. Khác nhiều lắm, vì lúc ấy ở Việt Nam chưa có công ty sản xuất phim nào đủ niềm tin cho các nhãn hàng quốc tế. Hầu hết phim quảng cáo đều sản xuất tại nước ngoài. Ai cũng nghĩ sản xuất phim ở nước ngoài chất lượng hơn.
Muốn tạo điều kiện cho ngành quảng cáo Việt Nam có cơ hội cọ xát với thế giới, tôi đã gặp gỡ rất nhiều nhà sáng tạo Việt Nam, nước ngoài đang làm việc ở các công ty đa quốc gia, thuyết phục họ cùng đầu tư cho môi trường quảng cáo Việt Nam. Và tôi đã may mắn gặp gỡ những người cùng tâm huyết như chị Mai Hương, Tổng giám đốc Công ty Quảng cáo Sattchi & Sattchi; anh Chính, Giám đốc sáng tạo của O & M, và những người bạn nước ngoài yêu Việt Nam.
![]() |
Ở Indonesia, quy định của Nhà nước rất rõ ràng để ngân sách quảng cáo không bị chảy ra nước ngoài. Tôi nghĩ Nhà nước Việt Nam cũng cần có những quy định cụ thể như vậy thì ngành quảng cáo mới tự vận động được, để bảo đảm cho sự phát triển lâu dài và hiệu quả.
Để chứng tỏ tay nghề, tôi phải tham gia vào tất cả các khâu của bộ phim, từ chọn bối cảnh, thiết kế phục trang, đạo cụ; rồi thức khuya dậy sớm cùng anh em để tìm ra những giải pháp... ít tốn tiền nhất mà vẫn đạt hiệu quả mong muốn... và cả chuyện giải thích với hải quan từng chức năng của mỗi loại máy móc nhập về.
Tôi học tiếng Việt nhanh cũng nhờ thế. Phải chăm chút từng li từng tí, cực nhưng vui lắm, vì thấy được cùng anh em học hỏi để trưởng thành. Tôi muốn xây dựng một công ty gia đình mà ở đó mọi thành viên đều bình đẳng với nhau trong việc xây dựng tương lai, sống vì nhau, tìm thấy sự ấm áp, chia sẻ cả trong thành công và thất bại. Phải cảm thấy hạnh phúc khi sống cùng nhau, mới có thể hạnh phúc khi làm việc cùng nhau.
* Hai năm liên tục 2007-2008 được giải thường Quả chuông vàng cho dòng phim quảng cáo của Hiệp hội quảng cáo Việt Nam, dân trong nghề vẫn nhắc đến Đông Nam qua những bộ phim quảng cáo cho Bitis’ “Nâng niu bàn chân Việt”, mũ bảo hiểm Helmet, kem P/S, KFC, Vinamilk...? Anh có thể kể về những ngày làm phim đáng nhớ ấy?
- Có rất nhiều những ngày đáng nhớ như thế. Khi nhận kịch bản Bitis’ từ Công ty Quảng cáo Leo Bernet, chúng tôi rất phấn chấn vì lần đầu tiên được làm phim cho một nhãn hàng Việt Nam. Câu chuyện phim trải dài từ Bắc tới Nam, mà chi phí thì hạn hẹp. Chúng tôi đã dựng cảnh ở Long Hải, với một quay phim người Mỹ, và thời gian quay không quá hai ngày. Chúng tôi rất vui vì đã có được những thước phim hiệu quả. Dường như cái khó, cái khổ kích thích sáng tạo hơn.
* Theo anh, khâu yếu nhất trong sản xuất phim quảng cáo và phim truyện hiện nay là gì?
- Thẩm mỹ. Đừng để phim truyền hình Việt Nam trở thành bản sao của phim Hàn Quốc, đừng để phim quảng cáo Việt Nam trở thành bản sao của Thái Lan. Văn hoá, thẩm mỹ người Việt phải thể hiện rõ ràng bản sắc. Bản sắc ấy không chỉ đơn thuần là áo dài, nón lá, múa rồng, dưa hấu...Cần dùng ngôn ngữ điện ảnh sâu sắc, tinh tế hơn, để tạo sự rung cảm cho người xem. Về phía doanh nghiệp, thẩm mỹ là một sự lựa chọn táo bạo, khác biệt, từ nhiều góc nhìn khác nhau.
Tôi rất thích thú khi xem đoạn phim quảng cáo của Vinamilk với hình ảnh con bò. Bất ngờ khi thấy họ đã khai thác hình ảnh đàn bò thành công như thế. Vinamilk quả thật dám làm, dám khai thác cái mới. Còn một số nhãn hàng dầu gội đầu hiện nay thì na ná giống nhau, chẳng dễ gì cho khách hàng cảm nhận sự khác biệt. Có lẽ vì họ đi theo đường mòn quá nhiều, quá lâu. Thị trường quảng cáo luôn cần sự đột phá, phải khác biệt đáng kể mới ngoi lên được.
Tôi chủ trương xây dựng từ nền tảng con người, máy móc, tư duy Việt Nam, nhưng ngôn ngữ quốc tế. Song song với ê kíp sáng tạo Việt Nam luôn được đào tạo, để nâng cao thẩm mỹ trong quảng cáo, Đông Nam liên tục tuyển dụng nhân sự từ nước ngoài như Marianne Laurence, thiết kế sản xuất người Pháp vừa mới tham gia hai bộ phim ăn khách ở Pháp (Kẻ thù số 1 của xã hội - đề cử 11 giải thưởng), và Daniel Ho, một nhà sản xuất phim trẻ có uy tín trong khu vực.
* Vậy theo anh, làm phim quảng cáo tại Việt Nam trong thời buổi kinh tế suy thoái này có cần nhiều tiền?
- Tôi nghĩ quan niệm ít tiền vẫn có thể làm phim hay là sai. Trên thế giới, những ví dụ về việc ít tiền mà vẫn có phim hay chỉ là thiểu số. Trong sản xuất phim, phải có kinh phí nhất định mới có thể thuê nguồn nhân lực tốt, đội ngũ sáng tạo tài ba. Không phải ai cũng làm được phim hay. Nhưng hiện nay thị trường Việt Nam vẫn còn cạnh tranh nhau về giá, phá giá nhau một cách vô lý với những lời... hứa hẹn suông!
Để rồi cho ra đời những bộ phim kém chất lượng về mọi khâu. Chuyện này cũng không thể kéo dài lâu được. Thị trường đang chọn lọc, khán giả cần những cái mới, những ý tưởng lạ. Năm 2009 sẽ là một năm khó khăn với các doanh nghiệp Việt Nam, chiến lược trong tương lai của chúng tôi là mở rộng hơn sự đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa với kinh phí tương đối, đồng hành và xây dựng mối quan hệ, cùng nhau vượt qua giai doạn khó khăn, nhưng vẫn duy trì và khẳng định vị trí về chất lượng đối với các khách hàng lâu năm là những agency quốc tế. Chuyển mình theo xu thế, trong đó yếu tố thời gian, kinh phí, thông điệp rõ ràng là quyết định. Muốn thế, phải có một đội ngũ trẻ, cởi mở, dám thử thách, làm mới mình mỗi ngày.
* Anh có thể nói cụ thể hơn về giá?
- Với phim nhựa, giá trung bình là 35 ngàn USD, nhưng với camera kỹ thuật số hiện đại Red Camera (HD chuyên nghiệp) chất lượng gần như phim nhựa có thể hạ giá thành xuống trung bình 25 ngàn USD cho một phim quảng cáo.
* Để điện ảnh Việt Nam tạo được sự đột phá, theo anh cần thiết nhất là gì?
- Tôi nghĩ cả Nhà nước và các doanh nhân làm điện ảnh phải cùng nhau xây dựng một nền điện ảnh đậm đà văn hóa Việt Nam. Muốn thế, Nhà nước phải có ngân sách để đào tạo một đội ngũ đạo diễn trẻ tầm cỡ quốc tế, biết nuôi dưỡng sự say mê. Để họ “vẽ” tự do mới có thể tạo nên những tác phẩm điện ảnh thực sự.
* Theo anh, làm thế nào để Việt Nam trở thành một “phim trường quốc tế”?
- Với một bờ biển dài và đẹp, những đền đài, chùa chiền xưa cũ, Việt Nam đã là đích nhắm của nhiều nhà sản xuất phim quốc tế. Nhiều đoàn phim đã định vào đây, nhưng cuối cùng lại phải sang nước khác. Việt Nam thiếu một đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp; luật pháp, thuế má chưa chi tiết, chưa thực sự khuyến khích các nhà sản xuất; đường xá, hệ thống dịch vụ còn kém. Đòi hỏi điều này cũng khó, vì Việt Nam còn quá nhiều điều cần làm trước. Nhưng văn hoá phải phát triển song song với kinh tế, nếu không sẽ có sự hụt hẫng lớn.
* So với chàng trai 24 tuổi ngày xưa khi mới đặt chân về Việt Nam, với những nỗ lực bản thân, anh thấy mình đã... khác xưa nhiều không?
- Tôi về Việt Nam với hai mục đích, lấy vợ, và được làm phim. Cả hai đã thực hiện được. Nhưng thay đổi lớn lao nhất trong con người tôi là biết sống có trách nhiệm hơn với gia đình, với bạn bè và nơi mình gắn bó, càng muốn xây dựng những gì mình yêu mến. Khi ở Pháp, ảnh hưởng xã hội với tôi không mạnh như ở Việt Nam.
Với con tôi, tôi cũng muốn cháu nhìn thấy tương lai từ những gì bố mẹ đang vun đắp, thấu hiểu về văn hoá Việt, con người Việt, để không bị lạc lõng giữa cuộc đời. Bám chắc vào cội rễ của văn hoá để biết mình sẽ đi về đâu. Từ khi có con, tôi cũng biết thương bố mẹ nhiều hơn. Sự lớn lên của đứa con liên quan đến giáo dục gia đình rất nhiều. Tôi luôn đặt hạnh phúc gia đình lên trên sự nghiệp.
Tôi là một người đàn ông có thiên hướng gia đình rất mạnh (cười hạnh phúc). Không chỉ gia đình riêng, gia đình chung của hai người, mà cả đại gia đình trong công ty. Để mỗi cá nhân trong công ty có một gia đình êm ấm, liên quan rất nhiều đến tầm nhìn, suy nghĩ, mục đích sống của mỗi người. Hơn ai hết, người chủ công ty phải sống như thế nào, để có thể chinh phục được lòng người. Quảng cáo là một ngành sáng tạo cao, sự yên ổn trong tâm hồn, sự yên tâm với môi trường sống, với tình yêu, với gia đình... là mảnh đất màu mỡ cho sáng tạo thăng hoa.
* Trong ứng xử với bạn bè, với người thân, với vợ, anh coi trọng điều gì nhất?
- Dựa trên sự cân bằng với nhau, gắn bó lâu dài, để cùng lớn lên. Sự công bằng phải đến từ hai phía, không đơn thuần chỉ là những đòi hỏi. Cả hai phải có khả năng làm cho người khác thay đổi theo hướng tích cực, biết chấp nhận những khác biệt. Tôi quan tâm đến chất lượng sống, sự hiểu biết lẫn nhau. Nhiều người cho rằng đàn ông Việt Nam thường hay gia trưởng, thích nhậu nhẹt và ít quan tâm tới vợ con. Tôi nghĩ phụ nữ cũng phải nỗ lực để thiết lập lại sự cân bằng, không nên hy sinh quá mức.
* Cả hai vợ chồng đều là doanh nhân, bận rộn thế anh chị “làm mới” mình bằng cách nào?
- ... Đi chơi xa với vợ. Có lẽ chúng tôi là một cặp gặp nhau nhiều nhất, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối cùng nhau. Cha mẹ tôi cũng vậy, đi đâu cũng có nhau. Chúng tôi có quan điểm giống nhau là đầu tư cho tương lai nhưng rất trân trọng thời gian hiện tại. Mỗi phút qua đi ta cảm nhận khác nhau về cuộc sống, phải làm ngay những gì mình mong muốn, để giữ được đúng nhịp tâm sinh lý của mình. Tôi thấy khá nhiều doanh nhân cứ cắm đầu cắm cổ làm mà quên mất mình đang sống như thế nào.
Tôi luôn tạo mọi điều kiện để vợ có sự sáng tạo độc lập với hệ thống nhà hàng Wrap.and Roll, nhưng vẫn không ngừng nhắc nhở cô ấy phải giành thời gian cho gia đình. Được làm mẹ, làm vợ, có vị trí trong xã hội, người phụ nữ hoàn toàn hạnh phúc với bản thân, mới đưa lại hạnh phúc cho mình. Giao thừa mỗi năm, hai vợ chồng tôi thường đi ăn tối với nhau, nhìn lại những gì mình đã làm được trong năm, cái gì “trật đường ray” thì cùng nhau phân tích, để hoạch định cho một năm mới khác hơn. Trong hạnh phúc, cũng cần luôn sáng tạo để tìm cái mới.
* Anh muốn con mình lớn lên trong bầu không khí như thế nào?
- Tôi muốn con giữ được sự phát triển tự nhiên, luôn nói thẳng thắn với con những gì mình mong muốn, cháu hiểu tới mức nào không quan trọng, cái chính là tạo điều kiện cho con có vai trò nhất định trong gia đình. Mỗi người trong gia đình đều có phòng riêng, vào phòng phải gõ cửa, làm gì phải xin phép, phải gìn giữ và dọn dẹp nơi sống của mình cho sạch sẽ gọn gàng. Tập cho con biết thưởng thức mùi vị của từng món ăn, biết cảm ơn khi người khác làm cho mình..
Con đối với tôi là một khám phá lý thú hàng ngày về một thế giới tuổi thơ mà mình hoàn toàn quên, kéo mình lại sự đơn giản, nhẹ nhàng. Tôi muốn cho con thấy sự gắn bó của hai vợ chồng, để giúp con hình thành quan hệ công bằng với mọi người trong xã hội, bạn bè, người yêu của nó sau này.
* Là em trai của đạo diễn Trần Anh Hùng, anh có bị ảnh hưởng từ người anh nhiều không? Vì sao thiên hướng gia đình trong anh mạnh thế, khi anh lớn lên ở một đất nước phương Tây?
- Tôi vào đời khá sớm, va chạm nhiều, tự lớn lên, tự làm nhiều thứ. Tôi không sợ khó, không sợ cực, chỉ sợ gia đình tan nát. Trong xã hội phương Tây, nền tảng gia đình gần như bị vỡ. Cha mẹ tôi đối xử với nhau nhẹ nhàng tình cảm lắm. Anh Hùng tài năng hơn tôi nhiều, nhưng hai anh em giống nhau ở một điểm là rất coi trọng gia đình. Bộ phim Tôi tới với cơn mưa sau bảy năm thực hiện của anh cũng sắp được ra mắt. Bảy năm chỉ với một bộ phim, với bao khó khăn cách trở, một sự thủy chung, một quyết tâm phải làm bằng được. Tôi học từ bố mẹ tình yêu, học từ anh Hùng phải làm một cái gì cho ra hồn.
* Làm thế nào để anh giữ được sự hóm hỉnh, yêu đời như thế?
- Yêu nhiều, chơi nhiều, chơi sáng tạo, nhìn nhận cuộc đời lạc quan, bạn sẽ thấy mình ... mãi mãi tuổi 20 (cười rạng rỡ).