Công nhân công ty New Toyo đang làm việc theo mô hình 3 tại chỗ. |
Công ty chúng tôi, như nhiều nhà máy, xí nghiệp khác trên địa bàn TP.HCM nói chung và KCX, KCN Linh Trung II nói riêng, sau quá trình chuẩn bị và được các cơ quan chức năng thẩm định, đã và đang thực hiện phương án làm việc “3 tại chỗ” (3T). Đây được xem như là giải pháp nhất thời và duy nhất để DN được hoạt động trong thời gian TP thực hiện giãn cách theo CT 16 trên tinh thần thực hiện mục tiêu kép.
Cầm trên tay một công văn của cấp thẩm quyền về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tôi băn khoăn đến hoang mang, khi mà câu chữ trong văn bản nói rằng chủ DN/nhà điều hành phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật một khi để dịch bệnh bùng phát hoặc bạo động xảy ra trong DN trong quá trình triển khai phương án 3T.
Tôi tự hỏi: Mình mua bảo hiểm rủi ro vẫn phải chấp nhận những điều khoản loại trừ trách nhiệm bồi thường trong một số tình huống nhất định nếu chẳng may xảy ra sự cố, huống chi dịch bệnh là một tai ương không thể kiểm soát, phải được loại trừ chứ? Chẳng phải các nước trên thế giới vẫn đang chạy đua ngày đêm chống dịch bằng mọi giá, mọi phương cách nhưng vẫn không kềm hãm được nguy cơ bùng dịch hoặc làm giảm số ca nhiễm và tử vong đó sao?
Vậy thì, những người chấp bút soạn thảo văn bản có đặt mình vào vai trò của người chủ DN/nhà điều hành để tư vấn cho lãnh đạo hiểu, cảm thông và sẵn sàng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về mặt chính sách, chủ trương, thủ tục, quy trình cho DN? Họ có lường trước được những khó khăn sẽ phát sinh và đưa ra kịch bản ứng phó cùng với DN chung tay tháo gỡ thay vì kiểu ràng buộc trách nhiệm đơn phương như vậy?
Có thể nói phương án 3T là giải pháp cần cho việc thực thi trong tầm ngắn hạn (tối đa 1 tháng). Phương án này có quá nhiều bất cập và phát sinh, ngay từ khâu lập kế hoạch/phương án cho đến khi triển khai thực hiện. Bởi đây là kịch bản hoàn toàn mới, hầu hết DN chưa hề có kinh nghiệm trong việc tổ chức lưu trú tập trung. Từ việc thiết lập cơ sở hạ tầng chỗ ăn, ngủ và sinh hoạt cho hàng trăm con người cùng lúc, đến việc quản lý như thế nào để vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch, vừa bảo đảm sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cho người lao động…
Chưa kể, mặt bằng nhận thức và thói quen sinh hoạt cũng như hành xử của những người lao động khi lưu trú tập trung rất khác biệt, khiến công tác quản trị vô cùng khó khăn. Công tác tuyên truyền về dịch bệnh dù đã thực hiện liên tục, bằng nhiều cách thức như bản tin, thông báo, biển báo, tin nhắn nhóm… và được lặp đi lặp lại, nhưng với nhiều người lao động, dịch bệnh vẫn như ở đâu rất xa, nên việc thực hiện 5K vẫn mang tính hình thức, chiếu lệ.
Bà Nhan Húc Quân - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bao bì giấy nhôm New Toyo Việt Nam (mắt kính trên tóc) và các nhân viên trong dịp Tết Tân Sửu 2021 |
Sau gần hai tháng triển khai 3T, một người bạn trong ngành bao bì in ấn đã nói với tôi rằng: “Em bạc trắng cái đầu!”. Người khác thì nửa đùa nửa thật: “Sau dịch chị em mình gặp lại chị sẽ không nhận ra em, em già khằn!”.
Giới doanh chủ, nhà điều hành và nhà quản lý là những người luôn phải chịu áp lực, không chỉ là cảm xúc mà còn cả sự mạo hiểm, để ít nhất là duy trì hoạt động cho DN. Cái giá mà họ phải trả không đơn thuần chỉ là tiền bạc mà là chính con người họ - cả thể lý và tâm lý. Sự căng thẳng, thậm chí khủng hoảng tinh thần, những tổn thương nội tâm do những thay đổi liên tục và chớp nhoáng về quy định, sức ép tứ phía... để lại những hệ quả khó lường về sau mà chỉ họ là người gánh chịu.
Hiệu ứng lây nhiễm sự hoang mang, sợ sệt lan truyền thật nhanh khi mà DN buộc phải tự thực hiện biện pháp sàng lọc để phát hiện ca nhiễm, mỗi tuần 1- 2 lần. Mỗi lần làm xét nghiệm (test nhanh hoặc RT-PCR để nhìn thấy chỉ số tải lượng virus thuộc diện lây lan hay không lây lan), ai cũng hồi hộp, lo sợ, sợ mình dương tính, sợ mang bệnh cho người nhà, sợ bị đưa đi cách ly tập trung bị thiếu thốn, sợ chết không kịp về nhà gặp mặt người thân v.v… Nhiều người lao động vốn là những chàng trai khỏe mạnh, chăm chỉ lao động, bỗng chốc trở lên yếu đuối, thậm chí bấn loạn đến mức thiếu suy tính đến sự thiệt hơn cho chính bản thân mình…
Là “người trong cuộc” của phương án vừa cách ly vừa sản xuất, cũng là người từng phải trả giá (bằng cả tiền bạc - chi phí cho các F0, lẫn tinh thần - sự hồi hộp và căng thẳng trong mỗi lần làm xét nghiệm), tôi nhận ra một số “lỗ thủng” của hình thức hoạt động 3T:
1. Khi DN bắt tay vào thực hiện 3T hồi trung tuần tháng 7, một số công nhân ở khu nhà trọ đã kể lại rằng người nhà của họ đã có dấu hiệu cảm sốt trước khi họ thu dọn hành lý vào DN tá túc. Điều đó có nghĩa là bản thân họ có thể đã nhiễm virus SARS-CoV-2, nhưng đang trong thời gian ủ bệnh nên khi họ “nhập trại” vẫn có kết quả xét nghiệm kháng nguyên âm tính. Phương án tối ưu là trước khi cho lao động “nhập trại”, DN phải làm xét nghiệm khẳng định PCR tất cả người lao động, thực hiện nghiêm khoảng cách (2m) - khẩu trang - khử khuẩn ngay cả trong phòng ngủ cho đến khi có kết quả âm tính.
2. Khi triển khai xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 với tần suất 2 lần/tuần (tức cách nhau 3 ngày), hoặc xét nghiệm khẳng định RT-PCR (sau ít nhất 1 ngày mới nhận kết quả), sẽ không kịp thời phát hiện và bóc tách ca nghi nhiễm ra khỏi cộng đồng. Thời gian chờ đến lần xét nghiệm sau hoặc chờ kết quả cũng chính là khoảng thời gian bệnh có thể được lây nhiễm.
Phương án tối ưu là (và chúng tôi đã thực hiện ở tuần thứ 5) test nhanh liên tục trong ít nhất 7 ngày liền, kịp thời cách ly trường hợp nghi nhiễm, làm PCR để khẳng định tình trạng bệnh nếu có. Chúng tôi gọi đây là chiến lược “cô lập vùng đỏ, củng cố và mở rộng vùng xanh”. Với chiến lược này, người lao động của chúng tôi đã lấy lại được tinh thần tích cực làm việc, cho dù thời gian xa gia đình đã lâu và cũng chưa biết sẽ kết thúc vào lúc nào.
3. Xác định F1 là điều hết sức cần thiết. Thực tế cho thấy phần lớn các đối tượng F1 trở thành F0 trong thời gian khoảng 1 tuần trở lại. Nguy cơ lây nhiễm không chỉ là tiếp xúc gần hay ăn chung, mà còn từ môi trường và các khu vực sử dụng chung (như nhà vệ sinh, nhà ăn, phòng ngủ), do virus bám trên các bề mặt tiếp xúc. Phương án tối ưu là xác định mỗi người ngoài thực hiện 5K còn cần tự theo dõi hành trình của bản thân, ghi nhớ những chỗ đã đến, đồ vật đã sử dụng, để biết chính xác mình có phải F1 hay không. Tất cả các F1 đều cần được cách ly ngay lập tức cùng F0.
4. Khi giao nhận hàng (bưu phẩm, bưu kiện, nguyên vật liệu, phụ liệu và lương thực thực phẩm), việc khử khuẩn bề mặt bằng Chloramin B hay còn được gọi với tên khoa học Benzenesulfochloramide natri hoặc cồn trắng 70o có thể diệt các loại khuẩn staphylococcus aureus, pseudomonas aeruginosa, shigella flexneri, bacillus subtilis, mycobacterium tuberculosis, nấm candida albicans... tại chỗ là điều hết sức quan trọng và cần thiết. Việc trang bị áo bảo hộ y tế cho người có tiếp xúc với bên ngoài là điều kiện bắt buộc, để phòng tránh bị lây nhiễm từ bên ngoài.
5. Việc chậm (được) tiêm chủng cũng là mối nguy dẫn đến lây lan cao. Các ca nhiễm chưa được tiêm chủng sẽ dễ trở nặng hơn. Vì vậy, hãy tiêm chủng cho tất cả người lao động ngay khi có thể.
Bà Nhan Húc Quân và cuốn sách đầu tiên do chính bà viết, mang tên "Phép màu để trở thành chính mình" |
Bao nhiêu đêm trắng thao thức không tài nào chợp mắt lo cơm áo gạo tiền cho DN; bao nhiêu đêm khuya chợt tỉnh giấc để xướng tên cầu nguyện cho F0 được bình an; bao nhiêu lệ rơi khi thoáng nhìn những gương mặt thân quen có kết quả dương tính, lên xe đi cách ly tập trung; bao nhiêu bữa cơm phải tạm gác lại để nghe những cuộc gọi, đọc những tin nhắn văn bản từ cấp thành phố, sở ban ngành đến địa phương để kịp cập nhật, giải quyết những sự vụ, sự việc phát sinh hằng giờ, hằng ngày mà việc gì cũng khẩn trương, cấp bách và chưa từng có tiền lệ.
Sợ nhưng không hãi,
Bệnh nhưng không phế,
Khỏe để chăm lo và giúp đỡ người khác !
Đó là những câu cửa miệng truyền cảm hứng, khích lệ, nâng đỡ lẫn nhau trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
(*) Tổng Giám đốc Công ty New Toyo Việt Nam