Sức mạnh nội tại của ngành ô tô Việt Nam

Hồng Nga| 22/05/2019 07:28

Vào giữa tháng 6 tới đây, nhà máy VinFast sẽ  hoạt động, góp phần hiện thực hóa chiến lược xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Với khả năng sản xuất 250.000 xe mỗi năm và cùng với những doanh nghiệp (DN) khác, VinFast sẽ đưa ngành ô tô Việt Nam cạnh tranh với Malaysia trong top 3 quốc gia sản xuất xe nhiều nhất khu vực.

Sức mạnh nội tại của ngành ô tô Việt Nam

Tăng năng lực sản xuất

Trong quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ô tô sẽ là ngành quan trọng của đất nước. Đến năm 2020, phải hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô với sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao. 

Hiện nay, thuế suất nhập khẩu ô tô khu vực ASEAN đã về 0%, việc tăng năng lực sản xuất, đặc biệt là tăng tỷ lệ nội địa hóa trên 40% để hưởng thuế xuất 0%, gia tăng xuất khẩu (theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - ATIGA mà Việt Nam là thành viên) là con đường tất yếu để các DN nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Điều này đã được thể hiện rất rõ trong chiến lược phát triển của các DN ô tô nội địa. Với Thaco, từ nhiều năm nay đã đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất quy mô lớn. Cụ thể, tại khu phức hợp Thaco, DN này đã xây dựng 5 nhà máy lắp ráp ô tô và 15 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô, linh kiện cơ khí với thiết bị hiện đại chuyển giao từ các đối tác châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Điển hình, nhà máy Thaco Mazda hoạt động hồi tháng 3/2018 trang bị công nghệ mới nhất như dây chuyền hàn laser bằng robot, dây chuyền lắp ráp 80% tự động. Đặc biệt, nhà máy áp dụng hệ thống điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với các dây chuyền tự động toàn nhà máy với thông tin xuyên suốt chuỗi giá trị từ đặt hàng, sản xuất và bàn giao xe, hướng đến mô hình nhà máy thông minh. Không chỉ có nhà máy Thaco Mazda mà 20 nhà máy sản xuất linh kiện, lắp ráp ô tô của DN này đều áp dụng công nghệ 4.0 với cam kết cung cấp các loại ô tô có công nghệ mới nhất, chất lượng cao.

Từ đầu năm 2017, khi đã xác định tham gia vào lĩnh vực ô tô, Vingroup đã xây dựng chiến lược bài bản với nguồn vốn đầu tư lớn. Cụ thể, tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại Khu Kinh tế Đình Vũ, Hải Phòng có vốn đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD. Cùng với đó, để chuẩn bị cho hệ thống phân phối, giữa năm 2018, VinFast đã mua lại GM  Việt Nam - một thương hiệu ô tô Mỹ có mặt tại Việt Nam từ những ngày đầu của ngành công nghiệp ô tô. Với thương vụ này, VinFast đã sở hữu toàn bộ nhà máy sản xuất và 22 đại lý của GM tại Việt Nam.

Ông Võ Quang Huệ - Phó chủ tịch Vingroup cho biết, VinFast chủ trương phát triển đồng bộ ba lĩnh vực liên quan chặt chẽ đến việc xây dựng ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ, gồm R&D (nghiên cứu và phát triển), đào tạo, sản xuất ô tô và phát triển khu công nghiệp phụ trợ. “Để thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện tại khu công nghiệp phụ trợ của VinFast, chúng tôi thành lập bộ phận “nội địa hóa” để đàm phán và hỗ trợ các nhà đầu tư nghiên cứu tính khả thi, chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để triển khai. VinFast dành khoảng 30% diện tích cho các nhà cung cấp tại đây”.

Tạo vị thế mới

Theo chia sẻ của ông Võ Quang Huệ - Phó chủ tịch Vingroup, ngày 14/6 tới đây, nhà máy sản xuất các dòng xe VinFast Lux, VinFast Fadil sẽ khai trương tại Khu Kinh tế Đình Vũ. Đây là nhà máy sản xuất ô tô có tốc độ xây dựng nhanh nhất thế giới khi chỉ mất 21 tháng đã đưa vào hoạt động. Đây cũng là nhà máy sản xuất ô tô hiện đại nhất và có thể cũng lớn nhất khu vực với hầu hết các công đoạn tự động hóa. Tại nhà máy VinFast, có đến hơn 1.200 robot được sử dụng trong tất cả các quy trình sản xuất. Ngay trong giai đoạn 1, với công suất 250.000 xe/năm, VinFast sẽ trở thành nhà máy ô tô lớn nhất Việt Nam khi chiếm đến gần 50% tổng công suất cả nước. Sau khi hoàn tất hai giai đoạn, nhà máy sẽ đạt công suất 500.000 xe/năm. 

Trước VinFast, 16 thành viên của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã xây dựng nhà máy sản xuất với công suất không nhỏ. Chẳng hạn như nhà máy Toyota Việt Nam có công suất 60.000 xe/năm, Hyundai Thành Công 60.000 xe/năm, Vina Mazda 50.000 xe/năm... Nhà máy sản xuất của các thương hiệu khác như Honda, Ford... cũng không nhỏ. Điều đánđều có kế hoạch mở rộng công suất. Trong đó, Toyota Việt Nam đang có kế hoạch nâng lên 90.000 xe/năm từ năm 2023, nhà máy có công suất lớn nhất Đông Nam Á của Vina Mazda có thể mở rộng lên 100.000 xe/năm. 

Ông Kozo Shiraji - Phó chủ tịch Tập đoàn Mitsubishi Motors trong chuyến làm việc tại Việt Nam đầu năm 2018 đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường ô tô tiềm năng nhất khu vực. Vì thế, cùng với nhà máy đang sản xuất, Mitsubishi Motors triển khai kế hoạch xây dựng nhà máy thứ hai tại Việt Nam. Tập đoàn sẽ đầu tư khoảng 250 triệu USD cho nhà máy mới, dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2020, công suất từ 30.000 - 50.000 xe/năm, bao gồm cho xuất khẩu. Tập đoàn Hyundai đã ký kết với Tập đoàn Thành Công xây dựng nhà máy Hyundai Thành Công thứ hai, sau thành công của nhà máy đầu tiên tại Ninh Bình. 

Theo tính toán, nếu chạy hết công suất trong giai đoạn 1 (250.000 xe/năm), VinFast sẽ đưa Việt Nam cạnh tranh với Malaysia trong top 3 quốc gia sản xuất ô tô nhiều nhất Đông Nam Á (sau Thái Lan và Indonesia). Với số lượng cung ứng từ VinFast cộng với nhà máy Toyota mở rộng, Hyundai và Mitsubishi thêm nhà máy thứ hai thì danh hiệu đứng đầu khu vực Đông Nam Á của Thái Lan có nguy cơ xuống hạng. 

Dự báo, đến năm 2025 nhu cầu xe hơi ở Việt Nam sẽ gấp ba lần hiện nay, lên khoảng 800.000 - 900.000 xe/năm, tương đương với Thái Lan. Với năng lực sản xuất lớn như vậy, ngoài phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, các hãng xe đã tính đến chuyện xuất khẩu. Điển hình là VinFast. Từ khi lên kế hoạch tham gia thị trường ô tô, nhà đầu tư này đã tính đến chuyện đưa thương hiệu ra nước ngoài, trước tiên là Nga, Belarus... Và chuẩn bị cho chiến lược này, tháng 7/2018, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast đã mở văn phòng tại thành phố Frankfurt (Đức).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sức mạnh nội tại của ngành ô tô Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO