Hội thảo do Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM tổ chức tại TP.HCM. Trong các bài tham luận, các chuyên gia đề xuất 4 nhóm giải pháp như sau:
Thứ nhất, cần chú trọng đưa yếu tố xanh, thân thiện môi trường vào trong chuỗi cung ứng, từ khâu nguyên vật liệu thô, nhà cung cấp, chế tạo, kho, cửa hàng bán lẻ... Cần xanh hóa để giảm chi phí hoạt động, giảm thời gian giao hàng, nhằm tăng doanh thu, lợi nhuận.
Thứ hai, tận dụng nguồn lực tài chính, đất đai thành phố, cần nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phát triển được thị trường; hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách tài chính liên quan đến đất đai; ứng dụng công nghệ số vào hệ thống quản lý đất đai, quy hoạch đô thị; đổi mới hoạt động của hệ thống phát triển quỹ đất, bồi thường, giải tỏa.
Thứ ba, cần xem xét lại cơ cấu ngành kinh tế. Cụ thể, ban hành lại chỉ tiêu cấp phép FDI; thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực; có chính sách trợ giúp, tạo cơ hội để doanh nghiệp phát triển; cải thiện môi trường kinh doanh và vận dụng cơ chế đặc thù; giảm quy mô các ngành thâm dụng lao động, công nghệ lạc hậu, kém thân thiện với môi trường.
Toàn cảnh buổi hội thảo |
Thứ tư, bảo đảm sự đồng bộ trong triển khai các chủ trương, vừa duy trì các biện pháp phòng, chống dịch, vừa có những biện pháp hỗ trợ an sinh xã hội, nhằm giảm thiểu tác động của dịch; tập trung xử lý những “điểm nghẽn” như thanh khoản, người lao động, việc làm; tập trung hỗ trợ những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và có đóng góp lớn cho thành phố, đặc biệt là những doanh nghiệp sử dụng nguồn đầu vào từ nguồn cung nội địa; tiếp tục thực hiện các biện pháp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình tiếp cận dễ dàng hơn nguồn hỗ trợ tín dụng; cần tiếp tục phát triển kinh tế số, chuyển đối số, đổi mới sáng tạo để phù hợp với xu hướng chung của chuỗi cung ứng toàn cầu; đánh giá lại sự dịch chuyển của dòng đầu tư do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Trung Quốc - Mỹ, hay các hiệp định thương mại mang lại cho Việt Nam để từ đó có những chọn lọc, giải pháp trong ngắn hạn để thu hút các dòng đầu tư nước ngoài.
Trong năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn hậu Covid-19, nhưng kinh tế Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng cũng đã đạt được những mục tiêu quan trọng. Tăng trưởng GDP cả nước đạt trên 8%.
Về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM năm 2022, chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Dũng - Thành ủy viên, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết, TP.HCM đã hoàn thành đạt và vượt 14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, 2 chỉ tiêu không đạt và 3 chỉ tiêu đợi cơ sở đánh giá. Trong đó, chỉ tiêu phát triển kinh tế thành phố vượt chỉ tiêu đề ra. Chỉ tiêu tăng trưởng đặt ra từ 6-6,8%, kết quả đạt được 9,3%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 457.500 tỷ đồng, đạt 118,35% dự toán và tăng 17,05% so với năm 2021.