Nước mắm Phú Quốc đón nhận bằng "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia"

P.V| 16/12/2022 06:00

Sáng 16/12/2022, tại Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức lễ trao chứng nhận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) nghề làm nước mắm Phú Quốc (phường Dương Đông, An Thới, thành phố Phú Quốc) được đưa vào danh mục "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia".

Nước mắm Phú Quốc đón nhận bằng

Nghề làm nước mắm Phú Quốc nổi tiếng hàng trăm năm nay. Sản phẩm nước mắm truyền thống Phú Quốc được bán rộng rãi trên thị trường quốc tế và là sản phẩm đầu tiên được Liên minh châu Âu (EU) công nhận chỉ dẫn xuất xứ địa lý hàng hóa. Theo các tài liệu ghi chép, từ cuối thế kỷ XIX, nghề đánh cá ven biển ở Phú Quốc gắn với nghề làm nước mắm với quy mô lớn, bảo đảm đời sống cho gần 2.000 cư dân.

Để phát triển bền vững nghề

Sau khi được thành lập vào năm 2000, Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc đã chủ động đề xuất xây dựng và đăng ký xuất xứ hàng hóa - chỉ dẫn địa lý. Đến tháng 6/2021, nước mắm Phú Quốc được bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hóa - chỉ dẫn địa lý.

Năm 2012, sau nhiều nỗ lực, nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ xuất xứ hàng hóa - chỉ dẫn địa lý tại 28 nước liên minh châu Âu. Năm 2017, được Nhà nước công nhận nghề và làng nghề truyền thống sản xuất nước mắm. Đến tháng 5/2021 được Bộ VH-TT-DL chứng nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống tri thức dân gian “nghề làm nước mắm Phú Quốc”.

Theo bà Hồ Kim Liên - Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc (thành phố Phú Quốc, Kiên Giang), hằng năm, 54 hội viên là chủ nhà thùng nước mắm ở địa phương sử dụng khoảng 25.000-30.000 tấn cá cơm nguyên liệu, ủ chượp để cho ra sản lượng nước mắm từ 25-30 triệu lít (nước mắm có từ 25 độ đạm trở lên).

Do ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân như còn nhiều chồng lấn giữa nước mắm có chỉ dẫn địa lý và không chỉ dẫn địa lý của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; chưa có hành lang pháp lý rõ ràng; nước mắm truyền thống bán ra gặp nhiều khó khăn về giá thành nên năm 2022 sản lượng nước mắm Phú Quốc đóng chai ra thị trường giảm khoảng 30-35%; nước mắm nguyên liệu giảm 70-80%.

Trước thực tế đang diễn ra, bà Liên cho biết, ngoài cố gắng phát huy hơn nữa thì cần xây dựng làng nghề tập trung cho các hội viên, xây dựng đề án bảo tồn nguồn lợi cá cơm để phục vụ sản xuất cũng như tăng cường quảng bá sản phẩm gắn với du lịch cộng đồng... để phát triển bền vững nghề làm nước mắm truyền thống Phú Quốc.

Đảm bảo chất lượng, phát triển thương hiệu

Đại diện UBND TP .Phú Quốc và Hội Nước mắm Phú Quốc nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Đại diện UBND thành phố Phú Quốc và Hội Nước mắm Phú Quốc nhận bằng "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia"

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, nghề sản xuất nước mắm thủ công truyền thống ở Phú Quốc là di sản văn hóa của người Việt mang đến đất đảo trong hành trình khai phá đất phương Nam. Trải qua quá trình hình thành và phát triển nghề truyền thống chế biến nước mắm Phú Quốc không ngừng tăng lên cả số lượng và chất lượng.

Đến nay, UBND thành phố Phú Quốc đã chỉ đạo các cơ sở làm nước mắm ở địa phương cần tiếp tục duy trì làm nghề, giữ ổn định chất lượng nước mắm theo quy định. Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá truyền thông để nước mắm Phú Quốc lan tỏa đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp làm nước mắm cũng chủ động liên kết hợp tác để mở rộng kênh tiêu thụ, đưa sản phẩm nước mắm địa phương phát triển bền vững.

Theo ông Nguyễn Lưu Trung - Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, việc đón nhận bằng "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia" nghề làm nước mắm Phú Quốc là sự kiện vô cùng quan trọng không chỉ đối với người làm nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc, mà còn có giá trị thúc đẩy hoàn thiện yêu cầu quản lý nhà nước đối với những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc thù, đặc trưng của tỉnh nhà, góp phần đảm bảo chất lượng, phát triển thương hiệu, khả năng gia nhập thị trường trong và ngoài nước của các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho việc sản xuất nước mắm, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước, góp phần phát triển bền vững nghề làm nước mắm truyền thống Phú Quốc.

Ngay sau lễ đón nhận bằng "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia", UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo phát triển bền vững nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc.

Tại buổi lễ đón nhận bằng "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia", có 5 tập thể và 5 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang tặng bằng khen vì có những đóng góp trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể nghề làm nước mắm Phú Quốc.

Theo Hội Nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phú Quốc bắt đầu phát triển mạnh và hưng thịnh từ năm 1945 đến nay. Từ năm 1998, được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, Bộ Thủy sản cùng với tỉnh Kiên Giang tiến hành lập hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý, đến ngày 1/6/2001 nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên được đăng bạ ở Việt Nam. Tháng 7/2013, Liên minh châu Âu (EU) đã trao chứng nhận tên gọi xuất xứ “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm Việt Nam tại Brussels (Vương quốc Bỉ). Tháng 8/2013, Bộ Công Thương trao lại chứng nhận này cho đại diện UBND huyện đảo Phú Quốc và Hội Nước mắm Phú Quốc, từ đó sản phẩm nước mắm Phú Quốc được bảo hộ và phát triển đến nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nước mắm Phú Quốc đón nhận bằng "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO