Dù việc vay vốn đã thông thoáng hơn nhưng vẫn còn nhiều nút thắt cần tiếp tục được tháo gỡ.
Theo bà Bùi Thị Thu - Phó TGĐ Tổng công ty CP Phong Phú, ngân hàng thường chỉ cho vay 70% và 30% vốn tự có, trong phần vốn vay 70% thì thường khống chế thời gian 7 năm. Điều đó gây khó cho doanh nghiệp khi trả nợ, vì thời gian vay vốn chỉ bằng một nửa thời gian khấu hao tài sản.
Về lãi suất đang áp dụng tại các ngân hàng, theo ông Trần Việt Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn là có thể chấp nhận được, tuy nhiên vẫn còn cao so với các nước trong khu vực. Cụ thể, nguồn vay trung hạn đang áp dụng tại các ngân hàng là 8 - 10%/năm đối với VND (trong khu vực chỉ 5 - 7%) và 6 - 8% đối với USD (trong khu vực là 3 - 4%).
Chia sẻ thêm về "nút thắt" đang làm khó doanh nghiệp, ông Việt Anh dẫn chứng: "Năm 2015, một doanh nghiệp cơ khí nợ ngân hàng 800 triệu đồng đã bị đưa vào danh sách nợ xấu. Mặc dù doanh nghiệp này đã trả hết nợ nhưng lại không dễ khi muốn tiếp tục vay tiền ngân hàng để phát triển kinh doanh".
Đại diện Công ty Thủy sản Đắc Lộc chia sẻ, các doanh nghiệp thủy sản chọn hướng sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rất khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Hiện Đắc Lộc được một ngân hàng thương mại cấp tín dụng theo lãi suất trên thị trường nên khả năng tái đầu tư công nghệ vào sản xuất bị ảnh hưởng, dẫn đến thua kém về năng lực cạnh tranh so với các doanh nghiệp FDI.
Cũng theo đại diện Đắc Lộc, nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn lớn, thời gian đầu tư dài nhưng các doanh nghiệp trong lĩnh vực này lại bị sức ép về chi phí đầu vào ngày càng tăng, cộng với lãi suất vay cao hơn các doanh nghiệp tại Singapore, Thái Lan là bài toán vô cùng khó giải để tăng cường đầu tư.
Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Công Lập (Bạc Liêu) cho biết, số lượng doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi chưa nhiều do ngân hàng còn đề ra nhiều điều kiện khắt khe khi xem xét cho vay. Tỉnh Bạc Liêu hiện có trên 2.000 doanh nghiệp nhưng chỉ khoảng 850 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng.
Với tư cách là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 8, ông Trần Ngọc Dũng - TGĐ Công ty CP Dược phẩm An Thiên cho biết, có 15 doanh nghiệp trong Hội đăng ký vay vốn và sau 3 tháng, chỉ có một doanh nghiệp được vay vì đa số không có tài sản thế chấp.
Trước thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn kêu khó khi muốn tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, TS. Trần Du Lịch cho rằng, ngân hàng cần tập trung vào những doanh nghiệp có khả năng mở rộng đầu tư nhưng trước đây chưa yên tâm "chọn mặt gửi vàng".
Hiến kế với ngân hàng về việc "chọn mặt gửi vàng", ông Việt Anh nói: "Các ngân hàng nên thông qua các hội, hiệp hội để tìm doanh nghiệp cho vay vì có nhiều doanh nghiệp "ẩn mình" nhưng lại có nhiều sản phẩm sáng tạo. Nếu ngân hàng không hỗ trợ vốn thì nguy cơ các doanh nghiệp này bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm là rất lớn".
>>Thuê tài chính: Giải quyết vấn đề vốn vay cho doanh nghiệp nhỏ
Hiện các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp hơn 40% GDP mỗi năm và thu hút 51% lực lượng lao động trên cả nước, nhưng tổng dư nợ của loại hình doanh nghiệp này chỉ chiếm 21% trên tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng. Sự mất cân đối này cần được điều chỉnh, nếu không, trong 10 năm tới, vốn cho DNNVV vẫn chỉ chiếm 1/5. Chín tháng của năm 2017, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 11,8%, trong khi huy động chỉ tăng 10,08%.
Như vậy, từ nay đến cuối năm, các ngân hàng phải tăng mức tín dụng thêm hơn 10% nữa để đạt tăng trưởng tín dụng 21 - 22% theo yêu cầu của Chính phủ. Với tổng dư nợ trong toàn hệ thống khoảng 6 triệu tỷ đồng, nghĩa là các ngân hàng cần đẩy ra khoảng 600.000 tỷ đồng trong 3 tháng cuối năm 2017 (trung bình 200.000 tỷ đồng/tháng). Điều này sẽ rất rủi ro, bởi các ngân hàng phải nâng lãi suất huy động để cho vay, như vậy lãi suất vay sẽ không giảm.
Chưa kể nguồn vốn đó sẽ được các ngân hàng đẩy vào bất động sản, chứng khoán - 2 lĩnh vực hấp thụ vốn rất nhanh nhưng cũng nhiều rủi ro nhất. Vì vậy, theo chuyên gia tài chính - TS. Nguyễn Trí Hiếu, để đảm bảo tăng trưởng tín dụng 21 - 22% mà vốn đổ vào bất động sản, chứng khoán là không cần thiết, thay vào đó các ngân hàng nên đẩy tín dụng vào sản xuất, kinh doanh và các DNNVV với lãi suất ổn định, như vậy mới đạt tăng trưởng tín dụng lành mạnh.
Để gỡ nút thắt, về phía doanh nghiệp, phải minh bạch trong quá trình sản xuất, kinh doanh, kiểm toán, đặc biệt phải có phương án kinh doanh khả thi. Đang có tình trạng nhiều doanh nghiệp sử dụng hai hệ thống sổ sách: bộ hồ sơ đi vay với con số kinh doanh lãi cả chục tỷ đồng, còn báo cáo thuế thì lỗ. Rồi phần lớn báo cáo kinh doanh của doanh nghiệp không được kiểm toán khiến các ngan hàng không tin tưởng cho vay. Chưa kể, một doanh nghiệp thường quan hệ với vài ba ngân hàng, vì vậy ngân hàng không thể kiểm soát được dòng tiền cho vay sản xuất, kinh doanh hiệu quả ra sao. Điều đó làm hạn chế cho vay tín chấp.
Bà Trương Thị Thúy Nga - Phó TGĐ Vietcombank thẳng thắn: "Phía ngân hàng sẽ cố gắng truyên truyền, chia sẻ các chính sách về thuế, pháp luật đối với doanh nghiệp để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay hiệu quả. Nhưng phía doanh nghiệp cũng cần nâng cao khả năng điều hành, quản trị. Doanh nghiệp hãy cùng chia sẻ với ngân hàng một cách trung thực nhất trong báo cáo tài chính. Phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sớm thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, bởi bản thân ngành ngân hàng không đủ khả năng thành lập quỹ này.
Kinh nghiệm từ nước ngoài Theo chuyên gia tài chính - TS. Nguyên Trí Hiếu, ở Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang, tức Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ điều hành chính sách lãi suất, mỗi lần họp đưa ra một mức lãi suất mục tiêu, từ đó, 12 ngân hàng và 25 chi nhánh trực thuộc sẽ đưa ra mức lãi suất riêng, là lãi suất mà các ngân hàng cho nhau vay trên hệ thống liên ngân hàng. Qua đó, lãi suất trên thị trường đều phải xoay quanh lãi suất trung tâm 1,25%, cộng với lãi suất biên độ dao động 3%, để hình thành nên lãi suất chuẩn dành cho vay đối với những doanh nghiệp khỏe mạnh hàng đầu là 4,25%. Các doanh nghiệp tầm trung ở bên Mỹ vay ngân hàng thường chỉ phải chịu lãi suất bình quân 6,5%/năm. Mỗi buổi tối, các ngân hàng phải báo cáo với ngân hàng trung ương về dự trữ bắt buộc. Dự trữ bắt buộc ở Mỹ là 10%. Nếu một đêm nào đó không báo cáo dự trữ bắt buộc, ngân hàng sẽ bị phạt nặng. Từ kinh nghiệm ấy, NHNN cần sớm xây dựng lãi suất trung tâm giống Mỹ để tất cả lãi suất khác đều xoay quanh lãi suất trung tâm. Các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp tại Việt Nam hoạt động chưa hiệu quả vì được chính quyền cấp tỉnh thành lập, thiếu tiềm lực tài chính nên rất ngại cho vay vì sợ bị mất vốn. Vì vậy, theo ông Hiếu, quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp phải là của trung ương và có các chi nhánh ở các tỉnh - thành. Nguồn vốn cho quỹ này phải được Quốc hội phê chuẩn từng năm và không hoạt động dưới tiêu chí lợi nhuận. Nên học mô hình của Mỹ, mỗi năm chính phủ phê duyệt tín dụng cho Chương trình Quản lý doanh nghiệp nhỏ với mục đích hỗ trợ, tài trợ, tư vấn và bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ, bảo lãnh ngân hàng để ngân hàng cho doanh nghiệp vay. Theo ông David Nguyễn Vũ - Chủ tịch Quỹ Đầu tư Regulus (Singapore), Giám đốc Phòng Thương mại Việt Nam tại Singapore, Việt Nam có nhiều DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng không nên phân định các mô hình này. Ở Singapore, DNNVV bao gồm cả doanh nghiệp startup, chỉ cần có phương án kinh doanh tốt, khả thi là được vay vốn, mỗi bộ, ngành đều có quỹ riêng để hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp cùng lĩnh vực. Việt Nam cần học theo cách làm này. Tuy nhiên, ông Hiếu lại cho rằng, các DNNVV ở Mỹ đều có tiêu chuẩn rõ ràng, theo đó, doanh nghiệp nhỏ là những doanh nghiệp dưới 500 lao động, doanh thu dưới 7,55 triệu USD/năm và họ có luật riêng để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Điều kiện hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp startup cũng rất chặt chẽ, như phải có điểm tín dụng trên 700, không có lịch sử phá sản, chưa bị ngân hàng siết nợ hay kê biên tài sản. Theo ông Hiếu, ở Nhật cũng như Hoa Kỳ, hơn 90% doanh nghiệp ngoài vay tiền ngân hàng còn thuê thiết bị, máy móc ở các công ty cho thuê tài chính. Ở Mỹ, doanh nghiệp thường thuê thiết bị, máy móc từ công ty cho thuê tài chính 3 - 10 năm, sau đó có thể mua lại với giá trị hiện còn. Ở Việt Nam, cho thuê tài chính còn khá mới mẻ, nhưng đây là một công cụ tốt cho doanh nghiệp. |
>>Liên kết các doanh nghiệp vừa và nhỏ - giải pháp vay vốn ngân hàng