Phát biểu tại Hội nghị công bố triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI TP.HCM) năm 2022 ngày 16/12/2022, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng, DDCI sẽ giúp thành phố có những sách lược tốt hơn để cải cách, nâng cao chất lượng quản trị và điều hành kinh tế, cải thiện chất lượng quản trị công, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố trong những năm tiếp theo.
Phó chủ tịch Võ Văn Hoan nhấn mạnh, việc đánh giá DDCI mang nhiều ý nghĩa tích cực, giúp các đơn vị và địa phương nhận ra điểm mạnh và hạn chế của mình. Từ đó phát huy, tăng cường hoặc điều chỉnh, khắc phục để nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực. DDCI sẽ giúp thành phố có những sách lược tốt hơn để cải cách, nâng cao chất lượng quản trị và điều hành kinh tế, cải thiện chất lượng quản trị công, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP.HCM trong những năm tiếp theo.
Ông Hoan cho rằng, cải cách hành chính là việc không mới. Tuy nhiên, phải tìm nhưng cách thức mới để thực hiện những việc cũ một cách nhanh nhất, suôn sẻ nhất, mang lại những điều tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân. Có những việc chúng ta phải làm thường xuyên, liên tục, không phải làm phong trào mà phải có trách nhiệm và thực chất. Muốn vậy, phải lắng nghe, thấu hiểu.
“Thời gian qua, chúng ta có đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng chưa có sự chia sẻ, đồng cảm. Chúng ta phải lắng nghe và thấu hiểu doanh nghiệp và làm cho doanh nghiệp hiểu mình, đồng lòng cùng với mình. Chúng ta cũng phải làm sao để doanh nghiệp hiểu, chia sẻ. Nên hiểu, trong sự đồng lòng có sự đồng hành. Đó là sự đồng hành của cả hệ thống chính trị”, ông Hoan nhấn mạnh.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, DDCI sẽ giúp thành phố nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) |
Là một thành viên trong Hội đồng đánh giá DDCI TP.HCM năm 2022, ông Phạm Phú Trường - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM cho rằng, việc đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương mà thành phố triển khai sắp tới đây là sự lựa chọn đúng đắn của tập thể lớn gồm chính quyền và doanh nghiệp. “Chúng ta lựa chọn sự đồng lòng, lắng nghe và thấu hiểu từ hai phía. Và khi có sự lắng nghe và thấu hiểu, chắc chắn sẽ có những giải pháp đột phá để vượt qua thách thức. Một tập thể vững mạnh và đồng lòng thì thách thức sẽ tạo ra động lực cho sự đột phá”.
Với DDCI TP.HCM năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, hợp tác xã, hộ kinh doanh sẽ thực hiện các khảo sát, đánh giá năng lực điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện. Số lượng tham gia khảo sát dự kiến khoảng 15.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể (kỳ vọng tỷ lệ hồi đáp 25-30%). Trong đó, 8.000 doanh nghiệp đánh giá khối địa phương và 7.000 doanh nghiệp đánh giá khối sở, ban, ngành.
Ông Đào Minh Chánh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, có 8 nội dung khảo sát, lấy ý kiến gồm: tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động và hiệu lực của hệ thống sở, ban ngành và chính quyền địa phương; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (nội dung an ninh trật tự chỉ áp dụng cho khối địa phương); vai trò của người đứng đầu sở, ban, ngành và chính quyền địa phương. Riêng khối địa phương sẽ đánh giá thêm chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất.
Thông qua hội nghị, lãnh đạo UBND TP.HCM kêu gọi cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, các hiệp hội, các hợp tác xã, hộ kinh doanh quan tâm thực hiện các khảo sát, đánh giá một cách khách quan, thực chất, có chất lượng.
Đối với các đơn vị được khảo sát (các sở, ban, ngành, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện), lãnh đạo UBND TP.HCM cũng hy vọng các đơn vị và địa phương sẽ phát huy tinh thần cầu thị, đồng lòng phối hợp, tạo mọi điều kiện để việc khảo sát được diễn ra minh bạch và hiệu quả.
Các thành viên Hội đồng đánh giá DDCI TP.HCM năm 2022 nhấn nút công bố chương trình |
Sau lần thực hiện đầu tiên này, việc đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương sẽ trở thành hoạt động thường niên, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đưa TP.HCM trở thành thành phố đáng sống và là điểm đến hàng đầu thế giới.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đề nghị ngay sau hội nghị, các sở, ban, ngành, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện phải phải rà soát lại tất cả văn bản của ủy ban, quán triệt lại đội ngũ công chức, đặc biệt là người đứng đầu. Phải rà soát lại tất cả những việc đã làm và chấn chỉnh ngay những việc chưa làm được. Vào tháng 3/2023, khi có kết quả đánh giá DDCI, các đơn vị được khảo sát phải tổ chức, đánh giá nội bộ những vấn đề mà doanh nghiệp phản ảnh. Tất cả chỉ số này phải được xây dựng và triển khai, đưa vào nội dung cải cách hằng năm.
Chương trình đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương “DDCI TP.HCM năm 2022” tiến hành sẽ khảo sát từ nay đến hết tháng 1/2023. Việc tổ chức công bố báo cáo kết quả DDCI năm 2022 và triển khai kế hoạch DDCI năm 2023 trước ngày 15/3/2023. Trong quá trình này, UBND TP.HCM cũng kêu gọi các cơ quan thông tấn, báo đài TP.HCM và Trung ương hỗ trợ công tác truyền thông để cổ vũ, tạo cảm hứng cho chiến dịch thực hiện tốt hơn. Sau lần thực hiện đầu tiên cho năm 2022, việc đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương này sẽ trở thành hoạt động thường niên, lâu dài góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. |