Từ đầu năm 2022, ngành dệt may đón nhận hàng loạt tin vui, nhiều DN ngành này đã có đơn hàng hết quý III và cả năm. Tín hiệu này xuất phát từ nhu cầu mua sắm hàng hóa tiêu dùng (quần áo, giày dép...) tại các thị trường xuất khẩu chính của DN Việt Nam là Mỹ, các nước EU, Nhật Bản... tăng rõ rệt khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi.
Tương tự, các DN trong ngành sản xuất, xuất khẩu gỗ cũng đón nhận tín hiệu tích cực từ xuất khẩu khi các thị trường chính như Mỹ, nhiều nước ở châu Âu đặt hằng ngày càng nhiều.
Trong khi đó, ngành hàng thủy sản còn có sự bứt tốc ngoạn mục hơn. Sau khi tăng 44% trong tháng 1 và 62% trong tháng 2, xuất khẩu thủy sản tháng 3 tăng trưởng chậm lại nhưng doanh số vẫn cao hơn đáng kể so với hai tháng đầu năm. Tính đến hết tháng 3, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều doanh nghiệp không xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh dài hạn vì nhiều loại phí tăng cùng lúc |
Tuy vậy, đà phục hồi của các ngành hàng kể trên đang có dấu hiệu chững lại, mà "vật cản" chính là các loại chi phí đều tăng. Thời gian qua, DN trong ngành thủy sản "đau đầu" với việc giá cước vận chuyển tăng đột biến. Nếu trong năm 2021, giá cước vận chuyển đã nhiều lần lập đỉnh thì trong năm 2022 lại tiếp tục tăng, nhất là từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine làm tăng mạnh giá xăng dầu toàn cầu.
Hiện giá cước vận tải biển ở nhiều tuyến còn cao hơn mức đỉnh của năm ngoái. Cụ thể, giá cước đi các cảng bờ Tây nước Mỹ dao động từ 12.000-14.000 USD/container (tùy hãng), đi bờ Đông nước Mỹ như dao động từ 19.000-22.000 USD/container (tùy hãng).
"Việc đặt được chỗ trên tàu để xuất khẩu hàng hiện nay là đáng lo nhất. Chúng tôi có nhiều lô hàng đã sản xuất từ hơn một tháng trước, nhưng đến những ngày gần đây mới xuất đi được. Các hãng tàu cho biết là đang thiếu container, thiếu chỗ trên tàu", một DN sản xuất tại Bình Phước chia sẻ.
Bà Phạm Thị Phương - Giám đốc Công ty TAM Logistics chuyên giao nhận vận tải hàng hóa (Forwarder) cho biết, hiện công ty nhận được rất nhiều yêu cầu đặt chỗ với các hãng tàu, tuy nhiên việc đặt chỗ trên tàu đang rất khó khăn, gần như mất lợi thế thương lượng về giá. DN chỉ mong giành được chỗ để xuất hàng đi chứ không thể chờ đợi cước giảm.
Ngoài giá vận chuyển, việc TP.HCM bắt đầu thu phí hạ tầng cảng biển càng làm cho DN tăng chi phí. Trước đó, nhiều hiệp hội ngành hàng ở thành phố đề nghị lùi ngày thu phí hạ tầng cảng biển vì DN chưa thực sự phục hồi sau giai đoạn khó khăn vì Covid-19, nhưng không được chấp thuận. DN trên địa bàn thành phố cho rằng, với cách thu phí hiện tại là phí chồng phí.
DN Việt Nam "chịu trận" khá tốt trong đợt dịch năm trước, tuy nhiên với việc nhiều loại phí tăng cùng lúc như hiện tại cùng nhiều biến động khác, để tránh rủi ro, nhiều DN không xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh dài hạn mà càng thận trọng trong từng bước đi.
Việc xăng dầu tăng giá, thiếu lao động cũng là lực cản đối với quá trình phục hồi của hầu hết DN hiện tại.
Trước những khó khăn ấy, nhiều DN đã bắt đầu tính toán lại cách sản xuất, kinh doanh để tiết kiệm chi phí. Đơn cử như Công ty TNHH Anh Khoa, để ứng phó với việc thiếu lao động đã thu hẹp quy mô sản xuất, gộp chung các chuyền may chưa tuyển đủ người. Với chi phí logistics tăng, xăng dầu tăng và chi phí hạ tầng cảng biển, nhiều DN đã đàm phán với đối tác để tăng giá sản phẩm. Trong trường hợp không tăng được giá bán sẽ thương lượng với đối tác chia sẻ phí vận chuyển. "Nhiều đối tác đã đồng cảm và chấp thuận chia sẻ chi phí phát sinh với chúng tôi. Trước đó, dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, chúng tôi đã chia sẻ với đối tác, như giãn thời hạn thanh toán, giảm giá bán sản phẩm, giờ là lúc họ đáp lại", ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean chia sẻ.
Với những DN không thỏa thuận được với đối tác về việc tăng giá bán hay chia sẻ giá cước, đành không ký những đơn hàng lớn, dài hạn.
Theo các chuyên gia kinh tế, DN Việt Nam "chịu trận" khá tốt trong đợt dịch năm trước, tuy nhiên với việc nhiều loại phí tăng cùng lúc như hiện tại cùng nhiều biến động khác, để tránh rủi ro, nhiều DN không xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh dài hạn mà càng thận trọng trong từng bước đi.