Thị trường ô tô Việt Nam: Trong tăng vốn, ngoài chen chân gia nhập

Hồng Nga| 25/06/2022 06:00

Bất chấp khó khăn, các doanh nghiệp đang sản xuất, lắp ráp ô tô vẫn mở rộng sản xuất trong khi các hãng khác tiếp tục chen chân vào Việt Nam.

Thị trường ô tô Việt Nam: Trong tăng vốn, ngoài chen chân gia nhập

Công nghệ dây chuyền tích hợp tại xưởng thân xe vừa được Mercedes-Benz Việt Nam đầu tư

Trong nước, các hãng xe ô tô ráo riết tăng vốn đầu tư công nghệ mới 

Hãng xe Đức Mercedes-Benz mới đây công bố đầu tư thêm 33 triệu USD vào việc phát triển công nghệ kỹ thuật tại nhà máy Việt Nam. Có 6 công nghệ được triển khai tại nhà máy Mercedes-Benz Việt Nam gồm: dây chuyền tích hợp tại xưởng thân xe, robot hàn đinh, đo tọa độ thân xe bằng công nghệ Eagle Eye, bơm bọt cách âm vào thân xe, robot bơm keo kính chắn gió, lắp ráp gầm xe và hệ thống truyền động tiên tiến. 

Với dây chuyền tích hợp tại xưởng thân xe, lần đầu tiên Mercedes-Benz Việt Nam ứng dụng thành công một dây chuyền thân xe chung cho 3 mẫu xe (E-Class, GLC và C-Class), có thể mở rộng sản xuất cho mẫu xe thứ tư trong tương lai. Trong khi đó, với công nghệ hàn đinh bằng robot, nhà máy có thể hàn hơn 150 điểm đinh trong 20 phút ở  mỗi trạm robot. Còn với nền tảng và các dòng xe trong tương lai, công nghệ lắp ráp hầm xe giúp quy trình sản xuất xe tại Việt tương tự như các nhà máy của Mercedes-Benz trên thế giới.

Ông Klaus Schanz - Giám đốc Điều hành nhà máy Mercedes-Benz Việt Nam thông tin thêm: Với sự đầu tư cải tiến công nghệ lần này, lực lượng sản xuất của công ty được tiếp cận với công nghệ mới nhất thông qua chương trình đào tạo từ các chuyên gia đến từ nhà máy chính của Mercedes-Benz Group AG. Sáu công nghệ sản xuất và lắp ráp mới này là bước tiến trong quá trình chuyển đổi dần sang tự động hóa, giúp cải tiến chất lượng và nâng cao hệ số an toàn cho người sử dụng.  

Năm 2020, Tập đoàn Ford đã đầu tư thêm hơn 80 triệu USD vào nhà máy Hải Dương, nâng tổng vốn đầu tư của tập đoàn này vào Việt Nam lên 200 triệu USD. Mới đây, lãnh đạo Ford Việt Nam cho biết sẽ tăng công suất sản xuất và tuyển thêm lao động, đồng thời đang xin giấy phép mở trang thương mại điện tử nhằm hỗ trợ tối đa cho khách hàng. 

Ông Ruchik Shah - Tổng giám đốc Ford Việt Nam nhận định Việt Nam vẫn luôn là thị trường tiềm năng và nhu cầu về xe hơi của người Việt đang rất lớn. Ford xem Việt Nam là một trong 4 thị trường đứng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vì đây là nhóm thị trường quốc tế trọng điểm mà Ford tập trung trong tương lai. Chính vì vậy, hãng ô tô này đang tích cực cải tổ và nhận được sự hỗ trợ của tập đoàn về nguồn lực, chiến lược marketing và sản phẩm. 

-7295-1656061703.jpg
Các dây chuyền với công nghệ hiện đại đang được các hãng ráo riết đầu tư 

“Chúng tôi đã chuẩn bị cho tương lai lâu dài tại Việt Nam bằng việc vừa tăng công suất, vừa cải tiến chất lượng để mang đến nhiều sản phẩm phù hợp với thị trường Việt Nam. Bên cạnh những sản phẩm chiến lược, thế hệ mới sẽ ra mắt trong năm nay, Ford đang chuẩn bị những chiến lược sản phẩm mới trong tương lai với những công nghệ mới nhất, có thể đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng Việt Nam”, ông Ruchik Shah bộc lộ. 

Thị trường ô tô Việt Nam trong tương lai vẫn hấp dẫn 

Bên cạnh sự tăng vốn đầu tư của các nhà máy sản xuất ô tô trong nước, các hãng ô tô nước ngoài khác cũng đang muốn chen chân vào thị trường Việt Nam, chẳng hạn như Skoda của Cộng hòa Séc (Czech) - thương hiệu con của Volkswagen AG, với ý định mở nhà máy tại Quảng Ninh. Trong chuyến làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồi giữa tháng 2/2022, Đại sứ Viézslav Grepl cho biết Skoda đang nghiên cứu đầu tư dây chuyền, xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Quảng Ninh với công nghệ hiện đại.

Chuẩn bị vào Việt Nam, trước đó Skoda đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường và chọn xây dựng nhà máy ô tô tại Quảng Ninh. Thương hiệu này sẽ bắt đầu phân phối một số sản phẩm nhập khẩu ngay trong năm nay, sau đó mới tiến hành xây dựng nhà máy và lắp ráp xe. 

Trong cuộc làm việc với Skoda, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đã đề nghị Skoda chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, tăng cường liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu trong thời gian tới. Một vấn đề quan trọng không kém là nghiên cứu thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam, trong đó tập trung vào các mẫu xe điện, góp phần giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu giảm bớt phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường.

-5070-1656061703.jpg

Theo các nhà đầu tư nước ngoài, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Điểm mạnh của Việt Nam có dân số vàng gần 100 triệu dân, nguồn lao động dồi dào với chi phí thấp. Cùng với đó, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định là yếu tố hỗ trợ cho sự tăng trưởng nhu cầu ô tô trong tương lai.

Bên cạnh đó, thế giới đang có xu thế chuyển dịch sản xuất ô tô từ châu Mỹ và châu Âu sang châu Á và Việt Nam, tạo nền tảng để gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng ô tô trong khu vực ASEAN.

Việt Nam coi trọng việc xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, với mục tiêu đặt ra là đến năm 2035, tổng sản lượng xe đạt khoảng 1.531.400 chiếc, trong đó xe dưới 9 chỗ khoảng 852.600 chiếc, từ 10 chỗ trở lên khoảng 84.400 chiếc, xe tải khoảng 587.900 chiếc, xe chuyên dụng khoảng 6.500 chiếc. Tỷ lệ số xe sản xuất và lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78% nhu cầu nội địa.

Chính phủ đặt kỳ vọng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ đáp ứng nhu cầu nội địa về nhiều loại xe và có khả năng xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, nâng cao năng lực cạnh tranh để Việt Nam trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất ô tô thế giới. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường ô tô Việt Nam: Trong tăng vốn, ngoài chen chân gia nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO