Những “Uber tương lai” của phòng tập gym

TÂM MAI/DNSGCT| 11/06/2016 06:59

Dùng internet tiếp cận người có nhu cầu tập gym với các phòng tập là cách những startup này đang làm

Những “Uber tương lai” của phòng tập gym

Sử dụng internet để tiếp cận lượng khách hàng lớn hơn rất nhiều, khai thác công suất chưa sử dụng và cung cấp toàn bộ dịch vụ qua con đường trực tuyến đã là cách thức phá vỡ mô hình kinh doanh cũ của ngành kinh doanh khách sạn và taxi. Hãy nhìn vào Uber và Airbnb chẳng hạn. Điều tương tự có thể xảy ra với ngành kinh doanh phòng tập gym? Một vài doanh nghiệp start up của châu Á có vẻ đang nghĩ thế.

Đọc E-paper

KFit và GuavaPass đều cung cấp dịch vụ đăng ký hằng tháng cho nhiều phòng tập gym. Các thành viên có thể tiếp cận mạng lưới các phòng tập gym hay các cơ sở thể dục khác là đối tác của hai doanh nghiệp này. Khách hàng được chọn rất nhiều hoạt động thể dục phong phú từ cử tạ, máy chạy bộ cho đến yoga, chèo thuyền, kick-boxing và nhiều bộ môn khác; dĩ nhiên họ sẽ đăng ký lớp học qua trang web hoặc điện thoại di động (mobile app).

Mô hình này có thể xem là hoàn hảo cho những ai đang cố định hình “phác đồ thể dục” phù hợp với họ và cho những người thích sự đa dạng hoặc vì một lý do nào đó khó gắn kết với một loại hình thể dục duy nhất. Tập hợp những nguồn lực và không gian như thế rất có ý nghĩa trong các khu vực thành thị của Đông Nam Á – nơi mà các phòng tập thể dục thường tập trung tại các khu vực trung tâm hay trung tâm mua sắm lớn.

GuavaPass được sáng lập năm 2015 và hiện có mặt tại các thành phố Bangkok, Singapore, Manila, Jakarta, Dubai, Hongkong, Thượng Hải, Đài Bắc và Seoul. Dịch vụ này tính phí 63 USD/tháng tại Manila và tự hào về danh sách chương trình tập luyện chất lượng, được tuyển chọn kỹ, thành viên có thể tiếp cận các hoạt động tại chín thành phố – điều mà những người thường xuyên di chuyển trong khu vực sẽ thấy rất hấp dẫn. Các thành viên có thể tham dự số lượng lớp học không giới hạn, nhưng giới hạn ba lần tập/tháng với mỗi phòng tập.

KFit được thành lập năm 2015 bởi nhà sáng lập của Groupon Malaysia. Dịch vụ của KFit có chi phí dễ chịu hơn (21 USD/tháng cho 10 lớp học) và khách hàng có để đăng ký thêm lớp học “theo thực đơn gọi món lẻ”. Thành viên được tiếp cận các hoạt động trong thành phố của họ, nhưng những dịch vụ đa dạng liên quan đến spa, massage và dịch vụ làm đẹp sẽ tiếp tục xuất hiện. Đầu năm nay, KFit đã được đầu tư thêm 12 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư lên 15,25 triệu USD.

Cả hai doanh nghiệp startup này đều đi theo mô hình của ClassPass, ra đời tại New York năm 2013 và hiện đang “phủ sóng” 8.000 địa điểm trên khắp thế giới.

Việc hợp tác với những mô hình chia sẻ lượng thành viên đăng ký như KFit, GuavaPass và ClassPass sẽ giúp các phòng tập tiếp cận được nhiều khách hàng mới và lấp đầy các lớp học của họ. Hợp tác sẽ có lợi hơn, thay vì cạnh tranh, điều đó đúng không?

Câu trả lời là điều đó không luôn luôn đúng. Nhiều đối tác của ClassPass rất hứng khởi trong thời gian đầu nhưng sau đó, một số đối tác không tìm thấy kết quả có lợi. Chủ sở hữu một phòng tập Pilates ở San Francisco nói với tờ Business Insider rằng họ đã dừng hợp tác với ClassPass vì họ có thể tiếp cận lượng khách hàng lớn hơn nhưng lại không thể chuyển thành khách hàng toàn thời gian và thường xuyên.

Hơn nữa, một lượng khách hàng lớn không phải là tất cả những gì mà các doanh nghiệp kinh doanh phòng tập thể dục tìm kiếm và trong một số trường hợp, các phòng tập cũng không đủ công suất để tiếp nhận mọi thành viên mới đang cần trợ giúp của huấn luyện viên chuyên nghiệp.

Nhưng Benedict Bernabe, Giám đốc điều hành của Beyond Yoga – một phòng tập yoga có vài địa điểm ở Metro Manila thì cho rằng việc hợp tác với GuavaPass là một quyết định đúng cho đến thời điểm hiện tại. Họ đã có được nhiều lớp học ngoài giờ cao điểm, xây dựng được sự nhận biết thương hiệu từ con số 0 (và có được lợi nhuận). “Tôi chọn hợp tác với GuavaPass vì định hướng giàu khát vọng của họ và danh sách phòng tập được họ tuyển chọn cũng rất giàu khát vọng”, Benedict Bernabe cho biết.

Các hệ thống phòng tập lớn hơn có nhiều chỗ trống và nguồn lực phong phú để đáp ứng lượng khách hàng có thể không trở thành khách hàng thường xuyên. Tuy nhiên, về lâu dài, các phòng tập nhỏ hơn và chuyên biệt sẽ gặp thách thức để có thể hưởng lợi từ mô hình kinh doanh này.

Có một điều rất chắc chắn, dù hai startup này có trở thành “những Uber tương lai của ngành kinh doanh luyện tập thể dục” hay không thì tại châu Á, ngành này vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. 

>Bài học từ "cái chết" của 9 startup lớn

>Những startup Mỹ đang thay đổi tương lai ngành thực phẩm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những “Uber tương lai” của phòng tập gym
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO