Những phụ nữ mưu sinh tại bến xe miền Đông

MINH NGA| 11/12/2011 06:45

Dạo 1 vòng quanh bến xe miền Đông mới cảm nhận hết nỗi vất vả của những người phụ nữ nghèo phải ly hương, ly nông vào Thành phố kiếm sống bằng nghề bán hàng rong. Những người phụ nữ đơn thân nuôi con bằng nghề bán buôn dạo ở bến xe mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi niềm riêng.

Những phụ nữ mưu sinh tại bến xe miền Đông

Dạo 1 vòng quanh bến xe miền Đông mới cảm nhận hết nỗi vất vả của những người phụ nữ nghèo phải ly hương, ly nông vào Thành phố kiếm sống bằng nghề bán hàng rong. Những bước chân vội vã, những dáng người nhỏ bé thoắt ẩn thoắt hiện quanh những chuyến xe khách, những tiếng rao, lời mời xen lẫn trong tiếng gọi nhau í ới, tiếng còi xe. Những người phụ nữ đơn thân nuôi con bằng nghề bán buôn dạo ở bến xe mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi niềm riêng.

Những bà Lý bán báo, bà Huệ bán nước….

Bà Nguyễn Thị Lý từ Quảng Ngãi vào đây từ khi thằng con trai đậu vào ĐH Kinh tế TP.HCM cách đây 3 năm. Nhà quạnh quẻ chỉ có 2 mẹ con, mỗi khi nhắc đến cảnh mẹ hóa con côi, nhắc đến cái cảnh làm ruộng mùa được mùa mất ở dải đất miền Trung sỏi đá, nhắc đến những tháng nắng cháy da và ngày mưa bão trắng xóa đồng, bà lại nghẹn ngào: "Ngoài quê làm nông cơm ăn không đủ no, áo mặt không đủ ấm nên tôi phải vào đây. Năm ni con nó đậu Đại học rồi nên phải đi bán mấy tờ báo ở bến xe để kiếm tiền nuôi con”.

Ở tuồi ngoài 60, dù đầu có đội nón lá, mặt có che khăn thì cái nón, cái khăn kia cũng không che hết được nắng nóng và khói bụi nơi bến xe. Trên tay ôm tập báo nặng oằn, hằng ngày phải đi đi lại lại ở bến xe này bán cho kẻ ra người vào nghĩ cũng mệt nhọc. “Hơn nữa, bán buôn bây giờ khó khăn hơn trước, người bán nhiều mà kẻ mua thì ít. Tiền bán báo một ngày đâu có nhiều nhặn, chỉ 5 tới 7 chục ngàn mà phải chi nào ăn uống, nhà trọ, nuôi con… tính sao cũng không đủ”. Bà Lý tần ngần về bài toán cơm áo gạo tiền.

Vừa nghe tiếng còi xe khách hú vang từ xa thì bà Trần Thị Huệ đã lật đật, vội ôm xô nước chạy ra. Vừa chạy theo xe từ ngoài cổng cho tới lúc xe dừng hẳn, bà vừa cầm mấy chai nước liên tục mời. Ban đầu là đứng dưới đất, mời qua cửa số, khi xe dừng hẳn bà leo lên cả xe mà chào khách. Có người vui vẻ mua, có người nhìn bà ái ngại, cũng có kẻ cũng thờ ơ không trả lời. Có thể trong mắt nhiều người, những người bán buôn như bà Huệ là cả 1 sự dè bỉu và né tránh vì bán đắt, chèo kéo khách.

Nhưng ít ai biết được rằng họ bán theo đúng giá của bến xe và cũng muốn kiếm chút đỉnh tiền mà thôi. Nói như vậy nhưng cũng không ít trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”, nhiều người bán giá cắt cổ hay nài nỉ khách mà làm cho mọi người “vơ đũa cả nắm” về những người bán hàng rong như bà. Bà Huệ nói: "Có người không mua giùm lại còn nói này nói nọ, có lúc mời rát cổ mà họ vẫn làm lơ. Nghĩ cũng buồn cho cái nghề của mình”.

Bến xe mưu sinh

 Xen lẫn trong tiếng còi, tiếng động cơ nổ, tiếng ồn ã ở bến xe đông đúc luôn là tiếng rao của những phụ nữ bán hàng rong này. Họ có mặt tại bến xe miền Đông từ 5, 6g sáng để đón đợi những chuyến xe khách đường dài đầu tiên vào bến.

Và đến khi tối mịt, khuya muộn, hết khách họ mới lặng lẽ về lại xóm trọ. Với những chai nước, tờ báo, từng cái bánh ngọt, từng cây kẹo singgum… vậy mà bao năm nay, họ xem đó là kế sinh nhai, gọi nơi này là “bến xe mưu sinh” của mình. Dù là đêm với ánh đèn bến xe bàng bạc với hiểm nguy hay ngày với nắng gió, bao ồn ào, phức tạp, họ vẫn cố bám trụ với nghề để nuôi con ăn học.

Tay ôm giỏ bánh to đến máy thì bà Nguyễn Thị Tuyết cũng như bị khuất lấp giữa những hàng xe đông ngịt. Dù nồng nặc đến khó thở của xăng xe, khói thuốc thì bà vẫn chẳng màn tới, cố bám những chuyến xe sắp rời bến, hy vọng những hành khách đang đợi mua thêm vài cái bánh ngọt làm quà. Bà bảo vì tìm kế sinh nhai mà bà vào TP rồi dạt đến bến xe làm nghề bán buôn này.

Cũng như những người khác, cuộc sống của bà bắt đầu từ lúc tảng sáng đến khi nào không còn khách thì thôi. 11g đêm, bến xe tuy có vắng khách hơn ban ngày nhưng hãy còn tấp nập và ồn ào lắm. Đôi chân hình như đã mỏi nhừ vậy mà bà vẫn cố bám theo những người khách cuối cùng, cố nài nỉ họ mua thêm 1 chai nước, 1 cây kẹo. Có những đêm khuya khoắt, đâu còn ai mua nhưng bà cố nán lại chống chọi với cơn buồn ngủ mong kiếm thêm những đồng tiền ít ỏi.

Ở đây, ai cũng có những hoàn cảnh khác nhau, họ cùng bám lấy 'mảnh đất' này để sinh tồn nên chuyện cạnh tranh, giành giật với nghề cũng xảy ra như cơm bữa. Có lẽ họ đã quá quen với cuộc sống bon chen ở bến xe. Nhiều lúc đâu có muốn giành giựt, đâu có muốn tranh đua với ai từng chai nước, miếng bánh, từng người khách nhưng cuộc sống mưu sinh bắt buộc họ phải làm vậy để sinh tồn. Dần dà dù bản tính có hiền, có ít nói thì cái nghề cũng rèn cho họ phải biết khéo ăn nói, gai góc để kiếm sống.

Cuộc sống mưu sinh của họ là thế. Và những tiếng rao như những thanh âm của cuộc sống, bé nhỏ nhưng đầy nội lực, chất chứa bao cố gắng và cả niềm hy vọng. Ban ngày, nắng đổ dài trên bến xe. Đêm đến ánh điện cũng đổ dài và bóng những người phụ nữ này cũng đổ dài yếu ớt. Khuya lại là gian trọ nhỏ, 4 vách tường cũ không có ai san sẻ. Nhiều lúc họ nghĩ giá như có chồng hỏi thăm thì cũng đỡ buồn phần nào. Nhưng thấy con ăn học thành tài, họ cũng thấy an ủi đôi phần, dù hành trình mưu sinh với cái nghề này còn dài lắm!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những phụ nữ mưu sinh tại bến xe miền Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO