Ngày 13/6, Fitch hạ triển vọng nợ của Nhật Bản từ ổn định xuống tiêu cực, do nước này quyết định hoãn tăng thuế tiêu dùng - điều được xem là có ý nghĩa quyết định trong việc giảm mức nợ nằm trong số lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, Fitch vẫn duy trì mức xếp hạng của Nhật Bản ở mức "A" sau khi đã hạ vào năm ngoái.
Fitch cho rằng việc hoãn tăng thuế làm yếu cam kết của Nhật Bản trong việc thanh toán khối nợ lớn đã ở mức trên 200% GDP. Theo cơ quan xếp hạng này, việc điều chỉnh triển vọng chủ yếu phản ánh sự thiếu tin tưởng hơn đối với cam kết của Nhật Bản trong việc củng cố tài chính.
Fitch nhìn nhận việc tăng thuế tiêu dùng là một thành tố quan trọng trong các kế hoạch ngân sách của chính phủ. Cơ quan này cho biết thêm, Nhật Bản đã không nêu rõ cách thức để bù vào nguồn thu bị mất do không tăng thuế từ mức 8% hiện nay lên 10%. Tuy vậy, Fitch nhấn mạnh rằng nước Nhật giàu có và ổn định vẫn có nhiều lựa chọn về tài chính.
Đa phần số nợ của Nhật Bản là nợ trong nước với mức lãi suất thấp, cho phép nước này tránh rơi vào tình thế thiếu tiền mặt như Hy Lạp. Nhưng việc mất lòng tin vào khả năng trả nợ của Nhật Bản có thể khiến lãi suất tăng mạnh và làm tăng rủi ro phá sản.
Theo Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, việc hoãn tăng thuế cho đến cuối năm 2019 sẽ tạo điều kiện để nước này đẩy mạnh chính sách phục hồi tăng trưởng có tên gọi Abenomics.
Lần tăng thuế vào tháng 4/2014 được cho là nguyên nhân khiến kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái. Nhiều người lo ngại một lần tăng thuế nữa sẽ tác động bất lợi đến nền kinh tế lớn thứ ba thế giới khi ảnh hưởng tới chi tiêu tiêu dùng.
Kinh tế Nhật Bản tránh được suy thoái trong quý I khi tăng trưởng 0,5% so với quý trước. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi vẫn là điều đang gây lo ngại.
>3 yếu tố "sống còn" của kinh tế Nhật trong năm 2016
>Thương hiệu công nghệ: "Gót chân Asin" của kinh tế Nhật Bản?